Zing trích dịch bài đăng “When I was 14, I found out I was a princess” (tạm dịch: Năm 14 tuổi, tôi phát hiện mình là công chúa) đăng trên Vice, kể về câu chuyện của Carla Brizuela-Perez (người gốc Philippines) bỗng một ngày phát hiện cha đẻ là Quốc vương bang Pahang, Malaysia. Cô chỉ được gặp bố 3 lần ở London (Anh) từ năm 1996 tới 2003.
Lần đầu theo dõi bộ phim The Princess Diaries (Nhật ký công chúa), Carla đã có sự đồng cảm sâu sắc với nhân vật chính. Bởi đó cũng chính là câu chuyện xảy ra trong cuộc đời cô: Năm 14 tuổi, Carla phát hiện cha đẻ là 1 vị vua ở Malaysia.
Mặc dù chỉ lớn lên bên mẹ, Carla không bao giờ mè nheo hỏi về bố. Cho đến một ngày, khi cô khoảng 5 tuổi, giáo viên mẫu giáo yêu cầu các học trò dẫn bố mẹ tới lớp.
“Bố con không thể đến. Ông ấy rất bận rộn vì là một vị vua”, mẹ nói một cách thờ ơ khi Carla cuối cùng cũng hỏi về bố.
Carla tin mẹ, không hỏi thêm gì, cũng chưa đủ lớn để bận tâm về điều đó.
Hai mẹ con Carla di cư từ Philippines đến Mỹ khi cô 6 tuổi. Họ chuyển qua nhiều phòng thuê khác nhau ở bang California, nhưng chưa bao giờ có căn hộ riêng. Càng lớn, Carla dần hiểu rằng gia đình mình không dư dả tiền bạc.
Ở trường cấp 2, thứ cô thèm muốn nhất là một chiếc quần jean nhãn hiệu Levi’s.
“Tôi từng nghĩ chiếc quần đó rất ngầu và đậm chất Mỹ. Nhưng tôi biết hoàn cảnh gia đình không cho phép. Vì vậy, trong khi bạn bè đi mua sắm quần áo cho năm học mới, tôi cùng mẹ vài lần lùng sục các món trang phục trong các buổi trao đổi đồ cũ. Lớn lên, tôi không sở hữu những đôi giày thể thao hot nhất, nhưng ít nhất cũng có giày để mang”, Carla nhớ lại.
Là một y tá, mẹ Carla làm việc nhiều giờ, cố gắng tự mình nuôi con gái mà không cần dựa vào hình thức trợ cấp nào.
Có lần, Carla nghĩ về bố và thầm nghĩ: Đây không phải cuộc sống của một công chúa.
Nhưng Carla không muốn khơi lại câu chuyện cũ của mẹ. Bởi từ những gì cô tìm hiểu được, chuyện 1 vị vua ở Malaysia và 1 y tá trẻ kết thúc bằng đứa con gái ngoài giá thú không hẳn là chuyện tình cổ tích.
Sau đó, vào một đêm năm 1996, khi Carla khoảng 14 tuổi, hai mẹ con cô nhận được một cuộc gọi. Người ở đầu dây bên kia là Dato’ Michael (sau này Carla mới biết rằng Dato’ là một tước vị thường được sử dụng ở Brunei và Malaysia). Ông là luật sư đại diện cho cha đẻ Carla - Quốc vương (Sultan) của bang Pahang, Malaysia.
“Cha cháu muốn gặp cháu”, Dato’ Michael nói.
Vào lúc đó, Carla không thể tin rằng bố cô thật sự tồn tại, và giống như câu chuyện hoang đường, còn là 1 vị vua.
Vài tuần sau cuộc gọi đó, Carla gặp bố lần đầu tiên ở London (Anh). Họ cùng dùng bữa trưa tại một nhà hàng của khách sạn.
Cuộc gặp không giống như Carla mong đợi. Cô ngồi chung bàn với bố, mẹ và Dato’ Michael. Đoàn tùy tùng của bố cô ngồi ở bàn gần đó.
“Bố cố gắng trò chuyện, hỏi về điều tôi quan tâm và những gì tôi muốn làm khi lớn lên. Thế nhưng tôi quá hồi hộp để có thể thổ lộ. Bầu không khí căng thẳng như ở cuộc họp kinh doanh hơn là cuộc hội ngộ giữa cha với cô con gái đã thất lạc từ lâu”, Carla kể.
Bố Carla đã 60 tuổi, lớn hơn cô tưởng tượng. Thế nhưng, Carla ấn tượng bởi những điểm tương đồng kỳ lạ giữa mình và bố.
Ngoài khuôn mặt, ông ấy vui tươi và đôi khi trêu đùa đoàn tùy tùng của mình - Carla cũng vậy. Điều đó khiến cô ngạc nhiên về cách mình đã thừa hưởng những đặc điểm nhất định từ người cha mà cô chưa từng gặp trước đó.
Trong vài năm tiếp theo, Carla gặp cha thêm 2 lần nữa. Các cuộc gặp có không khí nghiêm nghị như bàn chuyện kinh doanh vẫn còn, và đều diễn ra ở nhà hàng của khách sạn.
Hai cha con luôn chào hỏi với những nụ hôn trang trọng trên cả 2 má. Sau đó, bố sẽ hỏi Carla những câu thông thường: “Con quan tâm đến điều gì?”, “Đi học thế nào?”, “Học đại học ra sao?”, “Nên chơi thử cái này ở London”, hoặc “Đi mua sắm đi”.
“Tôi nói với bố rằng tôi muốn trở thành luật sư và ông ấy khen ngợi tôi vì điều đó. Nhưng điều thực sự làm tôi thích thú là nhận xét bất ngờ rằng tôi trông giống con gái lớn của ông ấy. Điều đó khiến tôi hạnh phúc khi nghĩ rằng tôi có một người chị gái ở xa”, Carla nhớ lại.
Mỗi khi gần kết thúc cuộc gặp gỡ, Carla luôn chào hỏi lấy lệ: “Khi nào bố con mình có thể gặp lại nhau?”. Thế nhưng, bố cô luôn thận trọng, không đưa ra bất kỳ lời hứa hay đề cập đến lần gặp cuối cùng. Điều này có nghĩa Carla không bao giờ biết khi nào sẽ là cuộc hội ngộ cuối cùng.
Carla giữ liên lạc với bố, nhưng không tiếp cận trực tiếp ông, mà thông qua Dato’ Michael - mối liên lạc duy nhất. Cô đã gửi email cho Dato’ Michael để hỏi khi nào bố sẽ tới London - nơi ông sở hữu một nơi cư trú trong thành phố và thường xuyên tới đó bí mật.
Mỗi lần Carla về thăm gia đình nhà ngoại ở Philippines và nói với Dato’ Michael về kế hoạch tới Malaysia, ông luôn phản hồi rằng bố cô đang ở London. Hóa ra, cuộc gặp thứ 3 của Carla và bố vào năm 2003 là lần cuối cùng.
Năm ngoái, Carla biết về sự ra đi của bố khi ai đó gửi cho cô một tin nhắn qua mạng xã hội: “Xin chia buồn, Carla”. Cô tra cứu trên mạng và các bài báo đã xác nhận sự thật.
“Tôi thực sự không biết mình cảm thấy thế nào. Tất nhiên, tôi có buồn. Dù ông ấy không phải người cha lý tưởng, tôi biết rằng tôi sẽ không ở đây nếu không nhờ ông ấy”, Carla nói.
Carla không còn cơ hội liên lạc với bố, và ông ấy cũng không thể gặp những đứa cháu của mình. Ông cũng không thể biết rằng Carla không chọn nghề luật sư, mà theo đuổi ngành công tác xã hội.
Năm 2009, Carla đặt chân tới Kuantan - thủ phủ bang Pahang, nơi bố cô là Quốc vương. Cô đã viết cho bố một lá thư và tới Istana (cung điện) để gửi.
“Tất nhiên tôi biết, là một đứa con ngoài giá thú của Quốc vương, tôi sẽ không bao giờ có thể vào được bên trong. Tôi chuyển lá thư cho người lính gác - người đã nhận với một chút tò mò. Có lẽ anh ta nghĩ rằng đó chỉ là thư của người hâm mộ dành cho người cai trị”, Carla nói.
“Ngày đó tại Istana, tôi biết rằng mình đã tới gần nhất có thể với người đàn ông mà tôi gọi là bố”.