6 năm ròng cùng cháu đi điều trị
Lớn lên nhờ đôi bàn tay chăm bẵm của ông bà, Thảo hiểu hơn ai hết những khó khăn, khi chăm sóc nuôi dưỡng một trẻ khuyết tật như Thảo. Tuy nhiên, sống trong tình yêu thương, sự chăm sóc của ông bà đã lấp đầy đi những khiếm khuyết không may mà tạo hóa mang đến.
“Tình yêu thương đó giúp em hiểu ra rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều bạn”, Thảo trải lòng.
Vì di chứng của bại não dẫn đến khả năng giao tiếp của Thảo bị hạn chế rất nhiều, cộng thêm cột sống bị cong vẹo, tứ chi vận động khó nên việc viết chữ bằng bút hay tham gia các hoạt động vận động chân tay, đi lại khó khăn, không nhanh nhẹn được như mọi người.
Để có thể đi lại và nói được như bây giờ lúc còn bé mỗi ngày ông ngoại Thảo phải vượt quãng đường hơn 30km đưa em đi tập vật lý trị liệu tại trung tâm khuyết tật ở thị trấn Núi Thành trong 6 năm liên tục.
“Có những ngày trời mưa lớn nước ngập đường, xe bị chết máy giữa đường ông ngoại phải dắt bộ nhưng ông vẫn không than phiền và chưa bao giờ để em phải vắng một buổi tập luyện nào cả. Ông ngoại em đã 64 tuổi lại mất sức lao động 81%, bà ngoại thì sức khỏe yếu, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào 2 sào ruộng nhưng ông bà vẫn chăm sóc và lo lắng chu đáo cho em", Thảo kể.
Những tưởng khó khăn chỉ dừng lại ở đó, nhưng năm lên lớp 10 bố mẹ em li hôn, ông bà ngoại Thảo đã đưa em trai của em về để chăm sóc. Bốn miệng ăn chỉ dựa vào hai sào ruộng cằn cỗi.
Hiểu và thấm được những vất vả của ông bà mình, Thảo đã cố gắng học tập để không phụ công ông bà nuôi dưỡng. Ngày cầm trên tay tờ giấy báo đỗ đại học, những cảm xúc vỡ òa, nhưng nỗ lực phấn đấu của mình và ông bà đã dần có quả ngọt.
Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu, nỗi lo về các khoản đóng học phí cho 4 năm đại học của Thảo lại đến.
“Ông bà già rồi, nên việc có tiền đi học 4 năm đại học là một thách thức. Thế nhưng may nắm đã mỉm cười với em khi nhận được học bổng Tiếp sức đến trường, đã giúp gia đình em giảm bớt được phần nào gánh nặng về học phí, em yên tâm chinh phục ước mơ của mình”, Thảo trải lòng.
Ước mơ mở lớp tin học miễn phí
Sinh ra vốn đã mang trong mình những khiếm khuyết không mong muốn, thế nhưng những lời trêu đùa vô tình của trẻ nhỏ đã không ít lần làm cho Thảo chạnh lòng.
Thảo nói: “Hồi bé, emđã ước những người xung quanh hãy có cái nhìn thân thiện, bao dung dành cho những người khuyết tật như em. Để chúng em có thể có đủ can đảm vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bởi có những công việc mà người thường không cần cố gắng thì người khuyết tật như em đã phải cố gắng đến 100 lần mới làm được”.
“Em nhớ mãi lúc em mới học lớp 1 việc viết chữ đối với em gặp muôn vàn khó khăn, bởi tay chân yếu nên em không cầm được bút. Có nhiều lúc bị bút cắm vào tay, máu chảy đau đớn nhưng em không hề nản chí. Những ngày mưa gió trở trời thì đầu em lại đau, tay chân co rút”, Thảo nhớ lại.
Để đến trường học hết những năm học phổ thông, rất nhiều lần Thảo đang học bị ngất xỉu tại lớp vì kiệt sức. Hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng hiểu được tình thương bao la của ông bà em vẫn quyết chí học tập để không thua kém các bạn.
Được biết, sau khi tốt nghiệp đại học Thảo dự kiến xin vào một công ty phần mềm làm việc, có nguồn thu nhập để tự lo được cho bản thân cũng như phụng dưỡng ông bà ngoại, giúp cho em trai được vào đại học.
“Sau đó, em muốn mở một lớp tin học miễn phí dạy cho trẻ em nghèo và khuyết tật ở quê. Bởi quê em còn nghèo, nhiều em không có điều kiện để tiếp cận tin học thực sự rất thiệt thòi”, Thảo chia sẻ.