Cả tỉnh bàn chuyện bảo tồn ca Huế

GD&TĐ - Vừa qua, tại TP Huế diễn ra Hội thảo khoa học“Ca Huế - Giá trị, định hướng bảo tồn và phát huy”. 

Một buổi biểu diễn ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế
Một buổi biểu diễn ca Huế thính phòng tại Bảo tàng Văn hóa Huế
Theo ông  Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là hội thảo có quy mô quốc gia đầu tiên khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của ca Huế, đồng thời thảo luận và đề ra các giải pháp nhằm định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản của nghệ thuật ca Huế.

Ca Huế chỉ cần bảo tồn!

Ca Huế tương truyền được hình thành từ đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) được các nghệ nhân cung đình nhà Nguyễn phát triển và từng bước định hình hoàn chỉnh hệ thống bài bản và nhạc đệm, trở thành một loại hình âm nhạc cổ điển mang tính chuyên nghiệp, bác học. 

Quyết tâm tìm lại “vẻ đẹp thanh tao” vốn có của ca Huế, Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa ra những góp ý  thẳng thắn với mục đích chấn chỉnh hoạt động ca Huế đang diễn ra “trôi nổi” như hiện nay: Nên chấn chỉnh Không gian biểu diễn ca Huế hiện nay trên những chiếc thuyền “mạo danh thuyền rồng” với những bộ trang phục truyền thống nửa vời, lòe loẹt, thiếu sự tinh tế trong dáng Huế.

Ca Huế phải giữ thanh âm, thanh điệu nhưng hiện nay các nhạc công ca Huế lại đang có xu hướng đẩy nhanh tiết tấu ca Huế. Điều này hoàn toàn xa lạ, phá đi nét đặc trưng tinh tế của ca Huế. Trong thực tế, nhiều nhạc công chỉ học qua loa hoặc đánh được một vài bản rồi đi xin giấy phép để xuống thuyền biểu diễn, chính điều này đã mất đi cái thần thái của ca Huế. 

Chuyên gia cho rằng tối thiểu trong ca Huế phải có đầy đủ “ Tranh, Tỳ, Nhị, Nguyệt”. Thế nhưng dàn nhạc ca Huế trên sông Hương hiện nay đôi lúc chỉ có 2 đến 3 loại nhạc cụ và hầu như không có ai chơi đàn Tỳ bà. Ca Huế hiện còn sử dụng 23 bài cổ bản giàu chất thơ, lời ca trữ tình, đậm tính văn học và đủ sức xây dựng cho một chương trình riêng về ca Huế. Thực tế du khách xuống thuyền chỉ được nghe một thể loại ca Huế pha tạp với một vài làn điệu Lý Huế, Chầu văn hoặc ngâm thơ về Huế…

Cùng quan điểm bảo tồn giá trị loại hình ca Huế "xịn", nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý nêu quan điểm: “Ca Huế không cần tuyên truyền, cổ động. Ca Huế không cần phát triển, ca Huế chỉ cần bảo tồn...Hãy xem ca Huế là một mảnh trời riêng trong một cõi chung vô cùng rộng lớn, một mảng xanh tươi mát trong, một bức tranh toàn cảnh nhiều màu… ca Huế không bắt buộc người khác phải nghe, ca Huế không tranh giành thính giả và sân khấu của tân nhạc và nhạc thời thượng".

Các nghệ nhân ca Huế, nhạc công, nhà nghiên cứu chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế
Các nghệ nhân ca Huế, nhạc công, nhà nghiên cứu chụp hình lưu niệm cùng Ban tổ chức, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế 

Quyết tâm đưa ca Huế trở thành di sản phi vật thể của nhân loại

Tại Hội thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra những mong ước gửi đến các ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên Huế, đó là: Biên soạn thư mục chú giải về ca nhạc truyền thống Huế (trong đó ca Huế giữ phần quan trọng); Biên soạn từ điển ca nhạc truyền thống Huế ghi chép tóm tắt lịch sử ca Huế, viết tiểu sử; Nâng tầm ngày truyền thống của ca Huế hiện nay thành ngày lễ hội ca Huế của TP Huế; Qua lễ hội thành phố tạ ơn những bậc tiền bối đã sản sinh ra nghệ thuật đàn ca Huế, vinh danh các tài năng ca Huế.

Riêng đối với ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề nghị nên đưa chương trình dạy đàn ca Huế vào các trường Tiểu học, THCS. Nhạc viện Huế ngoài việc đào tạo ca sĩ, nhạc công còn có chương trình đào tạo thầy cô giáo dạy đàn ca Huế trong các trường Tiểu học, THCS. Phấn đấu một học sinh Huế ca được một bài ca Huế, một điệu hò, một điệu lý. Và cuối cùng đó là thành lập bảo tàng ca Huế; lập hồ sơ  để trình cơ quan UNESCO xin công nhận đàn ca Huế là di sản phi vật thể của nhân loại. 

Ngoài ra, để phát huy giá trị của ca Huế - đặc biệt là hành trình đưa ca Huế trở thành báu vật nhân văn sống của nhân loại, vấn đề chăm lo cho các nghệ nhân, nhạc công gắn trọn đời mình với "nghiệp ca Huế" được nhiều nhà nghiên cứu, người làm văn hóa quan tâm trao đổi trong hội thảo. 

Theo nhạc sĩ Trần Đình Sáng (nguyên Phó Giám đốc sở VH-TT Thừa Thiên Huế): Khi các giá trị truyền thống đã được nhà nước công nhận thì các giá trị đó là “ báu vật quốc gia”, các nghệ sĩ, nghệ nhân đầu ngành về bộ môn ca Huế cũng là “báu vật nhân văn sống”. Vì vậy họ cũng cần có những đãi ngộ xứng đáng.

Đây là những nghệ nhân, nghệ sĩ không có lương nhưng ngày đêm gìn giữ, bảo tồn các tinh hoa của nghệ thuật ca Huế. Theo đó, cần cho họ một thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp một khoản kinh phí nhất định hàng tháng. Đồng thời, nhà nước có thể đặt hàng các nghệ nhân truyền dạy ca Huế cho lớp trẻ dưới sự quản lý về chuyên môn của các cơ quan chức năng.

Cả tỉnh bàn chuyện bảo tồn ca Huế ảnh 2Cả tỉnh bàn chuyện bảo tồn ca Huế ảnh 3Cả tỉnh bàn chuyện bảo tồn ca Huế ảnh 4Cả tỉnh bàn chuyện bảo tồn ca Huế ảnh 5Cả tỉnh bàn chuyện bảo tồn ca Huế ảnh 6Cả tỉnh bàn chuyện bảo tồn ca Huế ảnh 7Cả tỉnh bàn chuyện bảo tồn ca Huế ảnh 8

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ