Thầy cô thức khuya sửa đường đón học sinh dân tộc Mông ngày khai giảng

GD&TĐ - Sáng nay 5/9, hơn 300 học sinh Trường TH&THCS Hang Kia B (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) hân hoan dự lễ khai giảng bước vào năm học mới 2020-2021.

Học sinh lớp 1 hân hoan trong ngày khai giảng
Học sinh lớp 1 hân hoan trong ngày khai giảng

Bà Hà Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hang Kia B (huyện Mai Châu) chia sẻ: Năm nay nhà trường tuyển sinh 55 học sinh vào lớp 1, đều là học sinh dân tộc Mông. Năm nay tựu trường muộn, sát khai giảng nên khó tập trung học sinh. Mùa mưa đường sá đi lại rất khó khăn luôn là rào cản đối với tất cả các thầy cô nơi đây.

Khó khăn nhất là  các bé không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông. Cha mẹ học sinh thì không có thói quen mua sách vở, thiết bị, đồ dùng phục vụ học tập cho con. Vận động học sinh đi học đã rất khó, đảm bảo đủ điều kiện học tập cho các con còn gian nan hơn rất nhiều.

Các thầy cô giáo đón học sinh lớp 1
Các thầy cô giáo đón học sinh lớp 1

Học sinh lớp 1 năm nay được tỉnh mua hỗ trợ sách giáo khoa. Còn sách từ lớp 2 trở lên nếu thiếu thì nhà trường  mua bằng nguồn ngân sách chi thường xuyên. Thiết bị dạy học thì giáo viên đi xin từ nguồn xã hội hóa. Vượt qua rất nhiều khó khăn, đến nay, trường Trường TH&THCS Hang Kia B đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, sách giáo khoa, thiết bị dạy học, sẵn sàng cho năm học mới.

Đường đi đến Trường TH&THCS Hang Kia B, Hòa Bình đa phần là đường mòn, lại thường xuyên lầy lội vào mùa mưa, đi lại rất vất vả. Để đón học sinh trở lại trường, những ngày này, các thầy cô giáo ở đây phải thức khuya dậy sớm để sửa con đường đến trường cho các em. Tờ mờ sáng hoặc khi tối muộn, các thầy cô lại tranh thủ làm công việc này khi thời gian lên lớp chưa tới. Đây là một trong những công việc rất phổ biến ở các vùng núi cao thời điểm đầu năm học mới.

Lễ khai giảng ấm áp của học sinh trường TH&THCS Hang Kia B
Lễ khai giảng ấm áp của học sinh trường TH&THCS Hang Kia B

Xã Hang Kia là xã có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Tập quán sống du canh du cư, bố mẹ các em học sinh thường đi nương xa, đưa cả con theo. Bởi vậy, năm nào cũng thế, trước thời điểm năm học mới, các thầy cô ở đây phải đến tận những nương ruộng vận động và đưa các em đến trường.

Những con đường vận động học sinh ra lớp, con đường nào cũng khắc nghiệt vất vả. Trên những con đường này, có những câu chuyện của những người thầy cô. Vì khắc nghiệt như vậy nên ở đây thường thầy giáo nhiều hơn cô giáo.

Niềm vui lớn nhất của các thầy cô giáo là nhìn thấy các em đến trường, đưa các em từ lưng trâu đến trường. Dù khó khăn nhưng các thầy cô sẽ kiên trì bởi đó là sự nghiệp trồng người ở những vùng non cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.