Cho rằng đánh giá, nhận xét là phải là những thông điệp mang cảm xúc, PGS.TS Nguyễn Công Khanh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí Trường ĐHSP Hà Nội đã dẫn dụ bằng một câu chuyện nhỏ:
Trong một giờ Họa, cô giáo yêu cầu các học sinh của mình vẽ công viên Walt Disney. Trong khi tất cả học sinh khác vẽ rất chăm chú thì một học sinh không vẽ gì cả mà chỉ ngồi cắn bút.
Khi cô yêu cầu nộp bài, học sinh đó đã nộp bức vẽ chỉ với vỏn vẹn hình ảnh một người ngồi trên chiếc ghế đá.
Sau khi cô giáo hỏi tại sao con không vẽ công viên, học sinh òa lên khóc và nói: Con chưa bao giờ được đến công viên đó.
Cô giáo nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh học trò của mình và mỉm cười: Cô cũng như con, chưa từng đến công viên Walt Disney bao giờ. Vậy cô trò mình sẽ cùng tưởng tượng nhé.
Rồi cô và trò cùng hình dung, tưởng tưởng, một công việc sẽ luôn rất đông người, có nhiều trò chơi, có hồ nước và cây xanh… Gương mặt học trò dần trở lên rạng rỡ và bắt đầu ngồi vẽ…
“Quá trình trao đổi giữa cô, trò như thế cũng chính là những lời nhận xét, góp ý” - PGS.TS Nguyễn Công Khanh cho biết.
Thông qua câu chuyện này, PGS.TS Nguyễn Công Khanh một lần nữa nhấn mạnh rằng, giáo viên trước hết phải hiểu bản chất đánh giá là gửi đi những thông điệp mang cảm xúc để tạo sự tương tác giữa người dạy và người học nhằm cải thiện mối quan hệ, qua đó, trao gửi niềm tin cho người học.
Nếu giáo viên thực sự là người hiểu học sinh, hoàn toàn không khó khăn để đưa ra những câu nhận xét, đánh giá kết nối được tâm hồn thầy - trò và tạo động lực cho trò cố gắng trong học tập, rèn luyện.
Ví dụ như: Cô rất thích câu trả lời của con; Hôm nay con làm cô rất ngạc nhiên…
Hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn của các giáo viên đang trực tiếp triển khai Thông tư 30, PGS.TS Nguyễn Công Khanh cũng cho rằng, đây là cách tiếp cận mới, đòi hỏi người thực hiện phải hiểu ý nghĩa của nó. Chừng nào chưa thực sự hiểu thì chừng đó còn băn khoăn, lo lắng.
Lâu nay, thói quen đánh giá cũ đã ăn sâu, trở thành thói quen rất khó thay đổi. Trước đây, chúng ta đánh giá bằng chấm điểm, chỉ quan tâm nhiều đến môn Toán, môn Văn mà ít quan tâm đến các môn học như kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm.
Giờ, cách đánh giá thay đổi, theo đó, đánh giá có ba mục đích: Vì sự tiến bộ của người học; đánh giá như là một quá trình tự học và tự phát triển và đánh giá về kết quả học tập. Nội dung đánh giá thứ ba chính là cái lâu nay chúng ta vẫn coi trọng.
“Có thể nói, vận hành Thông tư 30, khó khăn lớn nhất vẫn là cản trở về nhận thức, khi cha mẹ học sinh, giáo viên và xã hội chưa hiểu hết ý nghĩa của cách đánh giá mới.
Niềm tin của con người đôi khi không căn cứ trên cơ sở khoa học và dựa vào thói quen. Bởi thế, khó khăn của lần đổi mới này cũng giống như người ta đang quen đi xe đạp giờ chuyển đổi phương tiện thành ô tô với đầy đủ tiện nghi” - PGS.TS Nguyễn Công Khanh cho hay.