Rửa bát thuê lấy tiền đi học
Khi trúng tuyển hai trường Đại học là Trường Đại học Nông Nghiệp 1 và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, anh Châu và gia đình mừng lắm. Ai nấy cũng mong anh học sư phạm vì nhà nghèo quá chẳng đủ nuôi con đi học xa nhà, học sư phạm để đỡ tốn chi phí.
Thế nhưng, ngay từ thời còn trẻ ấy, chàng thanh niên dân tộc Mông đã quyết tâm học nông nghiệp bởi với anh, việc đưa nông nghiệp tại quê hương mình phát triển cần phải có tri thức và cần am hiểu về nó. Thậm chí, bố anh còn không cho đi học bởi ông cho rằng học nhiều cũng không làm ra được thóc gạo để ăn, chỉ tốn tiền.
Anh Giàng Seo Châu kể lại: Bố tôi thấy tôi quyết tâm học đại học, bố ngăn dữ lắm, ông bảo rằng ở nhà lên nương rẫy, thồ ngô thóc ra chợ bán là có tiền, chứ đi học mấy năm lấy cái chữ cũng có quy được ra thóc gạo mà ăn đâu.
Tôi thương bố mẹ không được học nhiều nên khổ trăm bề, nghĩ vậy tôi càng vươn lên và nhất định phải học tiếp”
Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, đông con nên bố mẹ không có tiền cho con đi học trên Hà Nội, anh Châu đã phải làm thêm rất nhiều công việc để trang trải cuộc sống và chi phí học hành. Thậm chí, người thanh niên ấy còn đi rửa bát thuê, làm trong các trang trại nông nghiệp để có tiền.
Vất vả là vậy, nhưng chàng trai của xã Mản Thẩn vẫn giữ vững thành tích học tập và được nhà trường giữ lại công tác. Điều lạ là cơ hội mà bao nhiêu bạn trẻ mới ra trường đang mơ ước, chàng trai ấy lại từ chối. Anh vẫn ấp ủ từng ngày được đem kiến thức về phục vụ chính quê hương mình.
Đúng thời điểm ấy, khi Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo trên cả nước được triển khai, anh Châu tình nguyện xin tham gia và được chấp nhận.
Không chịu để bà con sống chung với nghèo!
Sau khi về công tác, Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu tiếp tục học cao học để nâng cao trình độ, sau đó được bổ nhiệm là Chủ tịch UBND. Với kiến thức được tích luỹ qua học tập, anh Châu đã ứng dụng ngay tại mảnh đất quê hương.
Ý thức được tầm quan trọng của việc học tập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mản Thẩn, Giàng Seo Châu luôn động viên các gia đình cho con em đi học, đồng thời tích cực động viên các thầy và trò bằng những buổi gặp gỡ, chia sẻ.
Anh nói: “Tôi đã thoát nghèo nhờ được đi học. Chính vì vậy, tôi cũng mong muốn nhiều thanh niên của quê hương tôi được tiếp tục đi học chứ không phải bỏ học sớm rồi tảo hôn và tiếp tục sống chung với cái nghèo mãi”.
Áp dụng những kiến thức học được gắn liền với thực tiễn, năm 2014, anh đưa cây tam thất về trồng tại xã Mản Thẩn, đây là loài cây hứa hẹn sẽ mang tới thu nhập hàng tỉ đồng từ việc sản xuất hoa và củ sau 3-4 năm. Anh cũng là người tạo ra mô hình trồng rau bắp cải, mô hình nuôi giống lợn đen bản địa ở Si Ma Cai phát triển tốt và được nhân rộng trong nhân dân…
Năm 2016, anh Giàng Seo Châu cùng nhân dân địa phương thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về diện tích trồng nông sản (lúa, ngô, giềng, gừng). Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.181,85 tấn tăng 91.4 tấn so với cùng kỳ năm 2015.
Sản lượng lương thực bình quân đầu người/năm là 614 kg tăng 47 kg so với 2015; thực hiện trồng rau tăng vụ được 20 ha rau các loại, xây dựng được hai mô hình trồng cây tam thất với diện tích 4.2 ha... từ đó nâng giá trị sản xuất bình quân 1 ha canh tác lên 34.5 triệu đồng; đưa thu nhập bình quân đầu người lên 22,04 triệu đồng.
Với những đóng góp cho địa phương và phong trào thanh niên tiên tiến, anh Giàng Seo Châu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016 bình chọn là một trong 10 tấm gương thanh niên tiêu biểu nhất.