Giải bài toán sĩ số
Quy định của Bộ GD&ĐT giới hạn sĩ số lớp tối đa với trường tiểu học là 35 học sinh/lớp, với trường THCS là 45 học sinh/lớp. Nhưng trên thực tế, nhiều trường học ở thành phố lớn vượt xa con số quy định trên.
Nhiều năm nay, giảm sĩ số học sinh trên lớp là bài toán khó, làm đau đầu các nhà quản lý giáo dục ở không ít thành phố lớn, đặc biệt là các quận nội thành Hà Nội. Thế nhưng, Hoàn Kiếm - một quận “lõi” của Thủ đô - đã làm được điều này.
Phải nói thêm, đây là địa bàn có nhiều trường “hot”, chất lượng đào tạo rất tốt nên áp lực tuyển sinh trái tuyến không hề nhỏ.
Cách giải bài toán sĩ số, theo chia sẻ của bà Vương Hương Giang - Trưởng phòng GD&ĐT Hoàn Kiếm - được cân nhắc, tính toán với một lộ trình hợp lý, để “khớp” được với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ; không thể cắt giảm cơ học.
“Cách đây 3, 4 năm, các cơ sở giáo dục tại Hoàn Kiếm có sĩ số trung bình khoảng 50-55 em/lớp. Từ năm học 2019-2020, các trường tiểu học trong quận đã giảm còn 40 học sinh/lớp, trường THCS giảm còn 45 học sinh/lớp.
Năm 2020-2021, con số này tiếp tục giảm, về đúng theo quy định của điều lệ là không quá 35 học sinh/lớp (với tiểu học), không quá 45 học sinh/lớp (với THCS). Với những lớp sĩ số đông (50-55 học sinh) sẽ tiến hành tách lớp, để làm sao sĩ số giảm xuống còn khoảng 40 học sinh.
Hiện 100% các trường học trên địa bàn quận (7 trường THCS, 13 trường tiểu học) đều bảo đảm nghiêm túc theo điều lệ trường học về số lớp và số học sinh trên lớp.
Việc giảm được sĩ số học sinh trên lớp kéo theo nhiều thuận lợi khác, giúp tăng chất lượng giáo dục; đặc biệt khi triển khai Chương trình GDPT 2018 và phải dạy học trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh hiện nay” - bà Vương Hương Giang chia sẻ.
Trong rất nhiều yếu tố giúp chuẩn hóa về sĩ số học sinh của Hoàn Kiếm có câu chuyện thực hiện tốt tuyển sinh đầu cấp. Ngành Giáo dục đã giải quyết được những khó khăn rất đặc thù bằng tư duy nhanh nhạy và cái tâm của nhà quản lý giáo dục.
Chia sẻ của bà Vương Hương Giang, Hoàn Kiếm có 2 phường ngoài đê là Chương Dương và Phúc Tân với đặc thù nhiều gia đình làm công việc buôn bán tại chợ. Nay cha mẹ buôn bán ở chợ này, nhưng một thời gian không thuận lợi lại chuyển sang chợ khác; trẻ theo cha mẹ nên đồng nghĩa với việc phải chuyển trường.
Trước thực trạng đó, các trường trên địa bàn đã làm rất tốt việc phối hợp với chính quyền địa phương, điều tra số trẻ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, không để một học sinh nào phải bỏ học, không được đến trường. Việc giúp đỡ trẻ khó khăn, thầy cô nhận đỡ đầu học sinh cũng trở thành truyền thống, là một điểm nhấn, nét đẹp của ngành Giáo dục Hoàn Kiếm.
“Tuyển sinh năm học 2021-2022, trong điều kiện Hà Nội đang thực hiện giãn cách, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tiểu học yêu cầu giáo viên chủ nhiệm rà soát, tổng hợp tất cả học sinh trong lớp chia theo từng phường, thậm chí cả ngoại tuyến cũng phải chia theo khu vực.
Nhà trường tổng hợp từ các lớp để ra được “bản đồ” học sinh trên 18 phường của Hoàn Kiếm và ngoài quận. Sau đó, hiệu trưởng trường tiểu học bàn giao hồ sơ học bạ cho hiệu trưởng trường THCS những học sinh trong tuyến, với sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Việc này được triển khai từ sớm, nên khi tuyển sinh trực tuyến, các nhà trường triển khai rất nhanh và hiệu quả” - bà Vương Hương Giang chia sẻ kinh nghiệm.
Giải được bài toán sĩ số đông, bài học từ Hoàn Kiếm còn là công tác tham mưu vô cùng hiệu quả của ngành Giáo dục với lãnh đạo địa phương để dành quỹ đất cho giáo dục.
Ai cũng biết, một trong những khó khăn lớn nhất với giáo dục các quận “lõi” của Hà Nội chính là quỹ đất. Thế nhưng, giai đoạn 2021-2025, rất nhiều trường của Hoàn Kiếm sẽ được mở rộng, như: Trường tiểu học Điện Biên, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Trường tiểu học Chương Dương, Trường THCS Chương Dương. Trường tiểu học Võ Thị Sáu sẽ có cơ sở mới khang trang trong thời gian này. Quận cũng đã xóa 17 điểm lẻ không còn phù hợp với quy định hiện hành.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, Hoàn Kiếm sẽ xây mới một trường mầm non (tại B7-C8 Chương Dương) và một trường THCS chất lượng cao (tại số 9 Hai Bà Trưng).
“Khó khăn của Hoàn Kiếm khi xây trường không phải là kinh phí xây dựng mà là kinh phí đầu tư giải phóng mặt bằng. Chúng tôi không thể làm được điều này nếu không có sự quan tâm đầu tư cho giáo dục của lãnh đạo Quận.
Mọi năm, ngân sách đầu tư cho giáo dục của Hoàn Kiếm khoảng 50%; năm nay, dù vô vàn khó khăn vì dịch bệnh, Quận vẫn ưu tiên gần 50% cho giáo dục. Lãnh đạo Quận sẵn sàng lắng nghe các phòng, ban chuyên môn tham mưu, dành quỹ đất hợp lý cho giáo dục. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng giúp Hoàn Kiếm nâng cao chất lượng giáo dục” - Trường phòng GD&ĐT Vương Hương Giang cho hay.
12 năm là lá cờ đầu
Năm học 2020-2021 là năm thứ 12 liên tiếp Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu lá cờ dẫn đầu phong trào thi đua của ngành GD-ĐT Hà Nội.
Đứng ở vị trí dẫn đầu trong 12 năm liền là niềm tự hào, nhưng cũng là thách thức, áp lực, đối với cán bộ quản lý, giáo viên trên toàn Quận, vì luôn phải nỗ lực, phấn đấu, làm mới mình, để ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua. Rất nhiều mảng công việc phải quan tâm, đầu tư đồng bộ để hướng đến nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục. Trong đó, hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng đội ngũ là một trong những nội dung cốt lõi, được làm định kỳ, thường xuyên.
Nếu những quận trẻ của Hà Nội, việc được xây nhiều trường mới đồng nghĩa sẽ tuyển được đội ngũ giáo viên tốt, là sinh viên giỏi từ các trường sư phạm, thì Hoàn Kiếm không có được lợi thế này. Số lượng trường không nhiều, ổn định, nên biên chế tuyển mới giáo viên trên địa bàn Quận là vô cùng ít.
Không có được “luồng gió mới” từ đội ngũ mới tuyển, bà Vương Hương Giang cho biết, cách làm của ngành Giáo dục Hoàn Kiếm là tự làm mới mình, trên nền giáo viên hiện có để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, đáp ứng yêu cầu mới.
Trên thực tế, việc này đã được Hoàn Kiếm triển khai rất tốt, thể hiện rõ nhất ở trình độ đội ngũ. Số lượng giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao so với mặt bằng chung. Không có lợi thế số lượng, nhưng giáo viên của Quận tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố luôn có tỷ lệ đạt giải lớn và thành tích cao. Tương tự, học sinh Hoàn Kiếm hằng năm luôn ghi danh trong các kỳ thi học sinh giỏi thành phố, cũng như các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ là thế mạnh của giáo dục Hoàn Kiếm. Bên cạnh triển khai theo các chương trình của Bộ/Sở GD&ĐT, Quận còn có nhiều nội dung, hoạt động bồi dưỡng riêng để nâng cao chất lượng đội ngũ với cách làm mới, cả ở trong và ngoài nước.
“Với sự quan tâm của lãnh đạo Quận, ngành Giáo dục Hoàn Kiếm được phân bổ gói kinh phí để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và đã, đang triển khai rất hiệu quả. Chúng tôi cũng đã được lãnh đạo Quận đồng ý cho toàn bộ giáo viên dạy Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Vật lý, Sinh học đi đào tạo bằng kinh phí của Quận, để có thể đảm nhiệm được môn tích hợp (Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên) theo Chương trình GDPT 2018” - bà Vương Hương Giang cho biết thêm.
Sự chỉ đạo sát sao, chủ động của Phòng GD&ĐT và lợi thế từ đội ngũ là yếu tố quan trọng giúp các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nhanh chóng thích ứng, không bị động trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Các kịch bản tổ chức dạy học trong điều kiện dịch bệnh, với sự tập trung trí tuệ của Ban giám hiệu các trường và Phòng GD&ĐT, được lên từ sớm.
Hàng loạt chuyên đề, hội thảo giúp cán bộ quản lý, giáo viên tổ chức, triển khai hiệu quản dạy học trực tuyến được tổ chức. Rất nhiều học liệu, bài giảng điện tử được giáo viên xây dựng mới, làm dầy thêm kho học liệu của toàn ngành. Sự chủ động cũng giúp các cơ sở giáo dục Hoàn Kiếm nhanh chóng triển khai kiểm tra trực tuyến, từ đó hoàn thành chương trình năm học 2020-2021 sớm hơn nhiều quận huyện trên địa bàn, giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục.
“Rất mừng là 100% học sinh của Hoàn Kiếm đã có đủ phương tiện để dạy học trực tuyến; tuy nhiên, 22% trong số này đang sử dụng điện thoại. Với học sinh gia đình có điều kiện, thầy cô sẽ động viên gia đình mua máy tính cho các em học thay cho điện thoại; số còn lại, các em hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ máy tính. Chúng tôi đã rà soát và sẽ cung cấp máy tính cho các em trong đầu tháng 10 tới” - bà Vương Hương Giang chia sẻ.
Thành tích ngành giáo dục Hoàn Kiếm là công sức, nỗ lực của cả một tập thể lớn, với sự chung sức, đồng lòng của tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, từ Phòng GD&ĐT đến các trường; sự nỗ lực của mỗi học sinh; sự đồng hành của từng gia đình; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Sở GD&ĐT Hà Nội, của Quận ủy, HĐND, UBND Quận.
Bà Vương Hương Giang