(GD&TĐ) – Căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông có thể leo thang thành một cuộc xung đột, các nước đối đầu tăng cường trang bị vũ khí càng làm cho tình hình nóng hơn – nhóm Khủng hoảng quốc tế cảnh báo hôm qua (24.7).
Một hòn đảo trên biển Đông |
Triển vọng giải quyết tranh chấp “dường như đang bị thu hẹp lại” sau khi ASEAN không thống nhất được “bộ quy tắc ứng xử” mà theo đó có thể quản lý các hành động trên biển Đông – nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG) nói.
“Không có một sự thống nhất về một cơ chế giải pháp, căng thẳng trên biển Đông dễ trở thành một cuộc xung đột vũ trang” – ông Paul Quinn – Judge, giám đốc chương trình của ICG về châu Á cho biết – “chừng nào ASEAN chưa đưa ra được một chính sách liên kết biển Đông, thì một bộ các quy định ràng buộc về việc xử lý tranh chấp sẽ không được thực hiện”.
Trung Quốc đòi quyền sở hữu gần như hầu hết biển Đông, nơi được cho là có nhiều trữ lượng dầu, khí ga, nơi đánh bắt cá quan trọng và là các tuyến đường vận chuyển trọng yếu của thương mại thế giới.
Căng thẳng về biển Đông đã tồn tại hàng chục năm nay khiến nơi đây rất có khả năng xảy ra xung đột vũ trang và năm ngoái, vùng biển này lại nóng lên khi Trung Quốc bị lên án ngày càng trở nên hung hăng trong việc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.
Tuần này, Trung Quốc lại khiến khu vực tức giận khi tuyên bố lên kế hoạch xây dựng đơn vị đồn trú ở quần đảo Hoàng Sa.
ICG nói trong báo cáo của mình rằng Trung Quốc đã “làm việc tích cực nhằm khai thác” sự phân chia trong khối ASEAN bằng cách đưa ra những lợi ích cho các thành viên trong khối ủng hộ vị trí của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp.
Báo cáo của ICG nói rằng Trung Quốc và các bên lên quan tiếp tục mở rộng hoạt động của hải quân và tăng cường an ninh biển giữa lúc tranh chấp, cộng thêm với áp lực chính trị trong nước và chủ nghĩa dân tộc của công dân ở các nước có thể khiến cho tình hình “leo thang”.
Hà Châu (Theo AFP)