Sắp xếp lại giang sơn

GD&TĐ - Hôm qua, 30/6, là thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc, bởi cả nước chính thức đồng loạt công bố vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Để chuẩn bị cho “ngày lịch sử” này, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực tối đa trong việc chuẩn bị các cơ sở, điều kiện cần thiết, trong đó quan trọng nhất là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi gồm 7 chương, 54 điều làm cơ sở cho Chính phủ cũng như các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để triển khai việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7.

Luật cũng đã hoàn thiện các nguyên tắc về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp giữa Trung ương với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương một cách khoa học, đồng bộ, thống nhất.

Phân định rõ thẩm quyền giữa tập thể của UBND và cá nhân Chủ tịch UBND. Qua đó tạo điều kiện để xây dựng một cơ chế điều hành linh hoạt, hiệu quả, khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.

Đặc biệt, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định về trao quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong trường hợp cần thiết thì được trực tiếp chỉ đạo giải quyết, điều hành vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan cấp dưới, với mục tiêu là không để việc giải quyết các công việc cũng như thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp bị trì trệ, ùn tắc, kém hiệu quả.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, Luật đã thiết kế lại toàn diện nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, cấp tỉnh tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, các vấn đề có tính chất liên vùng, liên cấp xã, vượt quá năng lực giải quyết của cấp xã, đòi hỏi chuyên môn sâu và đảm bảo tính thống nhất trên toàn cấp tỉnh.

Cấp xã là cấp tổ chức thực hiện chính sách từ Trung ương và cấp tỉnh; tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền cấp xã.

Tuy nhiên, với khoảng hơn 100 nhiệm vụ của cấp huyện được chuyển về tỉnh, gần 600 nhiệm vụ của cấp huyện được chuyển về xã, Chính phủ sẽ phải ban hành 25 nghị định để triển khai Luật nhằm kịp thời phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương theo mô hình tổ chức mới - sẽ là khối lượng công việc rất lớn phải thực hiện một cách quyết liệt để không đứt quãng.

Sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức lại bộ máy nhằm hướng đến ba mục tiêu là tạo không gian phát triển mới, từ đó tạo động lực mới và nguồn lực mới; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; cắt bỏ các khâu trung gian, rườm rà, các thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, để bộ máy vận hành hiệu quả hơn.

Thế nhưng, quá trình thực hiện, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sẽ có vô vàn khó khăn, rào cản, trong đó lớn nhất là thay đổi tư duy, thói quen, nếp nghĩ đã ăn sâu. Vì vậy phải xóa bỏ tư duy cục bộ, địa phương, đề cao tinh thần “đất nước là quê hương”, vượt lên chính mình vì sự phát triển, vì mục tiêu cao nhất của cuộc cách mạng lần này là củng cố độc lập dân tộc, ổn định chính trị để phát triển, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Đặc biệt, như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm thì quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính Nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, chúng ta đang đứng trước vận hội lớn. Mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân đều là một mắt xích quan trọng trong guồng quay cải cách mạnh mẽ này. Mỗi người dân Việt Nam, trong nước hay ở nước ngoài, đều có vai trò và trách nhiệm công dân trong việc đưa đất nước đi lên, vượt qua khó khăn, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, làm chủ tương lai của chính mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trái cây cũng chứa một lượng nước nhất định. (Ảnh: ITN)

Có nên uống nước sau khi ăn trái cây?

GD&TĐ -Trái cây chứa một lượng nước nhất định. Do đó, nhiều người băn khoăn rằng uống nước sau khi ăn trái cây có cần thiết hay thậm chí là lành mạnh không?