Nam Phi: Sinh viên thờ ơ trước Omicron

GD&TĐ - Nam Phi là quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận biến chủng mới Omicron. Trong đó, nhiều ca nhiễm là sinh viên tại các trường đại học lớn.

Sinh viên Nam Phi tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Sinh viên Nam Phi tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Nhưng thay vì lo lắng về mức độ nghiêm trọng của biến chủng mới, sinh viên Nam Phi tập trung mối quan tâm vào các kỳ thi và kế hoạch nghỉ lễ.

Tại Trường Đại học Công nghệ Tshwane (TUT), tại thủ đô Pretoria, sinh viên hiện đang học trực tiếp. Giữa khuôn viên xanh rợp bóng cây, những người trẻ tụ tập trò chuyện, vui chơi hoặc cùng nhau làm bài tập. Hầu hết, đều đeo khẩu trang, song số ít tỏ ra bàng quan trước quy định này. Tương tự, nhiều người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin trong khi không ít sinh viên bài xích phương pháp này.

Tờ báo Reuters đã phỏng vấn khoảng 30 sinh viên nhà trường nhưng tất cả chỉ bày tỏ lo ngại về việc học tập trung bị gián đoạn. Tất cả đều thống nhất rằng, sự bùng phát của biến chủng mới không phải mối lo hàng đầu trong tình hình hiện nay.

Anh Nqubeko Chisale, 21 tuổi, sinh viên ngành Quản lý, cho biết: “Biến thể Omicron khiến chúng tôi bối rối nhưng theo nghĩa là nó khiến các lớp học tập trung phải chuyển sang trực tuyến. Như vậy, việc học tập của chúng tôi lại rơi vào khó khăn như khi Covid-19 mới xuất hiện. Nếu học online, nhiều sinh viên không có Internet. Tôi muốn được học trực tiếp với giáo viên trong lớp”.

Các nhà khoa học tại Nam Phi và trên thế giới đang đánh giá mức độ ảnh hưởng của Omicron lên cơ thể người bệnh, đặc biệt trong trường hợp cơ thể đã được tiêm vắc-xin. Cùng với đó, Chính phủ Nam Phi khuyến khích người dân tích cực tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Dữ liệu ban đầu cho thấy, người trẻ tuổi xuất hiện những triệu chứng nhiễm bệnh nghiêm trọng hơn người lớn tuổi. Tuy nhiên, số liệu chính thức cũng chỉ ra thanh thiếu niên là đối tượng ít được tiêm chủng nhất. Tại Nam Phi, chỉ 1/5 người trong độ tuổi từ 18 - 34 được tiêm vắc-xin.

Thừa nhận nằm trong nhóm đông chưa tiêm vắc-xin, anh Chisale cho biết: “Tôi đã nghe nhiều người bảo sau khi tiêm xong, cơ thể sẽ phản ứng với thuốc như bị đau đầu, nhức mỏi cơ… Do đó, tôi chưa sẵn sàng. Dù Omicron xuất hiện, tôi tạm thời chưa muốn thay đổi quyết định của mình”.

Còn chị Sinethemba Nkosi, 20 tuổi, sinh viên ngành Điều dưỡng kể đã cùng nhiều bạn bè bỏ qua thông tin sai lệch trên mạng xã hội để tham gia tiêm vắc-xin. Một số người bạn của chị Nkosi chưa muốn tiêm dù biến chủng mới đang lan rộng.

“Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của tôi hiện nay là các kỳ thi có thể bị lùi lịch do xuất hiện biến chủng mới. Đây là điều tôi không mong muốn nhất lúc này vì tôi đã chuẩn bị kỹ càng cho các kỳ thi, tôi không thể tiếp tục chờ đợi”, chị Nkosi cho biết.

Anh Thato Letsholo, sinh viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng, lo lắng chia sẻ: “Tôi hiểu rằng, Omicron đang đe dọa cuộc sống của chúng tôi nhưng điều tôi lo lắng nhất lúc này là phải học trực tuyến. Nếu trường học lại đóng cửa, việc học tập của tôi sẽ bị trì hoãn. Tình huống xấu nhất là tôi không thể tốt nghiệp đúng thời hạn”.

Đến nay, ước tính 14,8 triệu người dân Nam Phi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, chiếm 1/4 dân số cả nước. Nước này cũng đang triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

GD&TĐ - Bài thơ của tác giả Chu Hồng Tiến để lại trong lòng người đọc cảm giác buồn xao xuyến khi nhận ra giữa người với người luôn luôn có 'khoảng cách'...