Người Ukraine ở nước ngoài phẫn nộ vì bị gọi về nước chiến đấu

GD&TĐ - Ukraine đình chỉ dịch vụ lãnh sự dành cho người di cư là nam giới, ra sức hối thúc những người quốc tịch Ukraine về quê hương chiến đấu.

Các tân binh Ukraine trải qua khóa huấn luyện quân sự.
Các tân binh Ukraine trải qua khóa huấn luyện quân sự.

Tờ Washington Post dẫn những cuộc phỏng vấn người mang quốc tịch Ukraine ở một số nước châu Âu cho biết, Chính phủ Ukraine đã yêu cầu các công dân sống ở nước ngoài phải trở về, nhập ngũ và tham chiến.

Bộ Ngoại giao nước này đã tạm thời đình chỉ các dịch vụ lãnh sự dành cho người di cư để chuẩn bị cho cuộc huy động quân đội triệt để, sẽ có hiệu lực trong tháng này.

Các quy định mới yêu cầu những người Ukraine trong độ tuổi 18- 60, có khả năng đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự, phải gửi dữ liệu cá nhân của họ đến các trung tâm nghĩa vụ quân sự. Họ sẽ chỉ có thể lấy các giấy tờ cá nhân của mình bằng cách trở về quê hương.

Một số người Ukraine sống ở các quốc gia phương Tây đã bày tỏ cảm xúc tiêu cực về chính sách mới.

Một số bày tỏ họ cảm thấy đang bị đối xử như những kẻ phản bội và lo lắng mình sẽ "là con mồi" cho các quan chức nghĩa vụ quân sự.

Aleksandr, người đã sống ở Áo kể từ trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022 nói rằng, cảm giác của anh như "xuống địa ngục" khi biết Ukraine đình chỉ các dịch vụ lãnh sự. Anh chia sẻ rằng, có cảm giác mình là một con mồi trong mắt các quan chức tuyển quân: "Nó giống như là 'bây giờ chúng tôi sẽ bắt bạn, khiến bạn cảm thấy tồi tệ, trừng phạt bạn'."

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba giải thích các lệnh mới nhằm đối phó với tình trạng đàn ông Ukraine trốn quân dịch bằng cách sống lại ở nước ngoài.

Ông khẳng định những người bỏ qua nghĩa vụ đấu tranh cho đất nước của mình không xứng đáng nhận được bất cứ điều gì.

Vaily, một người Ukraine sống ở Ba Lan nói với tờ Washington Post: “Tôi cảm thấy như đất nước mà tôi yêu quý và trân trọng đang cư xử như một thiếu niên non nớt, bị xúc phạm”.

Anh nói thêm: “Tôi luôn định vị bản thân và sẽ tiếp tục khẳng định mình là một người Ukraine trong mọi tình huống. Nhưng nếu nhà nước coi tôi là kẻ phản bội, tôi phải thừa nhận đó không phải là cảm giác dễ chịu đối với tôi lúc này”.

Kiev tuyên bố họ không tìm cách ép buộc hồi hương công dân của mình nhưng đã yêu cầu sự hỗ trợ từ phương Tây để khuyến khích họ hồi hương.

Các quan chức hàng đầu Ukraine đã nhiều lần bày tỏ mong muốn bằng cách nào đó đưa những người ở nước ngoài trong độ tuổi quân nhân trở về nước.

Nhiều quốc gia EU, chẳng hạn như Đức, Áo, Hungary và Cộng hòa Séc, vốn là một trong những điểm đến hàng đầu của người Ukraine chạy trốn chiến sự, đã bác bỏ rõ ràng ý tưởng tập hợp và đưa người tị nạn Ukraine về nước.

Theo dự thảo quy định mới được Bộ Quốc phòng công bố hôm cuối tuần này, những người nhiễm HIV, bệnh lao và ung thư cũng như một số người nghiện chất kích thích vẫn sẽ bị buộc phải phục vụ trong lực lượng vũ trang Ukraine.

Tuy nhiên, tùy vào tình trạng sức khỏe của họ thời điểm đó mà sẽ được giao các công việc khác nhau.

Các quan chức quân đội sẽ quyết định xem sức khỏe của người lính nghĩa vụ có cho phép họ phục vụ ở tiền tuyến hay thực hiện những công việc ít đòi hỏi hơn ở hậu phương hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.