Nhân dân tệ "thách đấu" đô la trên sàn châu Phi

Nhân dân tệ "thách đấu" đô la trên sàn châu Phi

(GD&TĐ) - Đến tận bây giờ, châu Phi vẫn được coi là ngoại vi của chính trị thế giới. Thỉnh thoảng châu Phi xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo lớn cũng chỉ là chuyện xung đột ở một số địa phương. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, châu Phi đang là nơi diễn ra cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng khốc liệt giữa Trung Quốc và các cường quốc phương Tây và đồng nhân dân tệ đang lấn sân đồng đô la trên khắp lục địa đen.

Chuyện bắt đầu từ tháng 10/2006, khi Bắc Kinh đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi lịch sử. Tại diễn đàn này, hơn 50 nguyên thủ và đại diện chính phủ của các nước châu Phi nhất trí đẩy mạnh quan hệ kinh tế, văn hóa và chính trị với người khổng lồ của châu Á.

Hai năm sau, trong khuôn khổ chuyến công du 8 nước châu Phi kéo dài tới 12 ngày, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào công bố gói hỗ trợ lục địa đen trị giá tới 3 tỷ USD, nâng số đầu tư công và đầu tư tài chính trực tiếp lên 8 tỷ USD, chưa kể 2 tỷ USD từ nguồn đầu tư tư nhân. Tháng 7/2012, Trung Quốc quyết định cho các nước châu Phi vay ưu đãi 20 tỷ USD trong 3 năm.

Trung Quốc lấn sân Mỹ ở châu Phi (Tranh của Stan Abrams)
Trung Quốc lấn sân Mỹ ở châu Phi (Tranh của Stan Abrams)
 

Điều dễ hiểu rằng số tiền trên khó có thể sánh với sự trợ giúp của Mỹ và các nước phương Tây đối với châu Phi trong nhiều năm qua. Điều đáng nói ở đây là xu hướng: Ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi đang tăng, ảnh hưởng của Mỹ, Pháp ở châu Phi đang suy yếu.

Doanh số thương mại của Trung Quốc và châu Phi đã đạt tới 166 tỷ USD vào năm 2011, còn kim ngạch xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc trong 10 năm gần đây đã tăng từ 5,6 lên 93 tỷ USD.

Tại Mỹ, dư luận đang gióng lên hồi chuông báo động: Ảnh hưởng của Mỹ đang mất dần ở lục địa đen. Ngoài những vùng đất giàu khoáng sản đang rơi vào tay Trung Quốc, Nigeria - nước cung cấp 40% nhu cầu dầu lửa của Mỹ cũng đang bị Bắc Kinh bí mật tiếp cận, đàm phán.

Những chi phí khổng lồ của Mỹ trong hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan và hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế đã không cho phép nước này “so găng” với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh kinh tế ở châu Phi. Giờ đây, Washington đã quá nghèo, khó có thể chạy đua với Bắc Kinh trong việc giành giật sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo châu Phi. Trong bối cảnh ấy, Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự của họ ở châu lục.

Vào cuối năm 2007, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Phi (AFRICOM) đã được thành lập. Nhiệm vụ của nó là gây áp lực nhằm hạn chế  sự hiện diện cả về kinh tế và chính trị của Trung Quốc ngày càng tăng ở châu Phi. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh này còn có nhiệm vụ “uốn nắn” những nhà lãnh đạo châu Phi có ý định “đi chệch quỹ đạo của Mỹ”. Tiến sĩ J.Phạm - cố vấn của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ công khai tuyên bố rằng tài nguyên thiên nhiên giàu có của châu Phi là mục tiêu hấp dẫn của Trung Quốc - một đất nước có nền kinh tế năng động (tăng trưởng 9%/năm) và khát dầu đến vô độ… Mục tiêu của Bộ Tư lệnh châu phi là bảo vệ quyền được thâm nhập các mỏ dầu và tài nguyên thiên nhiên chiến lược khác của châu Phi, để Trung Quốc và Nga không nhận được ưu đãi hoặc độc quyền khai thác.

Trên thực tế Mỹ đã đưa ra một số chương trình về các hoạt động chống khủng bố trong khu vực như sáng kiến Pan-Sahel và các sáng kiến xuyên sa mạc Sahara. Dưới chiêu bài chống khủng bố, Washington khuấy động hận thù tôn giáo giữa các bộ tộc ở Bắc Phi, Tây Phi và Trung Phi. Cuộc chiến ở Mali, Nigeria vừa qua là ví dụ sinh động về cách mà Mỹ và đồng minh giải quyết vấn đề của họ ở châu Phi. Ở Lybia, mọi chuyện đã quá rõ ràng. Lật đổ chế độ Muammar Gaddafi, Mỹ đã biến các hợp đồng đầu tư trị giá tới 5 tỷ USD của các công ty Trung Quốc tan thành mây khói. Các nhà phân tích nhận định: Ở đâu có lợi ích kinh tế của Trung Quốc, chắc chắn ở đó Mỹ sẽ tìm thấy một vài nhóm khủng bố cần phải tiêu diệt. Song song với điều đó, các phương tiện truyền thông phương Tây ra sức tuyên truyền chính sách “đầu voi, đuôi chuột”, tận thu năng lượng, khoáng sản quý hiếm của Trung Quốc ở châu Phi, kích động xu hướng bài trừ người Hoa ở châu Phi.

Có thể nói, cuộc tranh giành phạm vi ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Phi đã đến hồi gay cấn. Liệu nhân dân tệ có thể hạ gục đồng đô la Mỹ ở châu Phi vào một ngày không xa?

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...