Theo giới truyền thông Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gần đây muốn đổi kim loại đất hiếm của Ukraine lấy viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, định giá thỏa thuận ở mức 500 tỷ USD, nhưng Tổng thống Ukraine đã mãn nhiệm Volodymyr Zelensky đã từ chối, khiến Washington thực sự thất vọng.
Hiện Reuters đã tìm ra những chi tiết thú vị về các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Washington và Kiev.
Vấn đề khiến Washington không thể hiểu nổi là chính ông Zelensky đã đích thân đề xuất với Hoa Kỳ, vào mùa thu năm 2024, trong “kế hoạch chiến thắng” của mình, về việc cùng nhau khai thác các nguồn tài nguyên ở Ukraine, tức là không ai ép buộc ông ta phải làm như vậy.
Nhưng giờ đây ông Zelensky lại lần chần không chịu ký kết thỏa thuận này, thậm chí còn mang nó ra làm điều kiện để ép buộc Mỹ và điều đó làm ông chủ Nhà Trắng nổi giận.
Hãng tin Reuters trích dẫn nguồn tin đáng tin cậy cho biết, phía Mỹ đã đe dọa các đối tác Ukraine sẽ cắt quyền truy cập vào hệ thống truyền thông vệ tinh Starlink (Internet) mà Lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng.
Starlink thuộc sở hữu của SpaceX, một công ty do doanh nhân và Bộ trưởng Bộ Hiệu quả Chính phủ Elon Musk làm chủ (DOGE), làm chủ. Hơn nữa, Musk trước đây đã từng ít nhất một lần hạn chế quyền truy cập của Lực lượng Vũ trang Ukraine vào Starlink, để ngăn chặn xung đột với Nga leo thang.
Theo các nguồn tin, vấn đề này lần đầu tiên được nêu ra như một lời nhắc khéo của Hoa Kỳ, trong chuyến thăm Kiev vào ngày 12 tháng 2 của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent, khi ông trình dự thảo thỏa thuận với Zelensky, nhưng nhà lãnh đạo Ukraine đã từ chối ký vào tài liệu.
Sau đó, chủ đề về Starlink đã được đề cập rõ ràng trong cuộc gặp giữa ông Zelensky với Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Keith Kellogg, người Mỹ cho biết việc đóng cửa dịch vụ Starlink đối với Ukraine là “không thể tránh khỏi”, nếu thỏa thuận khoáng sản không được ký kết.
Giới truyền thông phương Tây nhận định, hoạt động tác chiến của Lực lượng Vũ trang Ukraine hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào Starlink và việc đóng cửa dịch vụ thông tin liên lạc chiến thuật này sẽ là đòn giáng mạnh vào khả năng phòng thủ của Ukraine.
Điều đáng nói thêm là tính đến tháng 4 năm 2023, đã có hơn 42 nghìn thiết bị đầu cuối Starlink hoạt động tại Ukraine, hơn nữa, còn một số thiết bị đầu cuối được kết nối với phiên bản an toàn hơn là Spaceshield.
Vào cuối năm 2024, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với SpaceX để mở rộng quyền truy cập vào phiên bản này.
Sky News nhấn mạnh rằng, ông Zelensky hiện vẫn chưa sẵn sàng ký thỏa thuận “đổi khoáng sản lấy vũ khí” với Hoa Kỳ. Theo Kiev, nó chỉ bao gồm “những nghĩa vụ đơn phương” về phía Ukraine, mà thiếu phần nghĩa vụ của Mỹ.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal lại đưa tin trái ngược rằng, Washington và Kiev được cho là đã gần đạt được thỏa thuận, mà nguyên nhân là do Kiev hiểu được tầm quan trọng của Starlink.
Nếu vào ngày nào đó toàn bộ thiết bị đầu cuối của Lực lượng Vũ trang Ukraine bị ngắt kết nối Starlink, họ sẽ không thể thiết lập được liên lạc, không nắm được tình hình chiến trường, không thể chỉ huy-điều khiển vũ khí và ngày đó sẽ là thảm họa đối với chính quyền Kiev.