Lực lượng lao động có xu hướng giảm
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), vấn đề việc làm đã chịu tác động nghiêm trọng mà thị trường lao động phải gánh chịu do Covid-19. Số liệu mới nhất cho thấy thời giờ làm việc toàn cầu đã sụt giảm 8,8% trong năm vừa qua so với quý IV năm 2019. Con số này gấp khoảng bốn lần mức độ tổn thất về thời giờ làm việc trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Mức độ sụt giảm về giờ làm việc này bao gồm cả số giờ làm việc bị giảm của những người vẫn có việc làm và những trường hợp bị mất việc. Riêng mức độ mất việc làm đã ở mức “chưa từng có tiền lệ”, với 114 triệu người.
Điều này có nghĩa là người lao động rời bỏ thị trường lao động do họ không thể làm việc. Vì vậy, nếu chỉ xét đến chỉ số mức độ thất nghiệp thì không thể đánh giá đầy đủ được tác động khủng khiếp mà Covid-19 gây nên đối với thị trường lao động. Những thiệt hại vô cùng lớn này khiến thu nhập từ lao động trên toàn cầu giảm 8,3% trước khi có các biện pháp hỗ trợ.
Covid-19 cũng làm thay đổi đáng kể nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong năm 2020. Theo Bộ LĐ-TB&XH, thị trường lao động có nhiều biến động, lực lượng lao động có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương giảm.
Ông Lê Trung Thành, Giám đốc một đơn vị cung ứng nhân lực, cho biết: “Trong thời điểm nền kinh tế bị tác động bởi Covid-19, mọi người có xu hướng do dự vấn đề thay đổi nghề nghiệp. Một số lao động có mức thu nhập giảm một nửa cũng băn khoăn chuyện nhảy việc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan tâm hơn đến vấn đề ổn định và đảm bảo trong công việc. Trong khi tương lai ở công ty mới còn mơ hồ, việc ở lại nơi ở hiện tại dường như là lựa chọn hợp lý hơn”.
Tác động của Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được thu nhập cho lao động như giai đoạn trước. Sau Tết là thời điểm người lao động thường “nhảy việc” để tìm kiếm những cơ hội và trải nghiệm mới. Thế nhưng, dịch Covid-19 tái bùng phát đã khiến cánh cửa tuyển dụng cũng trở nên hẹp hơn, tỉ lệ công nhân nhảy việc, chuyển công ty giảm mạnh.
Cân nhắc việc dịch chuyển
Chị Nguyễn Thu Hà – công tác trong lĩnh vực tổ chức sự kiện và truyền thông chia sẻ: “Trước đây, thu nhập của tôi là hơn 20 triệu đồng/tháng. Ảnh hưởng của dịch bệnh nên các đơn hàng không có nhiều, các khoản thu nhập đều giảm một nửa. Mặc dù vậy, tôi vẫn không nghĩ đến chuyện nhảy việc vì cho rằng đây là tình hình chung. Chưa kể đến việc phải làm việc tại môi trường mới như thế nào cũng không ai nắm rõ được. Vì thế, dù lương thấp hơn nhưng tôi vẫn chọn phương án an toàn là làm việc tại nơi mình đã nắm rõ về nó để chờ đợi những khởi sắc.
Một số chuyên gia cho biết, tình trạng dịch chuyển lao động sau Tết tại một số nơi không tăng đột biến như những năm trước. Phần vì e ngại tâm lý làm quen môi trường mới, phần vì người lao động mất việc, thất nghiệp do Covid-19 khá lớn nên họ an phận giữ lại công việc hiện tại cho an toàn. Chưa kể đến các chính sách, chế độ đãi ngộ cho người lao động ở cơ quan mới chưa chắc đã khấm khá hơn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế.
Đối với những ai đang có ý định thay đổi công việc, ông Lê Trung Thành lưu ý nên thận trọng hơn khi đưa ra quyết định. “Ngoài những mối quan tâm thường gặp như chế độ, thu nhập, văn hóa hay chỉ tiêu công việc, bạn cũng nên quan tâm đến chiến lược kinh doanh, những hướng đi mới của doanh nghiệp sau đại dịch cũng như các chính sách hỗ trợ nhân viên. Ở một mức độ nhất định, những yếu tố này sẽ quyết định liệu bạn có thể phát triển sự nghiệp và gắn bó với công việc mới hay không” – ông Thành nói.
Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nhận định, thị trường lao động đang phục hồi theo xu hướng tích cực. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại khó kiếm việc của người lao động trong giai đoạn này vẫn còn rất cao. Vì vậy, tỉ lệ lao động dịch chuyển nghề nghiệp thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.
Thực tế, việc dịch chuyển đến nơi làm việc có điều kiện tốt hơn và thu nhập cao hơn là nhu cầu thiết yếu của người lao động. Nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được thu nhập cho lao động như giai đoạn trước, khiến người lao động băn khoăn chuyện có nên nhảy việc.
Ông Đồng Văn Ngọc cho biết: “Bất cứ người lao động nào đều mong muốn có thu nhập cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát, các doanh nghiệp tích cực kinh doanh sản xuất, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, tốt hơn cho người lao động. Đây cũng là nguyên nhân khiến người lao động có xu hướng nhảy việc nhất là ở nhóm lao động trẻ”.
Cũng theo ông Ngọc, người lao động cần phải nghiên cứu thật kỹ, cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định nhảy việc vì công việc mới có thể không đem lại mức thu nhập như công việc cũ, chưa kể đến thời gian để làm quen với môi trường, tiến độ công việc cũng như những áp lực về chỉ tiêu.
Theo đó, người lao động cần phải tìm những việc làm phù hợp, linh hoạt và đa dạng hóa bản thân, bổ sung đầy đủ kỹ năng và kiến thức để nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.