Đến với bài thơ hay: Tĩnh lặng diệu kỳ

GD&TĐ - Bài thơ mở đầu bằng một lời kể và kết thúc là lời bình luận đầy hàm súc, lắng đọng.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Cấu trúc thơ cũng ở tư thế dồn nén rồi bung vỡ làm thành cao trào thi tứ với hai khổ thơ bất cân xứng nhau.

Phác Văn

Trong hầm Điện Biên

Một vỏ đạn cắm mấy cành hoa,

Một bức tranh tre làng rợp bóng,

Một bi đông đựng đầy nước nóng,

Một ván cờ bỏ dở nằm im,

Một cái ca xòe cánh đôi chim,

Một phong thư chữ em nắn nót,

Một tia nắng ghé vào trong suốt.

Vạn trái bom không phá nổi

bình yên!

(5/1954)

Khổ thơ thứ nhất, tác giả dành đến bảy câu thơ bằng phép điệp cấu trúc với từ “một” mở đầu đã tạo hiệu quả nghệ thuật rõ nét.

Khổ kết chỉ với câu thơ duy nhất nhưng đầy sức nặng về hàm lượng cảm xúc và tư tưởng.

Bút pháp nghệ thuật đặc sắc để chuyển tải một thông điệp cô đọng có lẽ là ý đồ sáng tạo của “Trong hầm Điện Biên” mà tác giả Phác Văn muốn ký thác chăng? Lần theo mạch cảm xúc của bài thơ, chúng ta hãy khám phá điều đó.

Về nhan đề của thi phẩm, có lẽ “Trong hầm Điện Biên” đã đạt đến sự giản dị cùng tận. Đó là tất cả những gì chứa đựng nơi căn hầm mà người lính đã từng gắn bó trong hoàn cảnh hết sức khốc liệt của chiến tranh. Nói là chiến tranh, vì có địa danh Điện Biên dẫn dắt người đọc, nhưng kì thực đọc khổ thơ đầu dường như ta quên mất cái không khí chiến trường ác liệt mà thấu cảm một không gian thanh bình, lắng dịu, dù điều đó thoát thai từ bão đạn mưa bom.

Hãy đọc câu thơ đầu của bài thơ để cùng thưởng thức:

“Một vỏ đạn cắm mấy cành hoa”

Câu thơ tự thân không động chạm gì đến chiến tranh mất mát, chỉ có vẻ đẹp thơ mộng của mấy cành hoa đang khoe tỏa sắc hương. Cái “vỏ đạn” kia giết chết ai không biết, chỉ biết giờ đã thành một bình hoa để giữ gìn và nâng niu cái đẹp.

Câu thơ tự nhiên nhưng thật gợi, đồng thời mang một triết lí về cuộc đời, về mối tương quan giữa sự sống và cái chết, về sự bình yên và hủy diệt.

Tiếp tục triển khai mạch cảm xúc trên, nhà thơ Phác Văn đưa người đọc cảm nhận được sự bình yên trong căn hầm Điện Biên một thời ác liệt qua rất nhiều hình tượng thơ khác nữa.

Các ý thơ được chọn lọc, sắp xếp đầy dụng ý thông qua thủ pháp liệt kê và cấu trúc trùng điệp nối tiếp nhau nhằm nhấn mạnh về sự bình yên của cuộc sống ngay giữa lòng Điện Biên khốc liệt. Bức tranh làng quê hiện lên xao xuyến bồi hồi mà có lẽ người lính mang theo khi ra trận:

“Một bức tranh tre làng rợp bóng”.

Ôi lũy tre làng rợp bóng sao mà thân thương và dịu lành đến thế! Bóng tre làng đâu chỉ đơn thuần là cây cỏ xung quanh ta, đó còn là hồn cốt, gốc gác tổ tiên của triệu triệu người dân nước Việt.

Lan tỏa và cảm động, nhà thơ cứ chạm khắc rất nhiều hình ảnh thân thuộc, gần gũi để làm nên tứ thơ về sự bình yên sau bom đạn kẻ thù. Quả thật, sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc khởi nguồn từ đau thương, gian khổ. Tất cả dường như vẫn còn đây, ấm nóng và thơm thảo ân tình như người lính Điện Biên vừa mới rời căn hầm đi đâu đó:

Một bi đông đựng đầy nước nóng,

Một ván cờ bỏ dở nằm im,

Một cái ca xòe cánh đôi chim,

Nhà thơ phát hiện trên mặt bàn lúc này tất cả hiện lên sao mà cảm động, thiết thân đến thế. Một bi đông đựng nước còn hơi nóng của người lính. Lắng đọng và tinh tế hơn, hình ảnh ván cờ đánh dở cứ như một ám ảnh. Thế họ đâu cả rồi? Đây mới chính là điều người đọc cần liên tưởng, suy ngẫm.

Có lẽ chúng ta nên đặt bài thơ vào hoàn cảnh và thời điểm sáng tác là tháng 5 năm 1954, nghĩa là sau trận đánh Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” mới hiểu hết chiều sâu và độ hàm súc của tác phẩm. Chưa dừng lại, nhà thơ Phác Văn nâng cao mạch cảm xúc của mình khi đứng nơi căn hầm trước hình ảnh bức thư và tia nắng mặt trời rọi vào trong suốt.

Nếu như một bông hoa, một bi đông nước nóng, một ván cờ bỏ dở, một cái ca có in hình đôi chim xòe cánh chưa đủ chứng cứ làm nên sự bình yên đúng nghĩa thì bức thư tình của người con gái hậu phương được đặt vào khiến chúng ta giật thốt người vì bồi hồi xúc động.

Dường như mới cách đây mấy phút thôi, người lính hãy còn xem thư người yêu trước khi tham gia trận chiến. Cảm động hơn, tác giả miêu tả cái nét chữ “nắn nót” của người em gái hậu phương càng khiến lòng ta thêm rưng rưng. Bây giờ thì tất cả vẫn còn nguyên đó như không có điều chi xảy ra, vì mọi thứ nhìn vào vẫn bình yên quá đỗi.

Cuộc sống bình yên với một tia nắng trong suốt ghé rọi vào căn hầm Điện Biên: “Một tia nắng ghé vào trong suốt”. Tất cả làm nên vẻ đẹp lung linh, xán lạn, rực rỡ như một sự thanh bình tuyệt đối, sự thanh bình sau sự ác liệt và dữ dội của cuộc chiến tranh phi nghĩa mà kẻ thù trút xuống dân tộc ta.

Nhưng nếu bài thơ chỉ dừng lại ở đây thì nội dung tư tưởng lại chưa bật thốt điều nhà thơ muốn giãi bày cùng người đọc. Chỉ một câu thơ cuối bài, tác giả cố tình làm nên một khổ thơ riêng biệt đã là “kíp nổ” cho “quả bom” mà trữ lượng cảm xúc trữ tình và nội dung tư tưởng thật đầy đặn, viên mãn.

Quả thật, đạn bom không thể vùi dập được cái đẹp và sự bình yên của cuộc sống này. Dù tất cả dường như đang dang dở nhưng đã đánh động mọi người tiếp tục chăm chút cho bông hoa thêm tươi, ván cờ khởi động trở lại và bao nhiêu điều tốt lành khác nảy nở giữa cuộc sống này.

Sự sống là bất diệt, sự bình yên là trường cửu, không có bom đạn nào của cái ác, cái xấu xa xóa nhòa, tước đoạt được. Đó chính là tâm niệm mà tác giả Phác Văn muốn ký thác chăng? Có lẽ câu thơ “Vạn trái bom không phá nổi bình yên” đã trả lời cho chúng ta điều đó.

Bài thơ khép lại nhưng đã mở ra một chiều kích khác mới mẻ và đầy triết lí. Để có được sự bình yên ngay giữa lòng của cuộc chiến tranh vừa mới đi qua, con người phải đánh đổi biết bao hi sinh, mất mát.

Hình ảnh người lính Điện Biên vắng mặt nơi căn hầm đã từng ghi dấu bao nhiêu bình yên, hạnh phúc đã đánh động trong mỗi chúng ta một cảm xúc thiêng liêng, kính cẩn trước lẽ sống và niềm tin mà họ phải vượt qua để khẳng định chân lí trong đời: Bom đạn không giết được khát vọng của con người, càng không thể và không bao giờ phá nổi sự bình yên của cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ