Người quảng bá ca Huế đến muôn phương

GD&TĐ - Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng Nghệ nhân Ưu tú Thanh Tâm vẫn nhanh nhẹn, say sưa khi được quảng bá ca Huế đến muôn phương.

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Tâm biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm tháng 11/ 2022.
Nghệ nhân Ưu tú Thanh Tâm biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm tháng 11/ 2022.

Suốt một đời gắn với những câu hò mái nhì, điệu Nam Ai, Nam Bình, Nghệ nhân Ưu tú Thanh Tâm được nhiều người biết đến với chất giọng có âm sắc độc đáo, cuốn hút; vừa trang trọng, cổ kính, vừa thấp thoáng sự chân chất, thô mộc, êm đềm.

Tháng 11 năm ngoái, nhận lời mời của nhóm Đông Kinh cổ nhạc và Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, nghệ nhân Thanh Tâm cùng với các nghệ nhân nhã nhạc cung đình Huế ra Hà Nội biểu diễn nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11). Đây cũng là cuộc hội ngộ sau gần 30 năm của những cố nhân từng gặp nhau tại Pháp để quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng giọng ca của nghệ nhân Thanh Tâm vẫn rền, sắc và ấm, khiến cho cả khán phòng phải lắng mình để thưởng thức những làn điệu cổ như “Tương tư”, “Hò mái nhì-Nam Bình” đưa người nghe trở về với khung cảnh thơ mộng, mênh mang sông nước cũng như tiếc thương cho mối tình của công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân.

“Rất hãnh diện và sung sướng được duy trì vốn cổ mà ngày xưa cha ông mình đã tạo ra. Đây là niềm vui lớn lao nhất của tôi vì bây giờ tuổi như vậy mà vẫn còn được góp mặt với các nghệ sĩ, còn vấn đề kinh phí không đặt thành vấn đề”, nghệ nhân ưu tú Thanh Tâm xúc động chia sẻ.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là nghệ nhân Phan Hữu Lễ - một kép hát từng đóng nhiều vai tuồng, đánh trống giỏi, từ nhỏ, cô bé Thanh Tâm đã được rèn luyện, tập hát, tập đàn cùng những người thầy giỏi là nhạc quan triều Nguyễn.

Anh trai của bà cũng theo cha bén duyên với nghệ thuật tuồng và đã hướng bà đến với loại hình nghệ thuật cổ truyền này khi sắm vai trong các tích tuồng xưa như: Phụng Nghi Đình, Tống Địch Thanh, Điêu Thuyền… Thế nhưng, sở trường của Thanh Tâm vẫn là ca Huế, nhờ sự kiên trì học tập, chắt lọc chủ yếu qua truyền khẩu.

“Ca Huế là bác học, là siêu đẳng, là nhập hồn, có chiều sâu của tâm hồn nhập vào đó, khi ấy mới nói lên được lời ca, chứ không phải như tân nhạc, tập một hai phút là hát được.

Càng nghe thì càng thấm, ca Huế đòi hỏi sự đồng điệu. Những người hiểu biết cho là siêu sao, bác học, còn những người tầm thường sẽ nói nghe tân nhạc hay hơn. Tôi ca một lần, hai lần, và đến khi tôi ca lần thứ 3, người nghe mới cảm thấy thâm thúy”, nghệ nhân Thanh Tâm nói.

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Tâm.

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Tâm.

Vì thế, theo học ca Huế từ năm lên 12 đến lúc vào tuổi 40, chừng ấy thời gian với bà mới tạm gọi là ổn, có thể hát được các làn điệu, bài bản. Nhưng để trở nên điêu luyện, thành thục thì người học phải luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi thêm, “chữ nào của thầy hay thì mình phải học lấy.

Còn chuyện luyến, láy, ngân nga trong ca Huế thì đó là Tổ nghiệp cho mình, cộng với đam mê rèn luyện” nghệ nhân chia sẻ.

Thời gian cùng những thay đổi của thời cuộc đã khiến cho ca Huế nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung có những thăng trầm.

Đã có lúc nghệ nhân Thanh Tâm phải nghỉ hát, buôn thúng bán bưng lấy tiền nuôi gia đình. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi hai con nhỏ. Cuộc sống quá khó khăn, vất vả nhưng bà vẫn đinh ninh: “Còn giọng hát là còn hạnh phúc, nhịn đói được chứ không thể nhịn hát”.

Nghệ nhân Thanh Tâm vẫn nung nấu trở lại với ánh đèn sân khấu, được thỏa nỗi lòng mình qua từng lời ca: “4 giờ sáng đi mà tối mới về, kiếm được mấy đồng chứ mấy. Cả đời mình không buôn bán gì, thấy thẹn lắm nên cứ mua được là nhờ bạn đi bán hộ, được 2 đồng tiền lời.

Giải phóng xong, tôi buôn bán, bưng bê, phục vụ đám cưới. Lên sân khấu thì mình huy hoàng mà giờ đi bưng bê… Sau tôi nói: Cho tôi đi hát, đừng cho bưng bê nữa. Dần dần, tôi thành lập một đội nhỏ cùng đi hát với nhau. Nhiều khi đi hát cũng không có tiền đâu, khi nào có người ta mới trả”, nghệ nhân Thanh Tâm kể.

Năm 1993, sau khi thành lập Hiệp hội Âm nhạc Pháp – Việt, Giáo sư, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết tham gia phục hồi nhã nhạc cung đình Huế và về quê hương để dàn dựng một chương trình âm nhạc cung đình.

Bằng nỗ lực cá nhân, ông cũng bảo trợ cho các nghệ nhân nhã nhạc cung đình Huế và ca trù có dịp đi trình tấu tại Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Áo, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong số đó có nghệ nhân Thanh Tâm. Từ đó, năm nào bà cũng được nhạc sĩ Tôn Thất Tiết mời ra nước ngoài biểu diễn, tên tuổi của nghệ nhân ca Huế Thanh Tâm cũng được nhiều người yêu nhạc biết đến.

Nhờ các chương trình biểu diễn, thu thanh ấy, bà đã góp phần lan tỏa những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ca Huế với những ca khúc như “Tương tư”, điệu Hò mái nhì trong sáng tác âm nhạc đương đại của Tôn Thất Tiết.

Theo ông Đàm Quang Minh, trưởng nhóm Đông Kinh cổ nhạc thì chính nghệ nhân Thanh Tâm đã làm sáng nghề bằng giọng hát trời phú của mình.

“Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ có nghề, giữ được nghề nhưng nghề ấy có sáng hơn được không? Bà Tâm làm được điều đó. Vì bà ấy vừa làm sáng nghề tổ, vừa tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Tôn Thất Tiết sáng tác nên những bản nhạc về Huế. Đồng thời, bà đã đem giọng hát của mình để đóng góp cho âm nhạc đương đại.

Bà cũng là người đem nhã nhạc cung đình và ca Huế quảng bá, giao lưu, góp phần cho việc vinh danh hai loại hình âm nhạc truyền thống này là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bà đã làm sáng nghề trên các miền đất nước, ở quốc tế và những không gian âm nhạc mới”, ông Đàm Quang Minh nói.

“Cả một đời người nếu cố gắng sẽ học được hết các bài bản, làn điệu ca Huế”, nghệ nhân Thanh Tâm vẫn tâm niệm như vậy khi hướng dẫn những người trẻ yêu thích môn nghệ thuật này.

Song “gừng càng già càng cay”, muốn học cho hết vẫn phải kiên tâm rèn luyện, để khi ra đời có thể luyến láy chứ không chỉ hát đúng nhịp. Sự luyến láy ấy là đam mê, vốn sống, sự trải nghiệm mà nghệ nhân Thanh Tâm đã đắm đuối suốt cả cuộc đời.

Vì thế, tâm huyết của bà với ca Huế thật đúng như nhận xét của nhà báo Lưu Trọng Văn: “sự thổn thức giác âm thanh thành hơi sương trong, thành ánh trăng mảnh rồi rút ruột nhả ra thành khúc ca”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.