20 phụ nữ Ấn Độ chết oan dưới bẫy cầu hôn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mohan Kumar, 62 tuổi, tán tỉnh những cô gái có xuất thân nghèo khó rồi đề nghị kết hôn để chiếm lòng tin, với mục đích giết người và chiếm đoạt vàng.

Mohan Kumar bị bắt vào tháng 10/2009 tại bang Karnataka.
Mohan Kumar bị bắt vào tháng 10/2009 tại bang Karnataka.

Vụ án mở màn

Sáng 17/6/2009, cô gái Anitha Mulya, 22 tuổi, sống bằng nghề cuộn thuốc lá tại làng Barimar, thị trấn Bantwal, bang Karnataka, mất tích. Trong 2 ngày, gia đình và hàng xóm lùng sục khắp làng để tìm kiếm Anitha nhưng không gặp may mắn.

Thời điểm đó, thị trấn Bantwal bị đặt trong tình thế căng thẳng do bất đồng của các nhóm tôn giáo. Lo ngại Anitha đã bị cuốn vào vòng xoáy này, người dân đã gây sức ép yêu cầu cảnh sát địa phương điều tra.

Cùng lúc đó, ở thành phố Hassan, cách Bantwal 160 km, người ta phát hiện thi thể của một cô gái trẻ trong nhà vệ sinh nữ ở một trạm xe bus. Nạn nhân là Anitha. Giữa đám đông kéo lại xem, một người đàn ông thấp bé với bộ ria mép dày, tuổi ngoài 40, lặng lẽ rời đi. Hắn ta đi vào một nhà trọ gần đó, nơi hắn đã qua đêm cùng Anitha.

Tại đây, người đàn ông gom những món trang sức bằng vàng của Anitha vào một chiếc túi rồi trở lại trạm xe bus, lên xe rời Hassan.

Người đàn ông này là Mohan Kumar, cựu giáo viên tiểu học. Ngày 21/10/2009, Kumar bị cảnh sát bắt giữ tại một ngôi làng nằm ở ngoại ô thành phố Mangaluru. Trong quá trình thẩm vấn, hắn ta thừa nhận đã giết Anitha và ít nhất 19 người phụ nữ khác từ năm 2004 - 2009. Hắn đầu độc các nạn nhân bằng chất độc xyanua.

Dù Kumar đã liên tục gây án trong nhiều năm nhưng phải đến sự việc của Anitha, cảnh sát mới tiếp cận kẻ sát nhân. Sau khi Anitha mất tích, đội điều tra đã kiểm tra hồ sơ cuộc gọi trong điện thoại di động của cô và điện thoại cố định ở nhà. Cảnh sát chú ý đến số điện thoại di động của một người lạ tên Sridhar, ở thị trấn Madikeri.

Nhưng số điện thoại của Sridhar được sử dụng bởi chị gái tên Kaveri, người đã mất tích vào ngày 17/3/2009. Khi truy dấu các cuộc gọi của Kaveri, cảnh sát tìm ra nhà của hai người phụ nữ mất tích khác. Họ cho rằng nghi phạm đang dùng thẻ SIM của nạn nhân mất tích để liên lạc qua thẻ SIM của các nạn nhân tiếp theo.

Đội điều tra Bantwal đã liên hệ với đội điều tra các địa phương có người mất tích hoặc các đồn cảnh sát lân cận và lập nên dòng thời gian dựa trên ngày họ biến mất. Cảnh sát cũng truy lùng tín hiệu của thẻ SIM và tình cờ phát hiện nó hoạt động trong gần 20 phút với vị trí được truy vết là làng Deralakatte, ngoại ô thành phố Mangaluru.

Chủ nhân chiếc điện thoại thừa nhận thẻ SIM này thuộc về mình nhưng đã đưa cho cháu trai tên là Mohan Kumar, cựu giáo viên tiểu học. Kumar lập tức bị coi là nghi phạm. Ảnh chân dung của anh ta được in ra để phục vụ điều tra.

Nhờ bức ảnh này, một nữ thợ may ở Deralakatte báo cáo đã nhìn thấy Kumar và Anitha ở bến xe bus đi thành phố Hassan và có thể nhận dạng được anh ta. Người phụ nữ này cũng nói với cảnh sát rằng Kumar có thể chính là người tiếp cận cô vào năm 2005 và ngỏ ý muốn kết hôn.

Cảnh sát dùng số điện thoại của người phụ nữ gọi cho Mohan và dụ dỗ anh ta đến gặp tại bến xe bus địa phương. Trước cái bẫy của cảnh sát, Kumar bị bắt vào ngày 21/10/2009.

Lợi dụng tình cảm

Mohan Kumar sinh năm 1963 trong gia đình nghèo khó, bố mẹ làm nông dân. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại một trường cao đẳng địa phương, Kumar trở thành giáo viên tiểu học hợp đồng từ tháng 11/1984. Anh ta đã chuyển công tác qua nhiều trường học trong địa phương rồi cuối cùng bị đình chỉ do lên lớp không thường xuyên và có hành vi sai trái.

Theo hồ sơ điều tra của cảnh sát, Kumar hiếm khi sử dụng tên thật khi tiếp cận phụ nữ. Hắn ta thường lảng vảng quanh các bến xe bus hoặc khu vực công cộng, tìm kiếm những người phụ nữ có khả năng làm bạn.

Ông Sanjeev Purusha, sĩ quan thuộc đội điều tra bắt giữ Kumar kể: “Hắn nhắm vào những người phụ nữ chưa lập gia đình, thuộc các gia đình nghèo khó, nhất là những người đã quá tuổi kết hôn. Hắn chủ động bắt chuyện với họ và tự xưng là quan chức chính phủ. Nếu đối phương đáp lại, hắn sẽ xin số điện thoại và dần dần xây dựng mối quan hệ”.

Một trong những điều Kumar luôn ghi nhớ khi tiếp cận nạn nhân là hỏi về đẳng cấp của họ và sau đó tự nhận mình thuộc cùng đẳng cấp. Nếu các cô gái “bật đèn xanh” trước những lời tán tỉnh lãng mạn, Kumar sẽ dụ dỗ họ bỏ trốn để kết hôn tại một ngôi đền hoặc văn phòng đăng ký.

Kumar yêu cầu các nạn nhân mang theo những đồ trang sức bằng vàng, quần áo đắt tiền nhất để chuẩn bị cho đám cưới. Hắn ta nhấn mạnh rằng không cần của hồi môn dưới bất kỳ hình thức nào và cấm các nạn nhân thông báo cho người thân về kế hoạch kết hôn. Kumar cũng chưa bao giờ tiếp xúc với gia đình các cô gái mà hắn hẹn hò.

Cảnh sát xác nhận rằng trong các vụ án, Kumar chỉ sử dụng một phương thức giết người. Sau khi ấn định ngày kết hôn, Kumar và nạn nhân sẽ lên xe bus từ quê nhà di chuyển đến các thành phố xa xôi như Mysuru, Bengaluru, Hassan và Madikeri... Họ thường đăng ký vào một nhà nghỉ, nằm gần bến xe bus lớn. Kumar sẽ thuê phòng dưới tên và địa chỉ giả.

Trước khi đến nơi đăng ký kết hôn vào ngày hôm sau, Kumar bảo nạn nhân để lại trang sức vàng trong phòng nghỉ. Trên đường đến đền hoặc chùa, Kumar thường ghé vào nhà vệ sinh công cộng ở bến xe bus và đưa cho các nạn nhân một viên thuốc tẩm xyanua được đóng gói như thuốc tránh thai.

Lý do anh ta đưa ra là cô gái sẽ cảm thấy buồn tiểu ngay sau khi uống thuốc. Khi họ gục xuống trong nhà vệ sinh, Kumar chạy về nhà nghỉ, nhặt nhạnh đồ trang sức rồi rời khỏi thành phố ngay lập tức.

Trong một vài trường hợp, vài ngày sau vụ án mạng, Kumar gọi điện cho gia đình nạn nhân và bảo rằng họ đã kết hôn. Hai người đang sống một cuộc sống thoải mái nên người nhà không cần phải lo lắng hay đi tìm con gái.

Chân dung các nạn nhân của Kumar.

Chân dung các nạn nhân của Kumar.

Sai lầm của cảnh sát

Theo cơ quan điều tra, Kumar nảy ra ý tưởng sử dụng xyanua làm chất độc từ một người bạn là thợ kim hoàn mà anh quen khi còn là giáo viên. Người này sử dụng bột xyanua để đánh bóng đồ trang sức bằng vàng. Đóng giả người buôn bán trang sức, Kumar thường mua bột xyanua theo lô từ thợ kim hoàn.

Kumar hiểu rõ khó khăn của người phụ nữ Ấn Độ trong những cộng đồng yếu thế về địa vị xã hội và tài chính. Họ rất khó cưỡng lại lời cầu hôn của một người đàn ông có công việc ổn định trong chính phủ và còn không nhận của hồi môn. Với những gia đình mà Kumar gọi điện, sau khi nhận ra con gái bỏ đi nhưng an toàn thì họ không báo mất tích. Họ sẽ quên sự việc này và sống tiếp.

Các hành động của Kumar ngày một táo tợn, liều lĩnh vì sau mỗi vụ giết người, hắn ta nhận thấy các cuộc điều tra không đi đến đâu. Khi mỗi nạn nhân được tìm thấy trong nhà vệ sinh công cộng, cảnh sát địa phương thường lập hồ sơ dưới trường hợp tử vong không xác định danh tính (UDR). Họ chờ gia đình đến nhận dạng rồi khám nghiệm tử thi.

Tuy nhiên, trong tất cả trường hợp, các nạn nhân đều không thể xác định danh tính và thi thể của họ được mang đi hỏa táng. Tương tự, ảnh chụp nạn nhân được đăng trên các tờ nhật báo địa phương, không lưu hành rộng rãi ngoài phạm vi thành phố. Vì các nạn nhân luôn được tìm thấy ở xa quê hương nên gia đình họ không để ý đến những thông báo như vậy.

Một tài liệu của cảnh sát nêu chi tiết việc xử lý sai lầm của họ trong một số trường hợp: “Vì việc khám nghiệm tử thi bị chậm trễ nên nguyên nhân thực sự của cái chết có thể không được tìm ra. Trong nhiều trường hợp, vì chậm trễ, phòng thí nghiệm khoa học pháp y không phát hiện được chất độc trong nội tạng”.

Ngay cả khi nhiều nạn nhân được tìm thấy trong nhà vệ sinh công cộng ở những nơi như thành phố Mysuru trong vài ngày, cảnh sát cũng không điều tra rộng rãi các vụ án UDR. Họ chỉ coi là tự sát. Việc chất độc được tìm thấy trong thi thể cũng không gây ra sự nghi ngờ.

Kumar đầu độc các nạn nhân bằng chất độc xyanua.

Kumar đầu độc các nạn nhân bằng chất độc xyanua.

Sát nhân trong bóng tối

Do không bị phát giác, Kumar tiếp tục hành vi giết người của mình. Số nạn nhân cũng theo đó tăng lên mỗi năm. Năm 2004, lần đầu gây án, hắn sát hại một người. Rồi cứ thế, 2005 là 3 nạn nhân, 2006 là 4 nạn nhân, 2007 có 3 nạn nhân, 2008 có 2 nạn nhân và cuối cùng năm 2009 có tới 9 nạn nhân.

Kumar đem cầm đồ những món trang sức của các nạn nhân, lấy tiền đó nuôi bốn con với người vợ thứ hai và thứ ba. Đến khi hắn ta bị bắt vào năm 2009, hai người vợ mới biết về sự tồn tại của nhau cũng như những tội ác của chồng.

Trong cuộc đột kích vào nhà của người vợ thứ ba, cảnh sát thu được bằng chứng buộc tội Kumar bao gồm số lượng lớn bột xyanua, con dấu giả, chứng minh thư giả, biên lai từ các tiệm vàng nơi Mohan cầm đồ trang sức của nạn nhân.

Tội ác của Kumar được chuyển thể thành phim 'Dahaad', phát hành năm 2023.

Tội ác của Kumar được chuyển thể thành phim 'Dahaad', phát hành năm 2023.

Putta, anh trai của người vợ thứ ba, chia sẻ: “Không có lý do gì khiến chúng tôi nghi ngờ Kumar làm chuyện sai trái. Anh ta giống như bất kỳ người bình thường nào, trò chuyện bình thường trong bữa tối. Anh ta thường xuyên về nhà, ở lại vài ngày rồi rời đi, nói là phải đi công tác”.

Năm 2013, Kumar lần đầu bị đưa ra xét xử. Ban đầu, tòa kết án tử hình cho Kumar vì tội giết Anitha nhưng cuối cùng lại được giảm xuống án tù chung thân. Đến năm 2020, hắn ta bị kết tội cưỡng hiếp và sát hại một phụ nữ 25 tuổi, là vụ án giết người thứ 20 của hắn ta.

Ngày 24/6/2020, Tòa án Mangaluru kết án Kumar tù chung thân.

Sau khi tội ác của Kumar bị phơi bày trên các phương tiện truyền thông, hắn ta được gọi với biệt danh là “Cyanide Mohan” (Mohan xyanua).

Theo India Express

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.