"Nghề dọn dẹp hiện trường" không còn là cụm từ xa lạ với nhiều người. Thoạt nhìn, người ta sẽ cho rằng công việc chỉ đơn giản là dọn dẹp tử thi hay lau sạch những nơi có vết máu… Thế nhưng, công việc này lại phức tạp hơn những gì chúng ta biết rất nhiều.
Nhiệm vụ của những nhân viên dọn dẹp hiện trường là làm sạch và khôi phục trạng thái của nơi xảy ra vụ án lại như ban đầu.
Để hoàn thành việc dọn dẹp hiện trường, người trong nghề phải trải qua một khóa huấn luyện. Họ được cung cấp những kiến thức về cách xử lý hiện trường khi xảy ra các vụ giết người, tự tử hay tai nạn...
Thậm chí, trước khi bước ra ngoài thực tế, họ sẽ phải thực hành dọn dẹp những hiện trường án mạng giả.
Dân trong nghề gọi vui đây là nghề dọn dẹp "bữa tiệc của Tử thần".
Mặc dù là nghề không yêu cầu bằng cấp nhưng không phải ai cũng có thể làm được công việc này. Một người dọn dẹp hiện trường cần phải trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết và liên quan đến một vụ án.
Quan trọng hơn, họ luôn phải giữ cho tinh thần ổn định, sự can đảm, khả năng phục hồi khi bị "chấn thương" tâm lý bất chấp nơi cần xử lý sẽ phải kinh khủng đến mức nào. Hiển nhiên đây không phải công việc dành cho người "yếu tim".
Do đặc thù công việc, nhân viên dọn dẹp hiện trường án mạng phải đối mặt với những vết máu loang lổ hay giòi bọ trên tử thi hàng ngày. Không chỉ vậy, ruồi nhặng bám đầy hay dịch cơ thể tiết ra thu hút ký sinh trùng hay sinh vật gặm nhấm cũng là vấn đề.
Tệ hơn cả chính là mùi tử khí phát ra từ cơ thể người chết. Điều này có thể khiến cho những người dọn dẹp bị nhiễm khí độc, gây ra các vấn đề về đường hô hấp. Vậy nên, họ đều phải trang bị đồ bảo hộ và mặt nạ phòng độc trong suốt quá trình làm việc.
Một nhân viên dọn dẹp hiện trường đang lau dọn vũng máu loang lổ.
Họ dọn sạch những đồ vật bị vứt lộn xộn hay vết máu trên sàn nhà.
Việc lau dọn hiện trường khá đa dạng. Không chỉ có hiện trường những vụ giết người, tai nạn hay tự tử là cần được xử lý, trường hợp những người già sống một mình rồi qua đời, một thời gian sau mới được phát hiện cũng không phải hiếm. Lúc này thi thể đã bị phân hủy đến nỗi gần như không thể nhận dạng.
Thường thường, đội dọn dẹp sẽ mất hai ngày để tẩy uế và khôi phục lại nơi xảy ra án mạng. Tuy nhiên, với những trường hợp kinh khủng hơn thì có khi phải mất tới 4 ngày thì cả đội mới dọn dẹp xong được.
Nếu muốn trở thành một người dọn dẹp hiện trường tội ác thì bạn nhất định phải có một cái dạ dày thật khỏe nếu không bạn sẽ muốn ói mửa bất cứ lúc nào.
Họ phải dọn dẹp nhiều vết máu bám vào đồ vật, tường nhà.
Trung bình, một nhân viên dọn dẹp hiện trường án mạng được trả vài trăm USD cho một giờ làm việc. Theo Chicago Tribune, tiền công dọn sạch hiện trường của một vụ giết người hay tự tử có thể dao động từ 1500-3000 USD tùy mức độ.
Nghiêm trọng hơn, khi xử lý hiện trường một vụ xả súng hay tự tử tập thể, những nơi bị thiệt hại về cơ sở vật chất, chi phí có thể lên đến hàng chục nghìn USD. Một năm một nhân viên dọn dẹp hiện trường có thể kiếm tới 1 triệu USD. Trong quá trình dọn dẹp, những nhân viên này có thể tìm ra những vật chứng mà các nhân viên điều tra đã bỏ sót.
Ở Việt Nam, lau dọn hiện trường chưa thực sự là một nghề nghiệp. Công việc này thường được giao cho các nhân viên vệ sinh môi trường hoặc đích thân người nhà của nạn nhân xử lý.
Nhìn chung, việc dọn dẹp hiện trường án mạng không thật sự mới mẻ nhưng cũng có thể nói đây là một công việc đa dạng, liều lĩnh, thậm chí là "điên rồ".