Lớp học đặc biệt của thầy giáo quân hàm xanh

GD&TĐ - Lớp học là những học trò ở độ tuổi U40, U50 và thầy giáo là bộ đội biên phòng cùng nhau ê a đánh vần dưới ánh điện leo lét.

Lớp học đặc biệt giữa đại ngàn. (Ảnh: NT)
Lớp học đặc biệt giữa đại ngàn. (Ảnh: NT)

Ở khu vực biên giới, cùng với các thầy giáo, cô giáo, các chiến sỹ biên phòng chung tay vào sự nghiệp "gieo chữ, trồng người". Những đóng góp trong sự nghiệp giáo dục của người lính mang quân hàm xanh đã góp phần xoá tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại úy Đào Nguyên Túc lên lớp sau khi kết thúc công việc tại đồn. (Ảnh:NT)
Đại úy Đào Nguyên Túc lên lớp sau khi kết thúc công việc tại đồn. (Ảnh:NT)

Bồng con theo học

19h 30 phút, khắp bản Suối Lóng, xã Tam Chung rộn rã tiếng cười nói rủ nhau đi học. Một lớp học đặc biệt mà học sinh là các bà các bố, mẹ bồng theo con đi học và thầy giáo là bộ đội biên phòng.

Hằng ngày sau khi kết thúc công việc tại đồn, Đại úy Đào Nguyên Túc, cán bộ Đồn Biên phòng Tam Chung (huyện Mường Lát, Thanh Hoá) lại chuẩn bị các “đồ nghề” dạy học rồi vượt 15km đường rừng để lên lớp.

Học trò bồng theo con lên lớp. (Ảnh: NT)
Học trò bồng theo con lên lớp. (Ảnh: NT)

Là người công tác nhiều năm ở Mường Lát, hiểu một phần tiếng bản địa nên thầy giáo Túc truyền tải tiếng Việt cho bà con cũng khá thuận lợi. Ban đầu lớp học có 33 người, đến nay sĩ số đã tăng lên 50 người, lớp học cũng có lớp trưởng, lớp phó. Dự kiến 1 tuần 3 buổi từ 19h - 21h nhưng hiện tại các học viên muốn được đi học cả tuần.

Thầy Túc không chỉ dạy bà con học viết chữ, làm toán mà giờ giải lao, thầy còn chia sẻ nhiều kiến thức khác như hôn nhân, chấp hành chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, địa phương. Đặc biệt là chấp hành các quy định của pháp luật ở khu vực biên giới, những vấn đề có liên quan đến hôn nhân cận huyết thống, làm ma khi gia đình có người chết sao cho vệ sinh, tiết kiệm, cưới hỏi…

Nhớ về những ngày mới đến lớp học xóa mù chữ, chị Giàng Thị Cong (bản Suối Lóng) còn thẹn thùng, e ngại. Chị Cong kể, cái tay của Cong lâu nay chỉ quen cầm dao chặt ngô, cầm cuốc xới đất, đào sắn chứ không biết cầm bút viết. Thầy Túc thấy chị cứ loay hoay với bút, vở, thầy ân cần cầm tay chỉ bảo, thế mà giờ chị cũng đã viết được tên mình bằng tiếng phổ thông.

Thầy giáo "quân hàm xanh" ngoài dạy chữ còn chia sẻ về chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. (Ảnh: NT)

Thầy giáo "quân hàm xanh" ngoài dạy chữ còn chia sẻ về chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. (Ảnh: NT)

Còn anh Sùng A Rễ thì tối nào cũng đưa con đi theo ngồi cạnh. Anh Rễ không giấu được niềm vui khi mỗi tối được đến lớp học. Trong giọng nói còn chưa “sõi” tiếng phổ thông, anh Rễ chia sẻ: “Mình học lớp xoá mù chữ ở đây được 2 tuần rồi. Không có người trông con thì mình mang con theo. Viết được tên mình, biết làm toán nữa, mình vui lắm”.

“Biết chữ để xoá đói, giảm nghèo”

Theo Đại úy Túc, hầu hết bà con trong bản đều không biết chữ, vì vậy, mỗi lần ra UBND xã, bà con không biết tự viết tên mình mà phải điểm chỉ. Không có chữ, bà con không biết tính toán làm ăn nên đói nghèo cứ mãi đeo bám.

“Khi biết chữ, họ có thể nhắn tin, xem tin tức trên mạng xã hội, thậm chí có thể phát triển kinh tế gia đình thông qua các nền tảng mạng xã hội trực tuyến.

Trong lớp học còn nhiều chị em phụ nữ trẻ, nếu biết chữ viết họ có thể tự đi tìm công việc khác thay vì chỉ ở nhà hoặc làm nương rẫy. Từ đó, giúp họ xóa đói giảm nghèo, phát huy vai trò của người phụ nữ trong thôn, bản”, Đại uý Túc chia sẻ.

Lớp học ban đầu có 33 học viên giờ đã tăng lên 50 học viên. (Ảnh: NT)

Lớp học ban đầu có 33 học viên giờ đã tăng lên 50 học viên. (Ảnh: NT)

“Nhiệm vụ chính của chúng tôi là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu nhưng bây giờ kiêm nhiệm vụ làm thầy giáo trong khi kinh nghiệm và kiến thức sư phạm lại hạn chế. Thế nhưng, chúng tôi luôn cố gắng truyền tải hết những gì có thể, lúc nào bà con không hiểu thì mình lại chuyển sang nói tiếng Mông.

Dạy đồng bào phải kiên trì, không nóng vội. Có người dạy trong vòng một tháng đã biết đọc, viết, làm toán cơ bản nhưng có người phải đến 2 tháng mới viết được nét chữ đầu tiên. Tuy nhiên, thấy bà con vui vẻ đến với con chữ, bản thân cũng thấy yêu lớp và muốn bám lớp hơn”, Đại uý Đào Nguyên Túc chia sẻ.

Thượng tá Đỗ Ngọc Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung, huyện Mường Lát cho biết: “Đảng uỷ, Ban Chỉ huy đồn đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, Phụ nữ huyện Mường Lát mở lớp xoá tái mù ở bản Suối Lóng. Qua một thời gian, bà con đã tiếp cận được những kiến thức mới. Đây là một trong những nội dung nhằm nâng cao đời sống của bà con ở khu vực biên giới”.

Được biết, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Tam Chung là 63,64%, đến năm 2022 giảm xuống còn 50,6%, những con số có thể xem như tín hiệu đáng mừng trong công tác giảm nghèo.

Nhiều năm qua, lực lượng bộ đội Biên phòng Thanh Hóa không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền biên giới mà còn trực tiếp tham gia có hiệu quả vào công tác xóa tái mù chữ lồng ghép tuyên truyền pháp luật. Cùng với đó, mô hình “lớp học biên cương”, “lớp học đặc biệt”, “Con nuôi đồn biên phòng”… của các thầy giáo mang quân hàm xanh được nhân rộng, đã giúp xóa mù chữ cho hàng nghìn lượt người dân tại các khu vực biên giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ