Hà Giang phát triển du lịch nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo

GD&TĐ - Nhiều mô hình du lịch nông thôn đang tạo sinh kế cho người dân ở tỉnh Hà Giang thoát nghèo.

Làng Văn hóa thôn Nặm Đăm, huyện Quản Bạ hấp dẫn du khách.
Làng Văn hóa thôn Nặm Đăm, huyện Quản Bạ hấp dẫn du khách.

Đánh thức tiềm năng du lịch

Nằm trong khu vực vùng núi phía bắc của Tổ quốc, tỉnh Hà Giang sở hữu nhiều ngọn núi cao, vách núi đá hiểm trở dựng đứng, những cánh rừng nguyên sinh đan xen với thung lũng thơ mộng tạo nên một quần thể kiến trúc vô cùng độc đáo và hùng vĩ.

Hà Giang là mảnh đất có lịch sử lâu đời, là nơi quần tụ và sinh sống của 19 dân tộc, mỗi dân tộc mang những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt, tạo nên sự đa dạng về văn hóa, tuy nhiên sự giao thoa đó không làm mất đi những nét độc đáo của mỗi dân tộc mà ngược lại hòa quện vào nhau, bổ trợ cho nhau tạo nên một quần thể đa văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Tỉnh có 91 di sản văn hóa, trong đó có 31 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia, 30 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận nằm trong hệ thống mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Danh thắng này đã mang lại nhiều giá trị to lớn cho Hà Giang, đặc biệt là về du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh làm mê đắm lòng người, những điểm du lịch được khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích như: Cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, mùa hoa tam giác mạch huyện Mèo Vạc…

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Hà Giang đã đón hơn 2,1 triệu lượt du khách, trong đó gần 220.000 lượt khách quốc tế, khách nội địa khoảng 1,94 triệu lượt người (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 86% kế hoạch năm) doanh thu du lịch đạt gần 5.100 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ 2022.​

Du lịch Hà Giang đang từng bước khẳng định là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh

Hà Giang phấn đấu đến năm 2025, tỉnh đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội; có tính chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu thu hút 3 triệu lượt khách/năm; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng; tạo trên 28.000 việc làm cho người lao động…

Người dân và du khách trải nghiệm thu hoạch lúa tại Lễ hội "Mùa vàng – Làng nhà rêu” Xà Phìn, huyện Vị Xuyên. Ảnh: Phi Anh

Người dân và du khách trải nghiệm thu hoạch lúa tại Lễ hội "Mùa vàng – Làng nhà rêu” Xà Phìn, huyện Vị Xuyên. Ảnh: Phi Anh

Phát triển du lịch nông thôn

Hà Giang là một tỉnh gặp nhiều khó khăn, có hơn 87 vạn dân, trong đó số hộ nghèo có trên 40%. Hà Giang đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gắn với du lịch.

Từ những thuận lợi về tài nguyên du lịch, Hà Giang chú trọng du lịch nông thôn gắn với cộng đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó 16 làng đã được UBND tỉnh công nhận hoàn thành các tiêu chí xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu.

Trải qua nhiều giai đoạn, hiện nay sản phẩm du lịch cộng đồng đang được thực hiện xây dựng theo mô hình “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Ngoài ra, du lịch nông thôn ở Hà Giang còn gắn với các làng nghề truyền thống như: HTX dệt lanh Lùng Tám, HTX thêu dệt vải thổ cẩm Lô Lô thôn Sảng Pả A, HTX đan quẩy tấu thôn Cá Chúa Đớ, xã Giàng Chu Phìn; Hợp tác xã may mặc trang phục dân tộc Dao xã Sủng Máng, làng nghề đúc lưỡi cày… ở một số địa phương trong tỉnh.

Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch homestay tại các làng văn hóa du lịch trung bình đạt 50 đến 70 triệu đồng/năm, trong đó có những hộ đạt doanh thu gần 200 triệu đồng/năm. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các làng.

Trong các mùa lễ hội, mùa đón khách du lịch, người dân địa phương còn có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc thù của địa phương như: Mật ong bạc hà, các sản phẩm từ vải lanh, thịt bò khô ở huyện Mèo Vạc và Đồng Văn, hồng không hạt huyện Quản Bạ và Yên Minh, gà xương đen tại bốn huyện cao nguyên đá….

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ