Coi trọng thưởng Tết
Theo các trung tâm nghiên cứu thị trường lao động, doanh nghiệp muốn giữ chân lao động, nâng cao chất lượng cạnh tranh thì phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng so với sự cống hiến của NLĐ.
Theo báo cáo “Phúc lợi và thưởng Tết năm 2019” được Navogos Group công bố dựa trên kết quả khảo sát ý kiến của gần 500 chuyên gia nhân sự đến từ các doanh nghiệp và 3.400 người tìm việc mới đây cho thấy NLĐ rất coi trọng thưởng Tết và điều này ảnh hưởng lớn tới tâm lý làm việc và sự gắn bó của họ với doanh nghiệp.
Kết quả báo cáo cho thấy, khi được hỏi về việc không được thưởng Tết, thì có tới 1/4 số lao động tham gia khảo sát cho biết, họ sẽ nghỉ việc và tìm nơi khác có phúc lợi tốt hơn; 82% lao động cho biết sẽ kiến nghị doanh nghiệp về thưởng Tết như đúng mong đợi; 27% cho biết sẽ nghỉ việc và xin việc nơi khác có mức thưởng Tết tốt hơn; 55% lựa chọn sẽ cùng đồng nghiệp kiến nghị doanh nghiệp phải thưởng Tết.
Theo ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc của Navogos Group, thị trường lao động Việt Nam đang ngày một trưởng thành hơn, song song với đó bản chất các công việc cũng dần bị thay đổi bởi tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này dẫn tới sự thay đổi quan điểm về các gói phúc lợi của NLĐ.
Thay vì mong nhận được gói phúc lợi chỉ liên quan đến chế độ lương thưởng hấp dẫn như những năm trước, năm 2019 NLĐ đã có sự thay đổi hoàn toàn về tốp 3 các gói phúc lợi bao gồm: Việc kiểm tra sức khỏe, các hỗ trợ về công cụ làm việc và các chương trình đào tạo.
“Việc khảo sát định kỳ trong nội bộ rất cần thiết để doanh nghiệp có cải thiện tốt hơn các gói phúc lợi. Bên cạnh đó, mỗi ngành, nghề có những mong đợi khác nhau về phúc lợi, chính vì vậy các doanh nghiệp hãy sáng tạo trong việc xây dựng các gói phúc lợi nhằm hỗ trợ tối ưu nhất với đặc thù mỗi ngành, không nên quá rập khuôn với thị trường mà không có sự đổi mới…” - ông Gaku Echizenya nói.
Giữ chân bằng đãi ngộ
Tình trạng NLĐ bỏ việc, nhảy việc sau Tết những năm gần đây đã giảm rất rõ rệt, có được điều này là do doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp chăm lo đời sống một cách tốt nhất nhằm giữ chân họ.
Ông Đặng Văn Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần Tuấn Phát (KCN Bắc Thăng Long) - cho biết: Công ty đã có nhiều hoạt động để giữ chân công nhân từ trước Tết, đặc biệt là luôn chú trọng lương thưởng, hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho công nhân.
Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, công ty đã có chính sách thưởng Tết theo thâm niên và thưởng chuyên cần nhằm khuyến khích công nhân trở lại làm việc đúng hẹn. Chẳng hạn, việc thưởng Tết sẽ chia làm nhiều mức, cụ thể những công nhân đã gắn bó với công ty từ 1 - 3 năm được thưởng theo hệ số lương cơ bản mà công nhân đang được hưởng; từ 3 - 5 năm được thưởng gấp 1,5 lần và thưởng gấp đôi đối với những công nhân có thâm niên từ 5 năm trở lên... đây là cách tốt nhất để giữ chân NLĐ.
Ngoài ra, những công nhân quê ở xa công ty bố trí xe đưa đón trước và sau Tết, tạo điều kiện thuận lợi để công nhân về quê đón Tết. Đồng thời, đây cũng là động lực để NLĐ tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp và đi làm đầy đủ vào đầu năm mới.
Trong ngày đi làm đầu tiên sau Tết, lãnh đạo công ty đến từng phân xưởng chúc Tết và tặng quà cho công nhân nhằm động viên tinh thần làm việc đầu xuân thêm phấn khởi.
Chị Nguyễn Thu Lan, công nhân Công ty cổ phần Tuấn Phát cho biết: Tôi đã làm việc tại công ty được hơn 5 năm, ngoài chế độ chi trả lương, tiền ăn ca, các khoản phụ cấp khác của công ty đối với NLĐ rất tốt. Ngoài ra, công ty còn có nhiều hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho NLĐ như tổ chức các dịp lễ 8/3, 20/10… Còn các dịp Tết Nguyên đán, ngoài lương, thưởng, quà Tết, công ty còn có xe đưa công nhân về quê và đón lên làm việc sau Tết.
Cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đa dạng hóa các dịch vụ phúc lợi xã hội, chăm lo đời sống thiết thực cho NLĐ đang là những biện pháp được nhiều chủ doanh nghiệp áp dụng để giữ chân công nhân. Cách làm này đã giúp giảm rõ rệt tình trạng lao động nghỉ việc, bỏ việc sau Tết…