Đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi ra trường… là “bí kíp” giúp trường nghề ở miền Trung “hút” thí sinh đăng ký nhập học.
Đổi mới đào tạo và tuyển sinh
Năm học 2023 - 2024, Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Nam (TP Đà Nẵng) bắt đầu tăng tuyển sinh lên đến 2.000 chỉ tiêu. Bởi trong những năm gần đây, lượng thí sinh đăng ký nhập học vào trường tăng.
ThS Nguyễn Văn Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Nam cho hay, nếu như năm học 2019 - 2020 chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường khoảng 800, thì năm học 2023 - 2024 con số này đã tăng gần gấp 3 lần. Là cơ sở giáo dục nghề nghiệp định hướng chuyên sâu về đào tạo khối ngành sức khỏe, hằng năm, bằng nhiều cách, nhà trường luôn đa dạng hóa các hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh như: Phát thanh, truyền hình, báo chí… Các thông tin cũng được trực tiếp đưa đến các đối tượng qua các hội nghị định hướng giáo dục nghề nghiệp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua email, tạo Facebook.
Còn tại Trường Cao đẳng Đại Việt - Đà Nẵng, chỉ tiêu tuyển sinh tăng và ổn định từng năm. Cụ thể, năm 2021 tuyển sinh đạt 60% chỉ tiêu, năm 2022 và 2023 tuyển sinh đạt 80% chỉ tiêu.
“Hiện nay, việc vào đại học đã trở nên “nhẹ nhàng” hơn so với trước đây cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tuyển sinh của nhà trường”, ThS Dương Công Hiếu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt - Đà Nẵng thông tin.
Để “hút” thí sinh đăng ký nhập học, trường đưa ra nhiều chính sách khuyến học như: Miễn 100% học phí cho 100 học sinh giỏi 3 năm lớp 10, 11, 12 nhập học đầu tiên; miễn 100% học phí cho 100 quân nhân xuất ngũ và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự nhập học đầu tiên; quỹ tín dụng Đại Việt 15 tỷ đồng hỗ trợ vay vốn học tập với lãi suất 0%...
“Nắm bắt được nhu cầu của nhà tuyển dụng, trường đã đổi mới trong phương pháp đào tạo. Cụ thể, từ học kỳ II, sinh viên được tham gia học kỳ doanh nghiệp, thực tập, kiến tập có lương, nâng cao kinh nghiệm làm việc khi đang là sinh viên năm nhất. Đặc biệt, chúng tôi thực hiện chương trình ký cam kết việc làm từ ba bên Doanh nghiệp - Nhà trường - Sinh viên để các em yên tâm về việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”, ThS Dương Công Hiếu cho biết.
Năm học mới 2023 - 2024, Trường Trung cấp Ý - Việt (TP Đà Nẵng) chỉ tuyển sinh được 482 sinh viên, nhưng so với năm 2021 và 2022, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 đã có những tín hiệu vui.
Thạc sĩ Lê Thị Khánh Chi, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ý - Việt cho hay, trường đã hoàn thiện đội ngũ tư vấn tuyển sinh với chuyên môn vững vàng, kỹ năng chuyên nghiệp để phục vụ cho công tác tuyển sinh một cách tốt nhất. Đặc biệt, đối tượng là hệ phân luồng THCS đi học trung cấp nghề chính là thế mạnh của nhà trường, chiếm đến gần 80%tổng số lượng tuyển sinh hằng năm.
Sinh viên Trường Trung cấp Ý - Việt thực hành sửa chữa ô tô. |
Liên kết “bao tiêu” đầu ra
Theo đại diện Trường Cao đẳng Đại Việt - Đà Nẵng, trường đã xây dựng quy chế đào tạo phù hợp với các quy định tại các thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH về đào tạo nghề; đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Đến nay, nhà trường đã có 5 nghề trình độ cao đẳng, 9 nghề trình độ trung cấp thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh tế - du lịch; kế toán - tài chính - dịch vụ; kỹ thuật -công nghệ. Ban giám hiệu thường xuyên thực hiện việc rà soát, cải tiến các chương trình đào tạo, cập nhật các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với thực tiễn củathị trường lao độngvà yêu cầu của doanh nghiệp.
“Chúng tôi chủ động mời các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng, cải tiến, nâng cao chất lượng giáo trình, bài giảng. Bên cạnh việc tự biên soạn giáo trình, bài giảng, một số môn học nhà trường thực hiện chọn lựa giáo trình của các đơn vị có uy tín để phục vụ hoạt động đào tạo cho một số nghề. Hình thức dạy học được tổ chức đa dạng kết hợp như: Giảng dạy tại trường và đào tạo tại doanh nghiệp; giảng dạy trực tiếp trên lớp với giảng dạy trực tuyến trên nền tảng số...
Với thiết kế chương trình đào tạo lên đến 70% thời lượng cho thực hành sẽ giúp sinh viên nắm chắc kiến thức và thực hành tay nghề tạo hành trang tốt cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”, Thạc sĩ Dương Công Hiếu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt - Đà Nẵng chia sẻ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hợp tác với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghề đang là xu thế bắt buộc của các trường nghề. Đến nay, hoạt động hợp tác liên kết đào tạo ngày càng đi vào thực chất, có chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng đầu ra của nhà trường. Cùng với đó, đi học tập tại doanh nghiệp đã trở thành nội dung bắt buộc đối với mỗi chương trình đào tạo của nhà trường. Đó cũng là một lợi thế rất lớn để cạnh tranh trong ngành.
Đào tạo lĩnh vực y dược luôn đòi hỏi yêu cầu khắt khe trong công việc, Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường với các tổ chức, các doanh nghiệp đặc biệt là hợp tác viện – trường.
“Không chỉ tham gia xây dựng chương trình, đánh giá kết quả học tập của người học, các bệnh viện liên kết còn sẵn sàng tiếp nhận những sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, các bệnh viện còn giới thiệu sinh viên đến làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc như: Bệnh viện 198 Bộ Công an… Làm được điều này thì uy tín và thương hiệu của trường ngày càng được nâng lên và góp phần tích cực trong công tác tư vấn tuyển sinh trong thời gian tới”, ThS Nguyễn Văn Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Y - Dược Việt Nam cho biết.
Thực tế cho thấy, thiết bị dạy thực hành đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bởi vậy cần phải đầu tư những máy móc thiết bị phù hợp với chương trình đào tạo, phù hợp với máy móc thiết bị của các doanh nghiệp đang hoạt động. Có như vậy sau khi sinh viên tốt nghiệp mới nhanh chóng tìm được việc làm trong thị trường lao động đầy tính cạnh tranh. Điều này sẽ củng cố thương hiệu nhà trường, tạo uy tín trong xã hội, tác động mạnh mẽ đến công tác tuyển sinh của các trường nghề.