“Ngôi nhà” của những bạn trẻ người Mông ở Thủ đô

GD&TĐ - Tôi tình cờ đọc được status trên Facebook của Câu lạc bộ (CLB) Sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội chúc mừng ông Hầu A Lềnh - được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Chương trình “Tết Mông xuống phố” tại Hà Nội năm 2021.
Chương trình “Tết Mông xuống phố” tại Hà Nội năm 2021.

Lấp lánh sau những dòng chữ ấy, tôi cảm nhận được niềm tự hào và khát khao vươn lên để khẳng định tiếng nói của dân tộc mình nơi các bạn trẻ người Mông đang sinh sống, học tập tại Thủ đô.

Ra đời từ năm 2017, CLB là “ngôi nhà” gắn kết 30 thành viên để hướng đến những hoạt động có ích cho cộng đồng người Mông. 

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Từ Fanpage của CLB Sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội, tôi quen Lồ Thị Sáy (quê ở xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, Lào Cai). Sáy là Chủ nhiệm thứ 2 của CLB và em mới rời vị trí này từ ngày 18/7 khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Với những thành viên của CLB, Lồ Thị Sáy luôn là “chị cả”, “thủ lĩnh” tinh thần, gắn kết các thành viên với nhau. Cô gái có ngoại hình nhỏ nhắn, nụ cười rạng rỡ này sở hữu thành tích học tập “khủng”. Sáy cũng từng được nhận Học bổng Vừa A Dính và trở thành một trong những sinh viên Mông tiêu biểu ở Thủ đô.

Khi biết tôi muốn tìm hiểu về CLB, Sáy gửi cho tôi báo cáo tổng kết hoạt động CLB nhiệm kỳ 2020 - 2021 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2021 - 2022. Đó cũng là văn bản cuối cùng em soạn thảo trên cương vị Chủ nhiệm CLB. Báo cáo cho thấy, trong hai năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng CLB vẫn triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa với cộng đồng như “Tin học văn phòng”, “7 ngày thử yêu English”… nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng tin học, tiếng Anh cho các bạn sinh viên.

Hay các hoạt động cộng đồng, như “Tết Mông xuống phố” nhằm đưa đặc sản của người Mông xuống tiêu thụ ở Hà Nội để lấy tiền làm từ thiện trong “Hành trình về bản” tại thôn San 2, xã Hoàng Liên (thị xã Sa Pa)… Ngoài ra, CLB cũng thường xuyên đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ người Mông nói riêng và người dân tộc thiểu số nói chung mắc bệnh hiểm nghèo nhưng hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Sáy tâm sự, sinh viên người Mông học ở Hà Nội không hề ít nhưng lại không tập trung ở các trường đại học mà chủ yếu ở các trường cao đẳng, trung cấp. Vì vậy, để liên hệ được với các bạn là điều dễ dàng. Hơn nữa vì là dân tộc thiểu số lại có ngôn ngữ riêng nên phần lớn các bạn sống khá thu mình.

Nhưng với tinh thần của tuổi trẻ, với sự cháy lòng với dân tộc mình nên Sáy cũng như các thành viên trong CLB đã quyết tâm tìm kiếm, tập hợp và bồi dưỡng những người trẻ dân tộc mình sống ở Thủ đô để tạo nên một cộng đồng người có cùng chí hướng, khát khao cống hiến.

CLB tổ chức chương trình “Đông ấm” năm 2020 ở Sa Pa.

CLB tổ chức chương trình “Đông ấm” năm 2020 ở Sa Pa.

Chuyển biến nhận thức

Lồ Thị Sáy chia sẻ, điều mà em trăn trở nhất là làm sao có thể thay đổi một phần nhận thức của đồng bào mình. Thông qua các hoạt động của CLB, Sáy muốn lan tỏa thông điệp, thanh niên làm tình nguyện ở các bản làng heo hút, xa xôi không chỉ có người Kinh mà còn có người Mông. Điều đó sẽ là minh chứng để người dân bản địa thay đổi nhận thức, thúc đẩy việc họ cho con em mình đi học nhằm kiếm tìm một tương lai tốt đẹp hơn.

Tôi thấy được sự quyết tâm ấy cùng “ngọn lửa” cháy hừng hực trong con người Mùa Thị Ka (quê ở xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, Sơn La), sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội - đương kim Chủ nhiệm của CLB. Ka kể, hầu hết các CLB thiện nguyện đều có xu hướng trao tặng quà.

Những món quà ấy đều là những tài sản hao mòn theo thời gian, đồng thời việc làm ấy vô hình trung sẽ khiến bà con ỷ lại. Nên thay vì trao vật chất, CLB hướng tới thay đổi suy nghĩ của người dân. Ví như trong chuyến thiện nguyện ở thôn San 2 (xã Hoàng Liên) vừa qua, CLB đã lồng ghép việc giáo dục thay đổi nhận thức bằng các tiểu phẩm liên quan đến vấn nạn tảo hôn, buôn bán ma túy, nạn buôn bán người, vận động bố mẹ cho con cái đi học… thể hiện rõ nguyên nhân, hậu quả và đưa ra biện pháp khắc phục bằng tiếng dân tộc Mông (vì hơn 70% bà con ở đây không biết tiếng Kinh).

Mùa Thị Ka cũng cho biết, người Mông có suy nghĩ, con gái học xong sẽ không có việc làm và cũng không cũng giúp được gì cho bố mẹ nên thường không cho đi học và bắt ở nhà lập gia đình. Ka khơi lại câu chuyện của mình.

Em kể: “Khi em học lớp 12, mẹ cũng bắt em lấy chồng. Nhưng em không chịu và nghĩ mình phải đi học đại học chuyên ngành luật để bảo vệ được chính mình, sau đó có thể tuyên truyền pháp luật tới bà con. Việc em đi học cũng là “của hiếm” vì các bạn học hết lớp 12 ít lắm, chưa đếm hết trên đầu ngón tay, nói gì đến học đại học.

Các em gái ở quê khoảng 14, 15 tuổi đã phải làm mẹ nên đợt tới em sẽ cùng CLB về quê để tuyên truyền cho mọi người hiểu hơn về điều này. Mặc dù, em biết để thuyết phục họ thật không dễ nhưng chúng em sẽ kiên trì, cố gắng”.

Theo học chuyên ngành Luật tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, Hờ Bá Thành (quê ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) - Phó Chủ nhiệm CLB cũng có ước mơ đến với những vùng đồng bào Mông sinh sống để tuyên truyền pháp luật giúp bà con tránh được những tệ nạn, những lời dụ dỗ của kẻ xấu.

“Hoặc nếu sau này không trở thành luật sư, em mong muốn học thêm truyền thông và đa phương tiện để trở thành một nhà báo. Khi ấy em có thể thông qua những bài báo của mình để tuyên truyền đến bà con dân tộc mình được dễ dàng hơn”, Thành chia sẻ.

Chương trình tình nguyện “Mùa hè xanh” ở bản Khoang (Sa Pa) năm 2018.

Chương trình tình nguyện “Mùa hè xanh” ở bản Khoang (Sa Pa) năm 2018.

Thay đổi cuộc đời

Trò chuyện với nhiều thành viên trong CLB, điều mà tôi nhận thấy là họ rất tự tin trong giao tiếp và luôn tự hào khi nói về dân tộc mình. Ít ai biết, trước đây họ đều rất nhút nhát, ngại giao tiếp với người lạ.

“CLB Sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội đã thay đổi cuộc đời em”, tôi nhận được câu trả lời thẳng thắn của Xồng Bá Thành (quê ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tham gia CLB từ tháng 1/2019, với Thành, đó là thời gian đẹp nhất của quãng đời sinh viên. Giọng Thành hồ hởi: “Nhờ các anh chị trong CLB bồi dưỡng thêm các lớp tiếng Anh, tin học, kỹ năng mềm… cũng như được tham gia các hoạt động mà em luôn cảm thấy mình rất tự tin vào nhiều công việc để góp sức cho cộng đồng”.

Từ bé đã được nghe các bài ca về tình nguyện nên cậu sinh viên Luật Hờ Bá Thành đã sớm khao khát được trở thành một thanh niên tình nguyện, mang tinh thần của tuổi trẻ đến những bản làng xa xôi để làm điều gì đó giúp ích cho đồng bào.

“Tháng 6/2020, đọc được bài viết tuyển thành viên vào CLB, em đã nộp đơn và phỏng vấn. Trong thời gian đợi kết quả, em háo hức như đang chờ đợi kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia vậy. Từ lúc tham gia CLB, bản thân em đã thay đổi khá nhiều và học được rất nhiều, đó là những bài học về kỹ năng mềm, làm việc nhóm, biết về những hoạt động tình nguyện.

Từng là người có thể nói là kém về thuyết trình, nhưng khi trở thành thành viên chính thức của CLB, bản thân em đã mạnh dạn lên bảng thuyết trình, tự tin nói trước đám đông. Trong hành trình đồng hành cùng CLB, em thấy bản thân mình như lớn dần lên mỗi ngày”, Hờ Bá Thành xúc động kể lại.

“Chào đón tân sinh viên” năm 2020.

“Chào đón tân sinh viên” năm 2020.

Mong muốn kết nối, lan tỏa

Cũng theo Phó Chủ nhiệm CLB Sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội Hờ Bá Thành, trong thời gian tới, CLB mong muốn mọi người sẽ biết đến “ngôi nhà” của sinh viên Mông ở Hà Nội nhiều hơn. Bởi đây không chỉ là nơi kết nối, giúp đỡ sinh viên Mông mà còn có những hoạt động thiết thực giúp đỡ người Mông và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác. “Chúng em dự định tổ chức một số sự kiện thể dục thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền rồi tổ chức sự kiện “Chào tân sinh viên Mông” đang học tập ở Thủ đô.

Đặc biệt, CLB mong muốn được kết nối với các CLB sinh viên người dân tộc thiểu số khác để tạo nên cộng đồng sinh viên dân tộc thiểu số, từ đó có những học hỏi, sẻ chia những mô hình hay, cách làm sáng tạo áp dụng vào thực tế hoạt động của CLB mình. Cùng với đó, chúng em sẽ thúc đẩy những hoạt động gắn kết hơn nữa với các CLB sinh viên người dân tộc người Thái, Dao, Tày mà chúng em đang giữ mối liên hệ”, Hờ Bá Thành nhấn mạnh.

Chủ nhiệm CLB Sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội Mùa Thị Ka mong mỏi, mỗi thành viên trong CLB sẽ là một mắt xích nhỏ, kết nối với nhau để tạo ra sự gắn kết và sức lan tỏa rộng lớn hơn. Mùa Thị Ka trăn trở: “Hiện nay nhiều giá trị văn hóa của người Mông đang dần mai một bởi những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Đây là vấn đề lớn, mang tính lâu dài nên trong tương lai CLB muốn cùng chính quyền địa phương nơi có người Mông sinh sống sẽ khơi dậy lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong mỗi người dân mà trước hết là từ những người trẻ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.