Người lao động tận dụng ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.
ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Công cụ hỗ trợ “đắc lực”

ChatGPT ra mắt công chúng vào cuối năm 2022, đây là một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) đã gây nên “cơn sốt” toàn cầu và vẫn đang là chủ đề nghiên cứu, thảo luận tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Hệ thống chương trình này có thể giúp người dùng trả lời các câu hỏi ở nhiều khía cạnh và lĩnh vực khác nhau, hỗ trợ viết code, viết email, học tập và làm việc... ChatGPT còn hỗ trợ tương tác và thậm chí là có thể thay thế con người làm việc trong một số yêu cầu nhất định. Kể từ khi tung ra thị trường, công cụ này đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên những lợi ích và độ thông minh mà nó đem lại.

Chia sẻ về những trải nghiệm khi sử dụng công cụ toàn cầu này, chị Nguyễn Như Quỳnh (25 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, sử dụng ChatGPT hàng ngày như cánh tay đắc lực. Công việc hiện tại của chị Quỳnh là viết nội dung quảng cáo, bao gồm rất nhiều các đầu việc như: Viết bài quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, viết kịch bản chương trình, ấn phẩm, tài liệu cẩm nang, xử lý mail… Vì vậy, chị Quỳnh thường xuyên sử dụng các công cụ hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ công việc.

“Khi viết bài, để tiết kiệm thời gian, tôi thường dùng công cụ ChatGPT lên dàn ý cho bài viết, từ đó phát triển thành bài hoàn chỉnh. Hay đơn giản như việc làm email phục vụ các chiến dịch truyền thông. Công việc này không khó, nhưng rất mất thời gian, hàng tuần tôi phải gửi email với số lượng khổng lồ và nội dung đa dạng, thường khoảng 2 - 3 ngày mới xử lý xong được.

Vì vậy tôi phải nhờ cậy đến trí tuệ nhân tạo giúp tạo email. Tôi chỉ cần ghi chú những thông tin, nội dung trọng tâm, lập tức AI sẽ trả về cho tôi một email hoàn chỉnh. Với tần suất công việc dày đặc của một nhân viên truyền thông, ChatGPT đã trở thành công cụ không thể thiếu hỗ trợ quá trình làm việc của tôi”, chị Quỳnh thông tin.

Vừa tốt nghiệp đại học, chị Đỗ Thị Linh Chi (21 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng thường sử dụng công cụ trò chuyện thông minh để hỗ trợ bản thân trong quá trình tìm kiếm công việc phù hợp. Linh Chi chia sẻ, bên cạnh các kỹ năng tìm kiếm và tổng hợp thông tin, nhiều người chưa biết ChatGPT còn có tính năng nhập vai. Người dùng có thể yêu cầu ứng dụng đóng vai một nhân vật cụ thể, trong một kịch bản nhất định rồi trò chuyện tương tác với nó.

Tận dụng tính năng này, Linh Chi thường yêu cầu ChatGPT đóng vai ứng viên và nhà tuyển dụng. Công cụ sẽ tạo ra kịch bản phỏng vấn xin việc giả định với các câu hỏi tiềm năng, các giải pháp hữu ích và nhiều chiến thuật phỏng vấn khác…

“Tôi có thể chủ động sử dụng công nghệ này ở bất cứ đâu, không giới hạn không gian và thời gian, chỉ cần có kết nối mạng. Trải qua nhiều lần mô phỏng lại các buổi phỏng vấn với trí tuệ nhân tạo, tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều và cũng nắm được một vài mẹo nhỏ áp dụng trong phỏng vấn đời thật”, Linh Chi hào hứng kể về những trải nghiệm của bản thân.

Tận dụng nhưng không lạm dụng

Có thể thấy, trí tuệ nhân tạo không chỉ là xu hướng nhất thời mà đang ảnh hưởng sâu đến các khía cạnh công việc nói riêng và xã hội nói chung. Ứng dụng này góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc nhằm đáp ứng sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên cũng chính vì “tiện lợi” này mà hiện nay nhiều người đang dần trở nên lạm dụng, phụ thuộc vào công nghệ AI.

Chị Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, tuy ChatGPT là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình làm việc nhưng bản thân chị cũng đã từng nhận “trái đắng” khi lạm dụng nó. Từng tin tưởng “giao việc” cho AI làm báo cáo và chủ quan không kiểm tra lại trước khi nộp, chị Quỳnh đã bị cấp trên khiển trách khi kết quả nhận được từ công cụ trí tuệ nhân tạo là một bản báo cáo thiếu chỉn chu với ngôn từ lủng củng thiếu liền mạch và mắc lỗi chính tả.

“Sau nhiều trải nghiệm, tôi đúc rút ra rằng chỉ nên sử dụng công nghệ để tiết kiệm thời gian lên ý tưởng hoặc giúp làm những bước đơn giản chứ không thể thay thế con người hoàn toàn được. Ngoài ra, bởi hoạt động theo thuật toán, tổng hợp dữ liệu trên nhiều nguồn nên nếu chỉ sử dụng ChatGPT thì sản phẩm truyền thông khi tung ra chỉ ở mức cơ bản, không thể đạt yêu cầu cao, mang tính sáng tạo và có dấu ấn cá nhân như mình tự mày mò và tận tâm làm ra”, chị Quỳnh cho biết.

Là một lập trình viên nghiên cứu về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, song anh Phạm Anh Phương (29 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, không thường xuyên sử dụng công cụ ChatGPT trong công việc hàng ngày. Trước những thông tin AI có thể thay thế con người làm những công việc mang tính phức tạp như lập trình để tạo ra các chuỗi mã hoá, anh Phương xác nhận AI có thể làm được, song chỉ áp dụng với các chuỗi đơn giản. Còn đối với các chuỗi mã hoá phức tạp, sai số là rất lớn.

“Tôi không bài xích và phủ nhận những lợi ích của AI, bởi nó truy xuất thông tin cực nhanh giúp tiết kiệm thời gian, khiến công việc của con người trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng, đây là sản phẩm do con người tạo ra dựa trên kho dữ liệu tổng hợp, vì vậy ChatGPT sẽ có những sai số nhất định và tạo ra những sản phẩm lỗi. Đây là điều cấm kị trong ngành nghề của tôi.

Ngoài ra, ranh giới giữa ‘tận dụng’ và ‘lạm dụng’ rất mong manh. Nếu ỷ lại vào trí tuệ nhân tạo thì người dùng sẽ mất đi sự linh hoạt, chủ động và giảm khả năng sáng tạo”, anh Phương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.