Nhà thơ Dương Thuấn: Nhà văn phải là sứ giả văn hóa

Nhà thơ Dương Thuấn: Nhà văn phải là sứ giả văn hóa

(GD&TĐ) - Tuyển tập Dương Thuấn vừa được tổ chức Guiness Việt Nam công nhận 2 kỷ lục: Bộ sách song ngữ Tày – Việt đầu tiên và Bộ Tuyển tập thơ dày nhất Việt Nam (hơn 2000 trang, gồm 3 tập). PV GD&TĐ đã có cuộc chia sẻ với nhà thơ về vấn đề giữ gìn văn hóa dân tộc thiểu số hiện nay.

Tại sao anh lại chọn viết “Tuyển tập Dương Thuấn” bằng song ngữ Tày Việt?

- Đó là vì thơ chọn tôi trước. Sáng tác bằng ngôn ngữ Tày sẽ diễn đạt được ý tưởng của mình sâu sắc hơn. Dân tộc Tày đang thiếu những tác phẩm bằng tiếng Tày nhưng để in những tác phẩm bằng tiếng Tày khó khăn nên tôi nghĩ phải sáng tác bằng hai thứ tiếng. Mong ước cháy bỏng là một ngày nào đó, bà con các dân tộc thiểu số trên khắp đất nước ta được thưởng thức tác phẩm văn học bằng chính thứ tiếng của dân tộc mình.

Khi bắt tay vào làm, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, có khi phải làm 2 - 3 lần, có khi hàng chục lần. Nhưng dần dần tôi càng trở nên yêu thích công việc ấy. Thành công ban đầu của tôi là độc giả thân thiết trong làng bản rất thích. 

Nhà thơ Dương Thuấn Ảnh: Tr. Huyền
Nhà thơ Dương Thuấn Ảnh: Tr. Huyền

Trong vòng 24 năm, tôi đã sáng tác hơn 1000 bài thơ với hơn 2000 trang in. Ngoài những ý tưởng diễn đạt, thỏa mãn ý thích của bản thân, tôi còn có ý nghĩ bảo tồn ngôn ngữ văn hóa dân tộc thiểu số đang dần mai một.

Mỗi một dân tộc có một nền văn hóa riêng. Muốn chứng minh dân tộc ấy có văn hóa lịch sử, phong tục riêng thì phải có tác giả của dân tộc ấy. Nếu dân tộc ấy không có tác giả thì dân tộc ấy khó giữ được những nét văn hóa vốn có của mình. Tôi luôn ý thức mình là người dẫn dắt tinh thần làm phong phú vốn văn hóa của dân tộc mình. Phải sáng tác bằng tiếng dân tộc mình thì độc giả dân tộc mới có cơ hội được thưởng thức văn học bằng tiếng dân tộc của mình.

Có người cho rằng, ngôn ngữ Tày đang có nguy cơ mai một theo thời gian?

- Không chỉ riêng tiếng Tày mà ngôn ngữ các dân tộc thiểu số đang dần mai một theo thời gian. Hiện con người đang hướng về cái chung nhất. Ví dụ ngôn ngữ quốc tế dùng Tiếng Anh, Việt Nam dùng ngôn ngữ Tiếng Việt.

Nhưng không phải vì thế mà họ quên đi tiếng dân tộc. Tiếng dân tộc vẫn là ngôn ngữ để họ tư duy đầy đủ nhất, hay nhất, thể hiện tình cảm dễ nhất, đem lại nhiều khoái cảm trong sáng tạo nhất. Chỉ có tiếng mẹ đẻ mới mang lại cho tôi khoái cảm ấy.

Theo anh, trách nhiệm của  nhà văn đối với việc bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình?

Nhà văn phải là sứ giả văn hóa của dân tộc mình. Họ có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và phát triển các giá trị của dân tộc, định hướng lại cho dân tộc mình: Bảo tồn ngôn ngữ, giá trị tinh thần, đem lại sự phục hưng cho văn hóa dân tộc.

Một dân tộc có nền văn hóa phát triển thì phải có những đại diện văn hóa của dân tộc ấy. Chính những đại diện văn hóa đó đã làm nên diện mạo lịch sử văn hóa các dân tộc.

Nền văn học dân tộc thiểu số đang đứng ở vị trí nào trong nền dòng chảy văn học nói chung, thưa anh?

Lâu nay người ta nghĩ chưa đúng, và chưa ý thức đầy đủ về dân tộc mình.

Tác phẩm văn học có thể dịch ra được nhiều thứ tiếng trên thế giới, nhưng nó chỉ tồn tại với cộng đồng nhà văn đã sử dụng thứ ngôn ngữ đó. Người dân tộc  nào thì sáng tác cho dân tộc ấy, có thế mới miêu tả được đầy đủ cuộc sống cũng như tình cảm, đời sống tâm linh, ngôn ngữ… của dân tộc ấy.

Chẳng hạn như những câu thần chú hay bài phép thuật chỉ màu nhiệm, thần bí và có tác dụng khi niệm bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình. Mỗi ngôn ngữ gắn với mỗi dân tộc, nó không chỉ đơn giản là nghĩa ngữ âm mà nó còn có giá trị khác ẩn chứa trong nó mà chỉ có người dân tộc đó mới cảm nhận được.

Nếu không làm chủ ngôn từ tác phẩm không thể hay được… Nhà văn dân tộc nào nên viết cho dân tộc ấy.

Tôi mong sao mỗi nhà văn người dân tộc thiểu số hãy là một sứ giả của nền văn hóa dân tộc mình. Và mong ước cháy bỏng hơn nữa là một ngày nào đó, bà con các dân tộc thiểu số trên khắp đất nước ta được thưởng thức tác phẩm văn học bằng chính thứ tiếng của dân tộc mình.

Xin cảm ơn nhà thơ!

Nhà thơ Dương Thuấn sinh năm 1959, tại Bắc Kạn. Anh là người dân tộc Tày, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Là tác giả của hơn mười tập thơ, trong đó có những tập thơ thiếu nhi đặc sắc: Cưỡi ngựa đi săn - NXB Kim Đồng 1991, Bà lão và chích chòe - NXB Kim Đồng 1997, Trăng Mã Pì Lèng - NXB Kim Đồng 2002, Dương Thuấn - Thơ với tuổi thơ - NXB Kim Đồng 2005, Chia trứng công - NXB Hội Nhà văn 2006... và gần đây nhất là Tuyển tập Dương Thuấn I, II, III - NXB Hội Nhà văn 2010. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1992; Năm 2012 được tổ chức Guiness Việt Nam công nhận 2 kỷ lục: Bộ sách song ngữ Tày – Việt đầu tiên và Bộ Tuyển tập thơ dày nhất Việt Nam

Trịnh Huyền (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.