Người đam mê lưu giữ di sản văn hóa dân tộc

Người đam mê lưu giữ di sản văn hóa dân tộc

(GD&TĐ) - "Một chiếc rìu đá trên sườn núi Đọ, nhắc chúng ta tổ tiên xưa đã chế tác công cụ ở nơi này. Mỗi hoa văn trên trống đồng gợi cho ta buổi Hùng Vương bàn luận chính sự. Nâng thạp gốm Lê sơ còn nghe đâu đây tiếng Lê Lợi mài gươm. Năm tháng sẽ qua đi nhưng những di sản văn hoá sẽ trường tồn cùng đất nước". Đó là những chia sẻ của ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Hội Cổ vật và Di sản Lam Kinh, Thanh Hoá.

Nghệ nhân Thiều Quang Tùng (trái) và ông Hồ Quang Sơn - chủ tịch Hội Cổ vật Thanh Hoa - giới thiệu những chiếc trống vừa đúc để biểu diễn trong lễ hội Lam Kinh
Nghệ nhân Thiều Quang Tùng (trái) và ông Hồ Quang Sơn - chủ tịch Hội Cổ vật Thanh Hoa - giới thiệu những chiếc trống vừa đúc để biểu diễn trong lễ hội Lam Kinh

Từ đam mê sưu tầm...

Như một "nhân duyên tiền định", năm 1976 tại quê hương ông (Tĩnh Gia-Thanh Hóa), người ta làm một con đê chắn biển, ông xuống xem và thấy xuất hiện một số đồ vật cổ. Ông mang những đồ vật đó về nhà tự mày mò nghiên cứu. Là một kiến trúc sư, cộng với niềm yêu thích khám phá khoa học ông biết đó là những cổ vật quý nên giữ gìn cẩn thận.

Do thời kì biến động xã hội,  đời sống quá  khó khăn nên ông phải bán đi một số đồ vật cổ. Mỗi lần bán đi một cổ vật, trong lòng ông thấy rất tiếc. Ông nghĩ nếu cứ bán đi như thế này những cổ vật trong lòng đất sẽ dần mất đi. Mỗi cổ vật đều in dấu ấn sinh hoạt đời thường của mỗi triều đại ẩn hiện dưới lòng đất. Từ đó ông có ý thức trong việc giữ gìn nâng niu những hiện vật quý như giữ gìn nâng niu giá trị di sản..

...đến giữ gìn những cổ vật

Năm 2001 Luật Di sản văn hoá ra đời ông mạnh dạn tập hợp một số bạn bè có tâm huyết thành lập Hội cổ vật. Năm 2004 Hội cổ vật Thanh Hoá ra đời chỉ đứng thứ 2 sau Hội Thăng Long Hà Nội.

Từ khi ra đời, ngoài vấn đề sưu tầm, giao lưu trao đổi của một số nhà cổ vật, ông còn vận động anh em cố gắng lưu giữ lại những đồ vật cổ, nó là những nền văn hoá từ xa xưa của cha ông ta còn lưu lại đến ngày nay.

Trong quá trình sưu tầm, ngoài việc sưu tầm những đồ gốm, sứ, đồ thủ công... ông cùng mọi người bắt đầu sưu tầm những đồ đồng, bởi ông nhận ra Thanh Hóa ngày nay, vùng đất Cửu Chân xưa với lưu vực sông Mã là một trong những trung tâm thời đại kim khí, địa bàn trọng yếu của Quốc gia Văn Lang - Âu Lạc thời các vua Hùng, là một trong những trung tâm quan trọng trong việc chế tạo, sử dụng, giao lưu, trao đổi trống đồng cổ của Việt Nam.

Năm 2005 Hội di sản văn hoá Lam Kinh  thành lập, ông và một số anh em lưu giữ lại những cổ vật và thành lập bảo tàng cổ vật đầu tiên ở Việt Nam, đó là bảo tàng Cổ vật Hoàng Long, tại đây còn lưu giữ hơn 6.000 cổ vật, trong đó có 830 cổ vật đã được giám định, công bố niên đại.

Muốn khắc họa hồn dân tộc trên trống

Ngoài việc sưu tập, ông còn có gắng khôi phục lại nghề đúc đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống. Cuối năm 2005 Hội thảo về nghề đúc đồng truyền thống được các nhà khoa học đánh giá cao. Muốn tồn tại và phát huy ông hiểu hơn ai hết là phải thành lập trung tâm đúc trống đồng để tạo điều kiện duy trì hoạt động của Hội, đồng thời để đào tạo trực tiếp nghệ nhân đúc trống đồng phục vụ văn hoá của Sở. Bao năm qua, mặc dù không được nhà nước cấp ngân sách để đào tạo nghệ nhân, để xây dựng xưởng đúc đồng... nhưng hội vẫn hoạt động như một tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội viên tự tâm đóng góp.

“Mỗi một triều đại có một nền văn hóa đặc sắc riêng, nền văn hoá ấy vẫn còn lưu giữ trên những đồ vật có niên đại hàng nghìn năm. Thời đại Hồ Chí Minh ngoài dấu ấn của lịch sử, do quá trình phát triển của con người một số di tích đến miếu bị phá gần hết. ...tất cả sẽ trôi đi nếu chúng ta không biết nâng niu  và giữ gìn”. Xuất phát từ ý nghĩ đó ông Sơn lại cùng anh em có sáng kiến phát triển nghề đúc đồng truyền thống bằng cách đưa toàn bộ nền văn hóa  thời đại Hồ Chí Minh vào trống đồng. Nhìn vào trống đồng người xem có thể hình dung ra những sự kiện lịch sử, những giai đoạn của đất nước qua từng thời kì... Trăn trở suy nghĩ, ông đã cùng các hội viên quyết định sẽ khắc phục toàn bộ hình ảnh của Bác vào trống đồng để lưu giữ cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Với những đam mê và tâm huyết, ông cùng những nghệ nhân xứ Thanh đúc rất nhiều trống đồng, gửi tâm nguyện vào từng họa tiết hoa văn.

Năm 2011, kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ trở về nước lãnh đạo Đảng và nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp -Hướng tới kỉ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, ông cùng Hội di sản văn hóa Lam Kinh đúc thành công 1 chiếc trống đồng dâng tặng khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; 1 trống đồng tặng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng; 1 trống đồng tặng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp; 1 trống đồng dâng tặng khu di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc; 1 trống đồng cho quân và dân đảo Trường Sa, trên thân trống khắc họa hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khắc họa hình quê nội Kim Liên và hình cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan để nhắc nhở lớp lớp cháu con đấng sinh thành bậc vĩ nhân cho giống nòi dân tộc, khắc họa bến Nhà Rồng để ghi nhớ ngày Bác vượt trùng dương tìm đường cứu nước...

Hơn 30 năm làm công việc sưu tầm và nghiên cứu cổ vật  không hưởng một đồng thù lao, chỉ mong làm việc nghĩa để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hoá, ông Hồ Quang Sơn đã trở thành nhà nghiên cứu sở hữu một kho kiến thức đồ sộ về lịch sử, văn hoá các thời đại. Nhưng điều quý nhất ở ông chính là lòng đam mê và tâm huyết, trăn trở làm sao để trống đồng không chỉ xuất hiện trong nước mà còn phát triển ra nước ngoài để quảng bá văn hoá Việt Nam đến các bạn bè năm châu.

Năm 2010 Hội đã đúc một chiếc trống đồng có đường kính mặt trống 1,2m, chiều cao 1,0m, thân trống khắc họa 9 hình ảnh tiêu biểu nhất về cuộc đời hoạt động của Bác, trong đó có một hình ảnh Bác Hồ với Thanh Hoá dâng tặng Đảng và Nhà nước nhân dịp kỉ niệm 120 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch; tổ chức đúc thành công 102 chiếc trống đồng  tiến dâng đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội thông qua màn hợp xướng có tên gọi "Nổi trống Lạc Hồng - hào khí Thăng Long", trong đó có một chiếc trống đồng khắc họa 1.000 con rồng thời Lý tặng thủ đô Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi và 1 chiếc trống đồng tặng T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đấu giá ủng hộ "quỹ vì người nghèo" và nạn nhân chất độc màu da cam...


Trịnh Huyền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ