Nhiều người cao tuổi ở Kon Tum viết ‘đơn xin thoát nghèo’

GD&TĐ - Dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng có những cụ già ở huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo để trao sự hỗ trợ cho người khó khăn hơn.

Xã Kon Đào tuyên truyền, hỗ trợ nhiều mô hình phát triển kinh tế để người dân thoát nghèo.
Xã Kon Đào tuyên truyền, hỗ trợ nhiều mô hình phát triển kinh tế để người dân thoát nghèo.

Chung tay cùng địa phương giảm nghèo

Những ngày tháng 4, dưới cái nắng oi ả, cụ Võ Nhành (thôn 6, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) đang dọn dẹp lại nhà cửa, chuẩn bị cho bữa cơm chiều.

Thấy khách ghé thăm, cụ Nhành tạm gác công việc, nở nụ cười hiền mời khách vào nhà uống nước. Với nước da ngăm đen, đôi tay nhăn nheo ở cái tuổi ngoài 80, cụ Nhành cho hay, bản thân sinh ra trong gia đình khó khăn.

Trước đây, gia đình cụ Nhành hoàn cảnh kinh tế rất cơ cực. Vợ của cụ Nhành thường xuyên đau ốm nên tốn nhiều chi phí thăm khám, chữa trị. Do đó, cuộc sống của 2 vợ chồng ngày càng túng thiếu. Dù vậy, cụ Nhành vẫn cố gắng lao động để tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Những năm qua, gia đình cụ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước như: Cấp BHYT miễn phí và hỗ trợ vay vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt... Đây chính là động lực để gia đình cụ Nhành chăm chỉ làm ăn, nỗ lực vượt qua khó khăn.

Ngoài làm nương rẫy, làm thuê, cụ Nhành cũng mở thêm một quán nước nhỏ để bán những khi rảnh rỗi. Cụ Nhành luôn dạy các con phải cố gắng học tập và chăm chỉ lao động để trở thành những người có ích cho xã hội.

2 năm trước, vợ cụ Nhành qua đời, các con cũng khôn lớn nên cụ quyết tâm viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.

“Cuộc sống của mình cũng chẳng dư giả gì. Tuy nhiên vẫn đủ ăn, đủ mặc và không quá khó khăn. Xưa kia, khi còn nghèo đói, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chăm lo tạo điều kiện cho tôi và gia đình rồi. Vậy nên việc thoát nghèo là trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân mình.

Do đó tôi viết đơn xin thoát nghèo để nhường sự hỗ trợ lại cho những gia đình có hoàn cảnh cơ cực hơn. Hy vọng việc làm này sẽ chung tay cùng địa phương trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo”, cụ Nhành bộc bạch.

Xin thoát nghèo để làm gương cho con cháu

Cụ Nhành chia sẻ về quá trình thoát nghèo.
Cụ Nhành chia sẻ về quá trình thoát nghèo.

Không chỉ gia đình cụ Nhành, vợ chồng cụ Nguyễn Tánh (thôn 1, xã Kon Đào) năm nay đều đã ngoài 80 tuổi, cũng tình nguyện xin thoát nghèo.

Cụ Tánh đến xã Kon Đào vào năm 1976 theo diện lao động tự do, sau đó tham gia một hợp tác xã trồng lúa. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nên trở thành hộ nghèo lúc nào chẳng hay.

Mỗi tháng gia đình cụ được chính quyền quan tâm và nhận khoản trợ cấp dành cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, cụ cũng được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế nên mỗi khi thăm khám, đau ốm cũng đỡ chi phí thuốc men.

Vợ chồng cụ cũng làm thêm đủ nghề để nuôi 6 người con ăn học. Thế rồi cuộc sống mỗi ngày khấm khá hơn. Khi các con đã trưởng thành, vợ chồng cụ cũng xây dựng được ngôi nhà khang trang. Ngày có căn nhà mới cũng là ngày gia đình cụ Tánh chủ động viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Ngồi trong căn nhà mới vừa được xây dựng, cụ Tánh không giấu được niềm vui và xúc động.

“Sau nhiều năm cố gắng, chắt chiu, vợ chồng tôi cũng có căn nhà ấm cúng. Đó là tâm nguyện nhiều năm nay của gia đình và bây giờ đã thành hiện thực. Vợ chồng tôi có chỗ ăn, ngủ đàng hoàng mà không lo mưa nắng như vậy đã quá mãn nguyện rồi.

Chính vì vậy chúng tôi xin thoát nghèo để những người khó khăn hơn được nhận sự hỗ trợ. Tôi cũng muốn làm gương cho con cháu, cố gắng lao động, sản xuất để vươn lên trong cuộc sống”, cụ Tánh tâm sự.

Việc làm của gia đình cụ Nhành và cụ Tánh đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong thôn, mà còn nhiều thôn khác của xã.

Trong năm 2023, xã Kon Đào có 288 hộ nghèo và cận nghèo. Thời gian qua, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, thông qua việc chú trọng tuyên truyền, vận động bà con phát huy nội lực để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Địa phương hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, nên trong năm 2023 đã có 134 hộ thoát nghèo và cận nghèo, trong đó 4 hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo.

Những việc làm trên không chỉ góp phần tích cực giúp chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là minh chứng cho những thay đổi trong nhận thức, tư duy của người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Cùng với đó là những cách làm sáng tạo trong công tác điều hành, chỉ đạo, sâu sát, quan tâm đến mọi mặt đời sống Nhân dân của các cấp chính quyền cơ sở.

Những việc làm ấy đã khơi dậy thành công ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo trong từng người dân địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.