Chủ động xây dựng kịch bản, phương án dạy học
Trong năm học 2021-2022, căn cứ tình hình thực tiễn, các văn bản chỉ đạo kịp thời của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với khả năng đáp ứng của nhà trường và điều kiện thực tế của học sinh.
Chia sẻ điều này, cô Ngô Nguyệt Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, cho biết: Ban giám hiệu đã chỉ đạo tổ (nhóm) chuyên môn rà soát, xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục căn cứ văn bản chỉ đạo các cấp. Đồng thời, triển khai lấy ý kiến phụ huynh học sinh, giáo viên, thống nhất thời gian tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với từng khối lớp.
Với học sinh từ khối 2 - 5, do đã làm quen và có nếp học tập trực tuyến từ năm học trước, nên thời gian học được sắp xếp vào các buổi sáng trong tuần, mỗi buổi thực hiện từ 3 - 4 tiết học.
Học sinh khối lớp 1, học trực tuyến ngay từ đầu năm học là một thách thức lớn, đòi hỏi dạy bảo công phu của giáo viên và hỗ trợ tích cực từ cha mẹ học sinh. Vì vậy, giờ học của học sinh lớp 1 được xếp vào buổi tối các ngày trong tuần, từ 19 - 21 giờ, thực hiện 3 tiết/buổi học để cha mẹ học sinh được đồng hành, hỗ trợ các con.
Thời khóa biểu của mỗi tuần học được sắp xếp linh hoạt theo nội dung kiến thức của các môn học. Riêng học sinh khối 1 - 2 thực hiện kết hợp dạy học trực tuyến với dạy học trên truyền hình, dạy học qua clip một cách linh hoạt, nhịp nhàng và hiệu quả. Các clip môn học, hoạt động giáo dục do giáo viên xây dựng đều được Ban giám hiệu kiểm tra, tư vấn, chỉnh sửa bảo đảm chất lượng.
Cán bộ quản lý song hành cùng giáo viên
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Du, 2 biện pháp chủ yếu để triển khai hiệu quả dạy học trực tuyến là tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên và lựa chọn phần mềm quản lý phù hợp, đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, kết nối được việc quản lý nhà trường với giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.
Theo cô Hiệu trưởng Bùi Thị Diệu Ngọc, để tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, trong tháng 8, giáo viên trong trường đã không ngừng học hỏi, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn do Bộ/Sở/Phòng GD&ĐT tổ chức. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chủ động xây dựng nội dung tập huấn để trang bị cho đội ngũ.
3 chuyên đề được nhà trường tổ chức, gồm: Nghiên cứu để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 1 và 2 và chuẩn bị cho lớp 3 - 5; Bồi dưỡng các phương pháp dạy học tích cực; Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Sau các buổi tập huấn, giáo viên chủ động xây dựng phương án tổ chức học trực tuyến phù hợp từng môn học, khối lớp. Các tổ chuyên môn đã xây dựng kĩ càng cách tổ chức các môn học, dùng phần mềm sao cho hiệu quả trong từng tiết dạy. Ban Giám hiệu tham dự tất cả buổi sinh hoạt chuyên môn, tư vấn từng tổ chuyên môn cách sử dụng hiệu quả; chỉ cho giáo viên biết cách vận dụng linh hoạt hình thức tổ chức dạy học cụ thể trong từng khối.
Về phần mềm, sau khi tìm hiểu, Trường Tiểu học Nguyễn Du đã chọn Hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12Online.vn. Dù ban đầu còn khó khăn vì giáo viên, học sinh đang quen với dạy học qua Zoom, nhưng với sự vào cuộc của cả tập thể, thầy và trò đã sử dụng khá thành thạo nền tảng dạy học trên hệ thống này.
“Khi giáo viên triển khai dạy học trực tuyến, ban giám hiệu luôn song hành cùng thầy cô bằng việc tham gia góp ý trong họp chuyên môn và dự giờ thăm lớp. Trong tháng qua, chúng tôi tập trung thăm lớp dự giờ các lớp 1, 2, bởi đây là khối lớp mà cả cô và trò đều gặp nhiều trở ngại nhất.
Sau các buổi dự giờ, thăm lớp, ban giám hiệu ngồi cùng tổ chuyên môn trao đổi và quyết định: với học sinh lớp 1 và 2, buổi tối chỉ nên học 2 tiết (không quá 1 tiếng); đồng thời tư vấn cho giáo viên trao đổi với cha mẹ học sinh thay đổi cách học để hiệu quả hơn” - cô Bùi Thị Diệu Ngọc cho hay.
Tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, việc quản lý dạy học trên Internet được đặc biệt chú trọng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, danh sách ID, mật khẩu, số điện thoại của giáo viên được tổng hợp kĩ càng, cập nhật ngay khi có sự thay đổi. Lịch báo giảng, kế hoạch bài dạy, giáo viên tải lên Google Drive, được xây dựng khoa học, thuận tiện cho việc cập nhật của giáo viên, cũng như việc kiểm tra, theo dõi của tổ trưởng chuyên môn, ban giám hiệu.
Chuẩn bị chu đáo để thực hiện tốt bài dạy
Từ thực tế dạy học, cô Đinh Hải Yến, giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương, cho rằng, để xây dựng và tổ chức thành công 1 tiết dạy trực tuyến, thầy cô phải chuẩn bị hết sức chu đáo. Trong đó, cần xác định được vị trí của tiết dạy trong chương trình lớp học, bậc học; xác định đúng yêu cầu cần đạt và chuẩn bị kế hoạch bài dạy.
Khi dạy trực tuyến, giáo án điện tử có vai trò chủ yếu. Do đó, giáo viên phải lựa chọn đúng nội dung cốt lõi cần đưa vào tiết dạy, quyết định phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, từ đó lên phương án khi soạn giáo án điện tử.
Ngoài ra để một tiết dạy học trực tuyến thành công, theo cô Đinh Hải Yến cần bảo đảm điều kiện dạy và học trực tuyến (thiết bị, không gian, tâm thế,...); rèn kĩ năng tự học cho học sinh;hướng dẫn để cha mẹ học sinh cùng hỗ trợ, phối hợp; tăng cường tương tác trong tiết dạy, giáo viên đánh giá hiệu quả.
Trước băn khoăn làm sao để dạy trực tuyến ngay từ những ngày đầu cho học sinh lớp 1 mà vẫn bảo đảm các kĩ năng cần đạt cho học sinh (đọc, viết, nghe, nói) và tiết học phải sinh động hấp dẫn, cô Đào Thu Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Tràng An, cho biết: Dưới sự chỉ đạo sát sao của ban giám hiệu nhà trường qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, tổ chuyên môn đã xây dựng các tiết học trực tuyến môn Tiếng Việt lớp 1 để bảo đảm mục tiêu đề ra. Kế hoạch giảng dạy, giáo án điện tử được tổ chuyên môn xây dựng, triển khai đồng bộ ở tất cả lớp khối 1.
“Khi dạy trực tuyến, chúng tôi đã xây dựng các video hoạt hình thực hành ghép tiếng mới ở các bài học Tiếng Việt có nội dung này. Những bài học đầu tiên, khi học sinh còn chưa quen với quy trình, khái niệm, giáo viên sẽ sử dụng video ngay từ đầu để hướng dẫn học sinh.
Những bài sau, khi học sinh đã dần quen, giáo viên sẽ thay đổi quy trình để thúc đẩy học sinh khám phá. Cô giáo khuyến khích, động viên học sinh sử dụng những vật liệu có sẵn ở nhà để có thể tham gia thực hành ghép tiếng. Học sinh nêu ra suy nghĩ của mình về cách ghép tiếng mới. Sau đó, giáo viên sử dụng video để cùng học sinh hình thành cách ghép tiếng đúng” - cô Đào Thu Thủy chia sẻ.