Người trẻ mắc bệnh đau dạ dày từ thói quen tai hại

GD&TĐ - Đau dạ dày là tình trạng bệnh lý thường gặp, trở thành nỗi ám ảnh chung của nhiều người trong đó có học sinh, sinh viên, thầy cô giáo.

Các yêu cầu, đặc trưng của công việc dạy học tác động không nhỏ tới sức khỏe của đội ngũ giáo viên. Ảnh minh họa.
Các yêu cầu, đặc trưng của công việc dạy học tác động không nhỏ tới sức khỏe của đội ngũ giáo viên. Ảnh minh họa.

Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nếu không được điều trị sớm. Vì vậy, quá trình theo dõi triệu chứng, xác định nguyên nhân để kiểm soát kịp thời là rất cần thiết.

Ở một số ngành nghề, do đặc thù công việc, như áp lực học tập, thi cử với học sinh, sinh viên nên khả năng bị đau dạ dày là rất lớn. Tuy nhiên, người bệnh thường gặp sai lầm khi điều trị khiến bệnh càng nặng hơn gây nguy hiểm cho sức khoẻ.

Xuất hiện ngày càng nhiều ở học sinh

Đau dạ dày là tình trạng bao tử bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc không thực sự bị tổn thương mà chỉ có rối loạn vận động của dạ dày và có tăng tiết axit dịch vị dạ dày. Từ đó, bệnh gây ra các cơn đau âm ỉ, nóng rát hoặc tức tại vùng thượng vị.

Cảm giác khó chịu này thông thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cơn đau kéo dài và dữ dội, đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm.

Đau dạ dày có thể xuất hiện tại vùng thượng vị ở chính giữa bụng, cũng có thể lệch sang bên trái hoặc bên phải, đau có thể lan ra sau lưng. Đau có thể gặp khi đói hoặc về ban đêm, cũng có thể đau sau khi ăn làm người bệnh cảm giác tức nặng, ấm ách không ăn được nhiều.

Thầy Nguyễn Xuân Thân, Trường Tiểu học Đại Yên (Hà Nội) phải đi khám vì những biểu hiện như ợ chua, buồn nôn, đầy hơi… vô cùng khó chịu. Những triệu chứng này thường xuyên xảy ra và xuất hiện với tần suất dày hơn.

Trước đó, do nghĩ rằng vì cường độ làm việc nhiều, lại ăn uống thất thường nên thầy Thân chủ quan không đi khám. Gần đây, do chán ăn, chảy máu tiêu hoá khiến thầy phải nhập viện.

Nguyễn Quốc Anh (Ba Đình, Hà Nội) là tiếp viên hàng không nhiều năm liền. Thời gian này, anh có biểu hiện mệt mỏi, sụt cân và thường đầy bụng khó tiêu nên đi kiểm tra sức khoẻ.

Anh cũng có kết luận viêm loét dạ dày với nhiều nguyên nhân như stress trong công việc, sinh hoạt không điều độ do ăn uống không đúng bữa, bỏ bữa thường xuyên.

Anh cho biết: “Công việc của tôi có lịch khá dày. Đôi khi lên máy bay làm việc không có giờ ăn cụ thể nào. Có khi là 10 giờ sáng phải ăn để kịp chuyến bay, hoặc có thể 21 giờ mới ăn bữa tối. Đôi lúc do quá bữa nên tôi thường bỏ qua. Vài tháng gần đây, tôi thường đau bụng khi đói hoặc quá no, đầy bụng, buồn nôn… Thấy giống với biểu hiện của bệnh đau dạ dày nên tôi mới đi khám và phát hiện bệnh”.

Nghiêm Xuân Khang - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Đại Yên (Hà Nội) mới nhập viện điều trị bệnh đau dạ dày. Em cho biết, thời gian học tập căng thẳng hoặc thi cử khiến em mỗi lần lo âu lại đau đầu, đau bụng, ngủ kém, khó tập trung… Đi khám, gia đình đều bất ngờ khi biết em đang bị chứng đau dạ dày.

Nhiều người vẫn cho rằng chỉ có người lớn mới bị đau dạ dày do ăn uống, sinh hoạt bừa bãi. Tuy nhiên, viêm loét dạ dày ở lứa tuổi học sinh đang ngày càng phổ biến và có xu thế xuất hiện nhiều ở trẻ nhỏ tuổi.

Nguyên nhân gây bệnh là do ăn uống không khoa học, thiếu vệ sinh, có trạng thái lo âu, sức ép học tập lớn. Việc phụ huynh thúc ép trẻ học hành tạo cảm giác căng thẳng, khiến trẻ luôn rơi vào trạng lo lắng thái quá dễ dẫn tới bệnh dạ dày. Nếu không được lưu ý chăm sóc tốt, sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng thậm chí xuất huyết tiêu hóa.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Hà Nội) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau dạ dày. Với nhiều người có thể mắc bệnh do đặc thù nghề nghiệp.

Đối với giáo viên, học sinh sinh viên thì bệnh xuất hiện có thể do thói quen ăn uống thiếu khoa học. Cụ thể như ăn uống không điều độ, không đúng giờ hoặc ăn quá khuya.

Ăn quá nhanh, quá no hoặc để bụng trong trạng thái quá đói. Các bạn trẻ cũng thường ăn nhiều thức ăn chiên rán, cay nóng, đồ chua hoặc vừa ăn vừa đọc sách, chơi game, học bài, xem tivi… Người lớn có thể do lạm dụng đồ uống có cồn, chất kích thích, thuốc lá…

Phó Giáo sư Phạm Hoàng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) thăm khám cho một bệnh nhân ung thư dạ dày. Ảnh: INT.

Phó Giáo sư Phạm Hoàng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) thăm khám cho một bệnh nhân ung thư dạ dày. Ảnh: INT.

Bên cạnh đó, tâm lý căng thẳng kéo dài cũng dễ gây bệnh đau dạ dày. Khi đó, các hormone và chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể sẽ được giải phóng. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu động ruột và hoạt động co bóp của dạ dày, dẫn đến hiện tượng đau bụng, ợ chua, đầy hơi…

Ngoài ra, stress còn có khả năng làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây ra tình trạng đau bụng thường gặp. Điều này thường gặp ở trẻ khi học tập hoặc thi cử quá căng thẳng.

Tuy nhiên, bác sĩ Phương cho biết, đó chỉ là dấu hiệu ban đầu để đoán bệnh. Thông thường, để chuẩn đoán đau dạ dày, bác sĩ sẽ đặt ra một số câu hỏi để nắm rõ tình hình bệnh lý hiện tại của người bệnh. Đó có thể là vị trí, mức độ cơn đau, những thay đổi trong nước tiểu…

Sau đó, tùy theo tình trạng, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp chẩn đoán phù hợp. Nội soi thực quản dạ dày là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán nguyên nhân. Ngoài ra siêu âm bụng, chụp X quang bụng hoặc chụp CT, cộng hưởng từ… cũng giúp chẩn đoán loại trừ các bệnh khác.

Tránh những sai lầm khi điều trị bệnh

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi nhiễm, Bệnh viện Quận 8, TPHCM đã cảnh báo về tình trạng học sinh gặp áp lực lớn trong học tập, thi cử, gặp tình trạng căng thẳng kéo dài, mắc các bệnh lo âu, đau đầu kéo dài, rối loạn giấc ngủ, viêm loét dạ dày tá tràng.

Mới đây, một học sinh lớp 9 được chẩn đoán sốt xuất huyết và được yêu cầu nhập viện, hay nhiều học sinh vào đây bị loét dạ dày. Các cháu kể lượng bài tập, kiến thức phải học quá nhiều nên không có đủ thời gian để ngủ.

Nhiều học sinh lớp 9, đặc biệt lớp chọn, tâm sự rằng chưa bao giờ được ngủ đủ 1 đêm 7 - 8 giờ, 5 - 6 giờ đã là quá xa xỉ.

Theo bác sĩ Thanh Hà, hiện nay học trò, đặc biệt học sinh cuối cấp đối mặt nhiều áp lực từ việc học hành, thi cử, áp lực từ chính bản thân, áp lực đồng trang lứa và áp lực từ chính phụ huynh.

Bác sĩ, TS Nguyễn Thu Hằng (Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, có nhiều bệnh nhân thường mắc sai lầm trong quá trình điều trị khiến bệnh nặng hơn. Đầu tiên là tự ý dùng thuốc khi mới chớm đau dạ dày. Khi có các triệu chứng đầu tiên của bệnh như đau bỏng rát vùng bụng, ợ hơi, ợ chua… hầu hết bệnh nhân thường ra nhà thuốc hỏi mua thuốc giảm đau tức thì.

Tuy nhiên không phải dược tá nào cũng có thể chuẩn đoán đúng bệnh. Họ thường bán các loại thuốc “chung chung” có thể là thuốc giảm axit dạ dày, ức chế bơm proton, kháng sinh hoặc thuốc bao vết loét…”.

Bệnh nhân tự ý dùng thuốc khi chưa được bác sĩ chuyên khoa thăm khám chẩn đoán là nguyên nhân khiến việc điều trị về lâu dài không có hiệu quả, đặc biệt là với các bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh. Nếu tự ý dùng thuốc cơn đau có thể giảm ngay lúc đó nhưng bệnh dạ dày không được ngăn chặn tận gốc.

Anh Nguyễn Quốc Anh cho biết, ban đầu anh tự tìm hiểu về các triệu chứng và ra cửa hàng để mua thuốc. Thông thường, anh uống các loại giảm tiết axit thấy đỡ đau nhưng thời gian sau vẫn không khỏi. Sau đó, anh phải tuân thủ quá trình điều trị của bác sĩ mới ngăn ngừa được bệnh tái phát trở lại.

Cũng theo TS Hằng, bệnh lý dạ dày rất phức tạp bao gồm nhiều nhóm bệnh khác nhau nhưng nhiều người bệnh chủ quan. Khi được bác sĩ chuyên khoa khám và đưa ra phác đồ điều trị đúng chuẩn, đa số người bệnh sẽ thấy cơn đau giảm dần và mất hẳn mặc dù chưa hết đơn thuốc. Nhiều người tự ý dừng thuốc khi thấy mất đi triệu chứng. Điều này khiến nhờn thuốc, kháng thuốc do không tuân thủ liệu trình.

Trong quá trình điều trị đau dạ dày, bác sĩ thường khuyên điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, nhất là đối với người trẻ, học sinh sinh viên. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân không nhận thức được điều này, hoặc biết nhưng không thể điều chỉnh được.

Trẻ em điều trị đau dạ dày tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: INT.

Trẻ em điều trị đau dạ dày tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: INT.

Với đau dạ dày, cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học bằng cách ngủ đủ giấc, chăm luyện tập thể dục, ăn đủ chất với nhiều rau xanh, không hút thuốc lá và sử dụng nhiều đồ uống có cồn. Nên tránh đồ ăn quá cay, quá chua, trà đặc… Với người bệnh điều trị bệnh xong nên giữ tinh thần thư thái, tránh áp lực công việc để bệnh không tái phát.

Rất nhiều người cho rằng, bệnh dạ dày không thể lây lan. Điều này cũng gây ra sai lầm khi điều trị bệnh. Bởi, trong số các bệnh nhân mắc bệnh dạ dày, có một phần lớn do vi khuẩn HP gây nên.

Vi khuẩn này có thể phát tán trong môi trường và nhiễm tới người bệnh qua thức ăn và nước uống. Sự lây nhiễm có thể xảy ra khi dùng thức ăn, nước uống không sạch có chứa vi khuẩn đặc biệt là khi nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo. Thông thường, bác sĩ thường khuyên người nhà bệnh nhân đi kiểm tra HP để cùng điều trị dứt điểm, tránh lây lan trong gia đình.

Ngoài ra, người bệnh thường dùng đơn thuốc cũ để sử dụng khi bị tái phát bệnh thay vì thăm khám chuyên khoa. Đây là sai lầm khiến khó chữa khỏi và có thể trầm trọng hơn.

Theo TS Hằng, ngay cả khi bệnh nhân đã điều trị thành công với đơn điều trị cũ, cũng không được tự ý sử dụng đơn thuốc đó cho lần điều trị sau bởi rất có thể bệnh lý đã tiến triển đến vị trí khác hoặc hình thức khác…

Đối với người trẻ là học sinh, cần có biện pháp phòng chống và ngăn ngừa đau dạ dày. Bởi bệnh sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với sức khoẻ và công việc, cuộc sống. Các em cần uống đủ nước mỗi ngày để đảm bảo quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng diễn ra hiệu quả; Ăn nhiều bữa nhỏ trong một ngày; Nhai thức ăn chậm; Tập thể dục mỗi ngày để giảm căng thẳng, thay đổi cách sống để cân bằng.

Bên cạnh đó, trẻ thường bị hấp dẫn bởi đồ có nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh. Cần tuyệt đối tránh xa các loại thức ăn khiến tình trạng nặng thêm. Tránh nằm nhiều vì dễ khiến cơn đau trở nên trầm trọng hơn, thậm chí xuất hiện hiện tượng ợ chua khó chịu…

Tuy nhiên, khi tình trạng cơn đau trở nên nghiêm trọng, những phương pháp trên hoàn toàn không đem lại hiệu quả, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm về sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ