Lan tỏa hiệu quả mô hình song ngữ

GD&TĐ - Từ kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể rút ra bài học để xây dựng hệ thống học liệu điện tử song ngữ và môn học khác bằng tiếng Anh.

Lớp học của Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa. Ảnh: NTCC
Lớp học của Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa. Ảnh: NTCC

Từ đó tiến tới đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

Kinh nghiệm của Singapore

Tại Vĩnh Phúc, sau khi có Đề án Ngoại ngữ quốc gia, chất lượng dạy - học ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh chuyển biến rõ rệt. Ông Phạm Khương Duy - Phó Giám đốc sở GD&ĐT cho hay: Tỉnh xây dựng dự án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục, đào tạo giai đoạn 2021 – 2025”. Theo đó, sở GD&ĐT đưa hàng chục giáo viên tiếng Anh đạt 7.0 IELTS trở lên, đi đào tạo tại nước ngoài. Sau khi tập huấn, đội ngũ này đã phát huy tích cực, hiệu quả trong giảng dạy và bồi dưỡng cho giáo viên đại trà.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Khương Duy, để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, cần thay đổi tư duy, nhận thức về dạy và học bộ môn này. Nếu vẫn coi dạy - học tiếng Anh để thi, kiểm tra, đánh giá và học gì thi nấy sẽ khó đạt mục tiêu trên. Ngoài ra, chúng ta cần có môi trường để sử dụng và phát triển tiếng Anh. Cùng đó, cần chuyển giao kết quả các nghiên cứu về dạy học tiếng Anh trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ quốc gia vào thực tiễn và học tập kinh nghiệm quốc tế. “Dạy - học tiếng Anh cần liên tục và phải có nguồn lực hỗ trợ”, ông Phạm Khương Duy nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, ông Đỗ Đức Lân - Phòng Quản lý khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho hay, năm 1966, Bộ Giáo dục nước này quyết định sử dụng tiếng Anh là phương tiện giảng dạy trong các trường học.

Giai đoạn 1970 - 1980, Toán học và khoa học bắt đầu được giảng dạy chủ yếu bằng tiếng Anh ở Singapore. Từ năm 1990 đến nay, Singapore có chính sách giáo dục song ngữ; trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ chính và ngôn ngữ thứ hai (mẹ đẻ) trở thành nền tảng vững chắc cho sự thành công của đất nước này trong giáo dục và kinh tế.

Qua kinh nghiệm một số nước, ông Đỗ Đức Lân đề xuất, Việt Nam cần khuyến khích các trường có điều kiện triển khai mô hình song ngữ, sau đó lan tỏa hiệu quả đến các cơ sở giáo dục khác. Có thể xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng; đồng thời có lộ trình bắt đầu từ cấp mầm non, bắt buộc từ lớp 1 để học sinh làm quen với tiếng Anh trong các hoạt động giáo dục, môn học.

Ngoài ra, cần đào tạo giáo viên tại các trường đại học sư phạm hoặc thông qua chương trình liên kết, hỗ trợ nâng cao năng lực. Đội ngũ giáo viên trẻ có trình độ và chứng chỉ phù hợp, tích cực tự học, nâng cao năng lực. Bất cứ thầy, cô giáo nào cũng có thể tiếp cận tài liệu số mở. “Chúng ta có thể xây dựng một số chuyên đề giảng dạy theo trường, năm học. Động viên, khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia các cuộc thi Toán, Khoa học bằng tiếng Anh”, ông Đỗ Đức Lân gợi mở.

lan-toa-hieu-qua-mo-hinh-song-ngu-1-9764.jpg
Cần xây dựng cơ chế tài chính khuyến khích phát triển hệ thống học liệu số. Ảnh minh họa: TG

Giải pháp về học liệu số

Tại Hội thảo tổng kết các hoạt động nghiên cứu năm 2024 của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ quốc gia, TS Hà Thị Thúy - Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đã chia sẻ kết quả khảo sát về thực trạng triển khai hệ thống học liệu điện tử trong nhà trường.

Nhóm đã tiến hành nghiên cứu trực tiếp tại 33 trường phổ thông tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Sóc Trăng và TP Hà Nội. Nhóm nghiên cứu gián tiếp trên 1.600 cán bộ quản lý, trên 16.000 giáo viên và gần 9.600 học sinh của 47 tỉnh, thành phố trên cả nước.

TS Hà Thị Thúy thông tin, nghiên cứu tập trung khảo sát thực trạng hệ thống quản lý học tập (LMS), học liệu số (HLS) đang triển khai trong nhà trường theo Chương trình GDPT 2018 bằng tiếng Anh và tiếng Việt. LMS là nền tảng phần mềm hoặc công cụ trực tuyến được thiết kế để quản lý, phân phối và theo dõi các hoạt động học tập và đào tạo. Đồng thời, phục vụ hoạt động vận hành giáo dục trong nhà trường.

Từ kết quả khảo sát, TS Hà Thị Thúy đề xuất, cần rà soát và hoàn thiện văn bản pháp lý về hệ thống học liệu số. Theo đó, cần xây dựng quy hoạch hệ thống học liệu số trên toàn quốc, ban hành quy định phân loại và tiêu chí đánh giá, quy định về bản quyền và sở hữu trí tuệ, ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng hệ thống và chính sách hỗ trợ phát triển học liệu số.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế tài chính khuyến khích phát triển hệ thống học liệu số. Theo đó, cần khuyến khích và hỗ trợ từ Nhà nước, huy động sự đóng góp của nhà giáo, nhà khoa học và người học, xã hội hóa nguồn lực từ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ tiếng Anh, kỹ năng công nghệ thông tin cho giáo viên thông qua chương trình bồi dưỡng cho giáo viên.

Mặt khác, chú trọng xây dựng kho học liệu số phục vụ dạy Toán, Khoa học bằng tiếng Anh. Từ đó, phát triển nguồn học liệu số bám sát Chương trình GDPT 2018; đẩy mạnh hợp tác quốc tế phát triển tài nguyên học liệu số; phát triển nội dung học liệu số, xây dựng hạ tầng và bảo trì nâng cấp thường xuyên tài nguyên học tập, đáp ứng nhu cầu của nhà trường. “Triển khai hệ thống học liệu số trong dạy học phổ thông là xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cần có sự đầu tư và hỗ trợ từ nhiều phía để việc triển khai đạt hiệu quả”, TS Hà Thị Thúy nhấn mạnh.

Đề cập đến chính sách, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, giải pháp trọng tâm nằm ở giáo viên. Bản thân giáo viên tiếng Anh phải linh hoạt. Vấn đề còn lại là tạo môi trường, điều kiện để giáo viên phát triển năng lực, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Ngoài ra, các cấp quản lý cần tạo điều kiện, môi trường để khuyến khích phát triển tiếng Anh cho thầy - trò và trường học. Muốn vậy, cần thay đổi nhận thức trong dạy - học tiếng Anh. Cùng với nguồn lực sẵn có, chúng ta có thể đạt được mục tiêu từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

TS Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia nhận thấy, hầu hết cơ sở giáo dục mong muốn có năng lực tiếng Anh để tiếp cận với kho tri thức của nhân loại; đặc biệt tới đây tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ của lập trình, công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Hiện, giáo viên, học sinh, phụ huynh, rộng hơn là xã hội đã nhận thức rõ về vai trò quan trọng của tiếng Anh trong học tập, nghiên cứu và phục vụ cuộc sống, phát triển tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vở nhạc kịch 'Lửa từ Đất' công diễn từ 15/3. Ảnh: Bình Thanh

Công diễn nhạc kịch 'Lửa từ Đất'

GD&TĐ - Tháng Ba này, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ công diễn vở nhạc kịch “Lửa từ Đất” nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ đầu tiên của Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2025).