Nhà thiên văn học trẻ trường Ams và cú đúp huy chương vàng Olympic quốc tế

GD&TĐ - Trong năm 2021, Trần Quang Vinh, học sinh lớp 12 Lý 1, trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam đã xuất sắc giành 2 tấm huy chương Vàng tại 2 kỳ thi Olympic Vật lý.

Nhà thiên văn học trẻ trường Ams Trần Quang Vinh
Nhà thiên văn học trẻ trường Ams Trần Quang Vinh

Nhiều giải “nhất” trong cùng 1 năm

Năm 2021, Trần Quang Vinh đón nhận liên tiếp nhiều niềm vui từ các cuộc thi Olympic quốc tế: Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Vật lý châu Á (APhO) và Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) năm 2021.

Vinh cho biết, giành được Huy chương Vàng các kỳ thi Olympic là một vinh dự lớn của em và cũng giải tỏa được nhiều áp lực. Khi nhận tin mình đã giành được huy chương Vàng, trong những giây phút đầu em cảm thấy rất vui. Nhưng sau đó thì em lại có cảm giác nhẹ nhõm vì cuối cùng thì tất cả cũng xong; mình đã hoàn thành hành trình dài 3 năm học một cách trọn vẹn, đã chứng minh được bản thân, đã không làm mọi người thất vọng.

Vinh kể lại, quá trình dự thi của em và các bạn trong đội tuyển bắt đầy từ lúc đội tuyển được triệu tập tham dự kỳ thi Olympic Vật lý châu Á . Thời gian từ đó đến khi kết thúc kỳ thi IPhO, đội tuyển đã bị “cách ly” ở ký túc xá Trường Đại học Sư phạm trong 3 tháng rưỡi. Trong khoảng thời gian đó, em và các bạn chỉ có niềm vui duy nhất là Vật lý. Đó là một trải nghiệm khó tả nhưng ai cũng rất vui vì được cùng nhau sống, học tập trong thời gian dài.

Đạt huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic danh giá đối với em  là cột mốc quan trọng đánh dấu quá trình nỗ lực phấn đấu của 12 năm học, đó cũng là bằng chứng để em tự nhủ với bản thân răng nếu quyết tâm, mình nhất định có thể làm được. Tấm huy chương còn là lời cảm ơn của em dành cho bố mẹ, người thân, các thầy cô và bạn bè đã giúp đỡ em trong suốt chặng đường.

“Giành tấm huy chương Vàng IPhO là vinh dự lớn của em. Mọi thứ trong ba năm cấp ba của em tập trung vào khoảnh khắc này. Em không ngừng cố gắng học tập, cố gắng tham gia rất nhiều kỳ thi, tự học những kiến thức ngoài chương trình, nhiều lúc bỏ ăn và ngủ để tham gia IPhO”, Quang Vinh tự hào chia sẻ.

Trần Quang Vinh làm bài tập trong phòng thực hành
Trần Quang Vinh làm bài tập trong phòng thực hành

Kể về học trò, thầy Lê Mạnh Cường, thầy giáo phụ trách đội tuyển Vật lý Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam cho biết: Để đạt được thành tích ấy, không chỉ là những năm tháng miệt mài “ăn, ngủ” cùng Vật lý, Trần Quang Vinh cùng các bạn trong đội tuyển còn phải rời xa gia đình và bạn bè suốt 3 tháng. Quang Vinh cũng như các bạn trẻ trong đội tuyển phải hy sinh nhiều thứ để tập trung cho kỳ thi.

Trước khi thi, Quang Vinh luôn tin sẽ giành huy chương Vàng và phải giành được huy chương Vàng để xứng đáng với cố gắng của bản thân, sự hy sinh của gia đình, kỳ vọng của thầy cô, bạn bè, nhà trường. Quang Vinh đã chứng minh được bản thân và kết thúc hành trình trọn vẹn bằng những tấm huy chương Vàng.

Đạt được những tấm huy chương vàng từ các kỳ thi danh giá này là vinh dự lớn cũng như khẳng định khả năng của cậu học sinh trường Amsterdam. Nhưng thứ giá trị nhất mà Quang Vinh nhận được chính là nhiều góc nhìn khác nhau về Vật lý từ những khu vực trên toàn thế giới.

Trần Quang Vinh (đứng giữa) cùng các bạn trong đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế 2021
Trần Quang Vinh (đứng giữa) cùng các bạn trong đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế 2021

Học Vật lý như chơi xếp tranh

Theo Quang Vinh, thời điểm em trở nên thật sự đam mê với bộ môn Vật lý là khi bước chân vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Tại đây, em được gặp gỡ, tiếp thu kiến thức từ những thầy cô, bạn bè giỏi nhất. Trong môi trường này, em được tiếp xúc với đa dạng khía cạnh của Vật lý, từ học lý thuyết, nghiên cứu thực hành cho đến được xem những áp dụng vào máy móc và robot.

“Trải nghiệm quan trọng nhất với em có lẽ là được tham dự đội tuyển Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn quốc tế (IOAA) năm 2019. Ở đây, em được học những kiến thức ngang với chương trình đại học về Thiên văn ở Mỹ và các nước châu Âu. Qua những bài giảng của các thầy và các giáo sư đang trực tiếp nghiên cứu Thiên văn ở Việt Nam, em cảm thấy rất hứng thú với bộ môn và đã chọn Vật lý Thiên văn làm khía cạnh nghiên cứu chính về sau của mình” - Vinh cho biết.

Vinh tâm sự, học và nghiên cứu Vật lý và Vật lý Thiên văn đối với em giống như một trò chơi xếp tranh. Sở dĩ nói như vậy vì khi học và nghiên cứu môn học này, em luôn sáng tạo, mày mò để kết nối từng mảnh kiến thức nhỏ lại, sắp xếp chúng theo nhiều cách và lối đi khác nhau, cùng với đó là những thử nghiệm, thất bại để đi đến một bức tranh toàn cảnh của những vật thể.

Câu chuyện thi cử của Quang Vinh bắt đầu từ khi em vào cấp ba. Giai đoạn đầu, Quang Vinh cố gắng hoàn thiện kiến thức Vật lý để tham gia một số kỳ thi cấp Thành phố và Quốc gia nhằm thử sức. Khi giành được tấm Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn quốc tế cùng giải Nhất tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia thì em càng muốn tìm hiểu sâu hơn nữa hai bộ môn này.

“Sau kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, do dịch Covid-19 bắt đầu nên em có nhiều thời gian rảnh rỗi. Với sự trợ giúp từ các thầy cô giáo, em học được nhiều kiến thức sâu hơn về Toán học và Vật lý, cùng với một vài phương pháp nghiên cứu qua lập trình Python. Hiểu hơn về Vật lý, em càng tự tin hơn vào khả năng của mình và quyết định sẽ thử sức trong các vòng thi quốc tế” - Vinh nhớ lại.

Trần Quang Vinh cùng các bạn trong đội tuyển làm các bài thi thực hành
Trần Quang Vinh cùng các bạn trong đội tuyển làm các bài thi thực hành

Anh Trần Văn Sơn - bố của Trần Quang Vinh tự hào kể về con: Vinh là chàng trai mạnh mẽ, có phương pháp luận tư duy mạch lạc và luôn suy nghĩ hướng thiện. Ngoài Vật lý và Thiên văn thì Vinh cũng thích đọc về Lịch sử, Văn học và Triết học. Từ nhỏ, Quang Vinh tò mò về sự phát triển của con người, tò mò về bản thân và về những người xung quanh, cũng như cách thế giới hoạt động.

“Vinh không dành quá nhiều thời gian cho việc học, nhưng con biết cách chia đều thời gian giữa việc học và giải trí. Vinh dành nhiều thời gian để xem phim, bơi lội, tập võ thuật, chơi thể thao, rèn luyện cơ thể. Kể cả trong lúc học ôn thi IPhO thì Vinh cũng cố dành ra tầm hơn một tiếng mỗi ngày để tập những bài tập cơ bản như kéo xà, chống đẩy”- anh Sơn nói.

Do đạt được giải nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và các huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế nên Trần Quang Vinh tự tin đi trên con đường học tập nghiên cứu Vật lý Thiên văn học. Tương lai gần, em định tham gia nghiên cứu về Vật lý Thiên văn cùng với thầy của mình và giúp các em học sinh trung học ở Việt Nam tiếp cận với Thiên văn nhiều hơn.

Trong 12 năm học phổ thông, Trần Quang Vinh đạt nhiều thành tích xuất sắc tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế: Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn quốc tế (IOAA) năm 2019, giải Nhất tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT môn Vật lý năm 2019-2020 và 2020 - 2021, Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic quốc tế các Thành phố lớn (IOM) năm 2020, Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương (APhO) năm 2021 và Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) năm 2021.

Ngoài ra, Vinh còn là sáng lập viên và là Chủ tịch nhiệm kỳ đầu Câu lạc bộ Thiên văn học của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.