Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 10/2025/TT-BGDĐT ngày 12/6/2025, quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền địa phương hai cấp đối với giáo dục phổ thông.
Cụ thể, về tổ chức thực hiện quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường THCS: Thẩm quyền cấp giấy giới thiệu chuyển trường đối với cấp THCS do Chủ tịch UBND cấp xã nơi đi thực hiện. Thẩm quyền tiếp nhận, giới thiệu về trường nơi cư trú, kiểm tra hồ sơ theo quy định do UBND cấp xã trường nơi đến thực hiện. Thẩm quyền xem xét, quyết định trường hợp ngoại lệ về thời gian chuyển trường đối với cấp THCS do Chủ tịch UBND cấp xã nơi đến thực hiện.
Các nội dung Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền thực hiện gồm: Thành lập trường tiểu học, trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS loại hình tư thục quy định tại Thông tư số 40/2021/TT- BGDĐT ngày 30/12/2021; công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường đối với trường tiểu học, trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS loại hình tư thục quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BGDĐT;
Công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đối với trường tiểu học, trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS loại hình tư thục; thành lập Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THCS, quyết định công nhận tốt nghiệp, công bố danh sách học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS, tổ chức cấp phát bằng tốt nghiệp cho học sinh được công nhận tốt nghiệp.
Các nội dung do UBND cấp xã thực hiện liên liên đến: Tổ chức thực hiện quy định giáo dục hoà nhập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; quản lý, tổ chức thực hiện chi trả học bổng và hỗ trợ chi phí mua phương tiện, đồ dùng học tập dùng riêng cho người khuyết tật theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC; chỉ đạo các nhà trường trên cùng địa bàn nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh; tổ chức thực hiện đánh giá học sinh tiểu học trên địa bàn; chỉ đạo hiệu trưởng tổ chức thực hiện đánh giá, nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục và theo dõi, kiểm tra, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đánh giá học sinh tiểu học.
UBND cấp xã cũng có thẩm quyền: Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện đánh giá học sinh THCS; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục sử dụng sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), số theo dõi và đánh giá học sinh (của giáo viên), học bạ học sinh; hướng dẫn sử dụng dạng hồ sơ điện tử; kiểm tra, giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định đánh giá học sinh THCS;
Thẩm quyền quản lý trường tiểu học và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các loại hình trường, lớp tiểu học; quản lý trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS; thẩm quyền quản lý trường phổ thông dân tộc bán trú; thẩm quyền quản lý trường phổ thông dân tộc nội trú THCS; thực hiện quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên;
Thẩm quyền quản lý trường tiểu học, trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS loại hình tư thục quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BGDĐT; thẩm quyền xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; tham mưu UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, kinh phí để đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; rà soát hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục cấp tiểu học và THCS; xét công nhận tốt nghiệp THCS.
Thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra, quản lý việc tổ chức dạy học và giáo dục học sinh khuyết tật (đối với cả loại hình công lập và tư thục); bố trí biên chế và kinh phí để tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, viên chức đối với vị trí việc làm khác, lao động hợp đồng, đầu tư cơ sở vật chất (đối với loại hình công lập) của trường có lớp giáo dục chuyên biệt còn lại quy định tại Điều 28 và Điều 29 Thông tư số 27/2024/TT-BGDĐT do UBND cấp xã thực hiện.
Thẩm quyền quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn; xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm; thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường do UBND cấp xã thực hiện.
Thẩm quyền thành lập Hội đồng tuyển sinh THCS, phê duyệt kế hoạch tuyển sinh THCS, phê duyệt danh sách trúng tuyển (trừ các trường THCS thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu) do Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện. Thẩm quyền chỉ đạo, quản lý công tác tuyển sinh THCS do UBND cấp xã thực hiện.
Thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra, quản lý việc tổ chức dạy học và giáo dục học sinh khuyết tật (đối với cả loại hình công lập và tư thục); bố trí biên chế và kinh phí để tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, viên chức đối với vị trí việc làm khác, lao động hợp đồng, đầu tư cơ sở vật chất (đối với loại hình công lập) của: Trường giáo dục chuyên biệt, trường có Lớp giáo dục chuyên biệt cấp THPT hoặc có Lớp giáo dục chuyên biệt học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT do UBND cấp tỉnh thực hiện.
Xem chi tiết quy định trong Thông tư số 10/2025/TT-BGDĐT TẠI ĐÂY.