Bởi, trời lạnh hoặc nhiệt độ thay đổi thất thường sẽ làm gia tăng lượng histamin trong máu. Đây là chất hóa học khiến dạ dày bài tiết nhiều axit và làm mỏng đi lớp nhầy bảo vệ ở sát niêm mạc dạ dày.
Nguy cơ bệnh tiêu hóa tăng
Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, ung thư đường tiêu hóa chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số các trường hợp ung thư tại Việt Nam. Đáng lo ngại, các loại ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như dạ dày, đại tràng đang gia tăng, phần lớn được phát hiện ở giai đoạn muộn.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam có từ 11 – 12 nghìn người mắc mới ung thư dạ dày, trong đó khoảng 8 nghìn người tử vong. Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở những người cao tuổi, mà có xu hướng ngày một trẻ hóa.
Các bệnh lý tiêu hóa thường tiến triển âm thầm và nhanh chóng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. Nếu không được điều trị đúng cách nó cũng tiềm ẩn nguy cơ ung thư rất lớn.
Vào mùa Đông, tỷ lệ người tái phát và mắc bệnh dạ dày gia tăng, đặc biệt ở miền Bắc, nơi có sự thay đổi rõ rệt về nhiệt độ. ThS.BS Vũ Tấn Phúc - bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, đau dạ dày là dấu hiệu chung cho một nhóm các tình trạng có ảnh hưởng gây ra viêm niêm mạc dạ dày.
Điều này sẽ xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ dạ dày và tổn thương dạ dày. Đáng chú ý, thời tiết lạnh khô vào mùa Thu Đông sẽ càng làm các cơn đau dạ dày trở nên nặng nề hơn.
Hệ thống tiêu hóa có thể là một nguồn gây bệnh đáng kể trong mùa Thu Đông. Bởi, nhiệt độ đột ngột thay đổi sẽ làm gia tăng lượng histamin trong máu và gây ra các cơn đau dạ dày, nhất là ở những người có tiền sử bệnh thì nguy cơ trào ngược dạ dày tái phát rất cao.
Ngoài ra, khả năng miễn dịch giảm khi nhiệt độ lạnh dẫn đến cơ thể dễ mắc các bệnh truyền nhiễm thông thường. Với đường tiêu hóa, bệnh có các triệu chứng điển hình như đau dạ dày, tiêu chảy và nôn ói.
“Vào mùa lạnh, cơ thể cần bổ sung nhiều năng lượng để giữ ấm. Đó là lý do khiến mọi người thường có cảm giác nhanh đói và ăn nhanh, quá no. Tình trạng này khiến dạ dày chưa kịp thích nghi khi phải làm việc nặng nề để chuyển hóa thức ăn thành năng lượng.
Từ đó, có thể dẫn đến đau dạ dày”, BS Vũ Tấn Phúc giải thích. Bên cạnh đó, mùa lạnh cũng là lúc mọi người thường có xu hướng tiêu thụ rượu bia, các đồ ăn cay, nóng, thuốc lá, dùng chất kích thích... nhiều hơn. Đây là những tác nhân gây kích ứng mạnh tới dạ dày, làm tăng các triệu chứng của bệnh.
Trào ngược dạ dày dễ tái phát vào mùa Thu Đông. Ảnh minh họa: ITN |
Bảo đảm chế độ dinh dưỡng
Theo BS Vũ Tấn Phúc, nhiều người có khuynh hướng ăn nhiều vào buổi tối, ăn khuya trước khi đi ngủ nhằm cung cấp nhiều năng lượng giữ ấm trong đêm. Tuy nhiên, điều này lại gây ra gánh nặng cho dạ dày, giấc ngủ trở nên khó khăn dẫn đến trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, lo âu.
Đây đều là nguyên nhân đau dạ dày. Một số người chọn ăn thực phẩm ít chế biến. Lúc này, thực phẩm lạnh dễ làm kích thích tăng tiết dịch dạ dày, đặc biệt là vào bữa sáng. Vì hầu hết các cơ quan vẫn còn trong trạng thái ngủ, nên ăn thực phẩm lạnh có thể dẫn đến co thắt và lưu thông máu kém trong hệ thống tiêu hóa. Điều đó tạo ra chứng khó tiêu và niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương.
Thời tiết lạnh khiến cơ thể trì trệ, lãng quên các hoạt động tập luyện thể dục thể thao, khiến vòng tuần hoàn kém lưu thông, lưu lượng máu tới hệ tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng gặp hạn chế.
Chức năng co bóp và tiêu thụ thức ăn của dạ dày không còn được đảm bảo và xuất hiện các cơn đau dạ dày. Do lượng nước mất giảm nên cảm giác khát không còn, mọi người có thói quen ít uống nước. Tuy nhiên, nhu cầu nước trong cơ thể là không đổi. Giảm lượng nước uống vào cũng khiến hoạt động ở dạ dày gặp khó khăn.
“Vào mùa Đông, khi thời tiết chuyển mùa, không ít người bị thay đổi tâm lý, rất dễ cảm thấy buồn chán và suy nghĩ tiêu cực, bi quan. Chính những căng thẳng này càng kích thích bài tiết axit tại dạ dày, dễ gây khởi phát hay làm trào ngược dạ dày tái phát”, chuyên gia lý giải.
Do đó, cách thức phòng chống đau dạ dày vào mùa Đông là hiểu biết các nguyên nhân và tránh mắc phải. Mọi người cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, ăn uống và nhịp độ sinh hoạt trong những ngày trời lạnh. Điều đó sẽ giúp cho chức năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn ở dạ dày được ổn định.
Đồng thời, cần ăn đủ cữ, đúng bữa. Chọn thực phẩm ấm hoặc tương đối nóng, để có thể giúp kích thích lưu thông máu. Lưu ý không dùng thực phẩm sống hay chưa nấu chín, hạn chế ăn các thức ăn có tính kích thích cao như quá nóng, cay, chua.
Không sử dụng quá nhiều rượu bia, thuốc lá hay chất kích thích. Đồng thời, duy trì thói quen vận động cơ thể, tăng sức đề kháng. Xây dựng tinh thần tích cực, suy nghĩ lạc quan. Chủ động dùng các thuốc kháng axit để ngăn chặn tái phát các cơn đau dạ dày.
Tại Việt Nam, có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và con số này đang gia tăng. Các bệnh đường tiêu hóa thường gặp phổ biến như bệnh dạ dày, táo bón, tiêu chảy, trào ngược dạ dày, rối loạn tiêu hóa… Theo thống kê của Globocan 2020 (Tổ chức Ung thư toàn cầu), Việt Nam có khoảng 18.000 ca mắc ung thư dạ dày và 16.426 ca mắc ung thư đại tràng.