Công tác này được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện bồi dưỡng về chương trình mới cho giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán, đại trà. Nhà xuất bản có trách nhiệm bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa (SGK) cho giáo viên trong cơ sở giáo dục sử dụng sách do nhà xuất bản đó phát hành.
Theo Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tổ chức bồi dưỡng cho hơn 30.000 giáo viên cốt cán; hơn 4.000 hiệu trưởng cốt cán. Việc bồi dưỡng được thực hiện theo mô hình 5 - 3 - 7 (5 ngày nghiên cứu trước tài liệu, 3 ngày bồi dưỡng trực tiếp, 7 ngày bồi dưỡng qua mạng).
Các sở GD&ĐT chủ trì tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ đại trà theo mô hình tự học qua LMS kết hợp sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường với sự hỗ trợ của các cốt cán, giảng viên sư phạm. Triển khai bồi dưỡng đại trà được thực hiện theo phương thức thường xuyên, liên tục, tại chỗ với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Tập huấn SGK mới là trách nhiệm của các nhà xuất bản. Từ khi triển khai chương trình mới, các nhà xuất bản đã tích cực phối hợp với sở GD&ĐT tổ chức tập huấn giáo viên sử dụng SGK. Tại đây, thầy cô học tập, chia sẻ, trao đổi về mục tiêu, cấu trúc, nội dung SGK; dự giờ và phân tích video bài dạy minh họa; thảo luận về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục; hướng dẫn kiểm tra, đánh giá hoạt động học của học sinh...
Sau khi hoàn thành nội dung tập huấn, giáo viên được giao nhiệm vụ làm bài tập thực hành, nghiệm thu kêt quả bồi dưỡng. Thuận lợi là giáo viên được tiếp cận sớm với bản mẫu để nghiên cứu góp ý SGK mới, sau đó lại nghiên cứu để lựa chọn sách, nên đã có những nắm bắt ban đầu về các bộ sách mới.
Tuy nhiên, cũng còn giáo viên có tâm tư sau mỗi đợt bồi dưỡng sử dụng SGK. Việc sử dụng chủ yếu là hình thức trực tuyến, mỗi môn học chỉ tập huấn nửa ngày đến 1 ngày/một SGK.
Nhiều ý kiến cho rằng, với thời gian này, báo cáo viên sẽ khó truyền tải hết vấn đề, đặc biệt là môn học có thời lượng tiết lớn, nhiều kiến thức mới. Chưa nói, tập huấn cần tương tác qua lại để báo cáo viên có thể trả lời những băn khoăn, khúc mắc từ người học… Chất lượng bồi dưỡng SGK bởi thế vẫn là một vấn đề đang được đặt ra với các nhà xuất bản.
Đòi hỏi hình thức bồi dưỡng phù hợp, thời lượng đáp ứng yêu cầu, báo cáo viên đủ số lượng và bảo đảm chất lượng là chính đáng. Nhà xuất bản với trách nhiệm của mình cần lắng nghe ý kiến thầy cô, rút kinh nghiệm từ những đợt tập huấn trước để có cải tiến phù hợp. Nhưng, một bàn tay không làm nên tiếng vỗ, cần cả sự vào cuộc tích cực của các sở GD&ĐT, đặc biệt là sự nghiêm túc, trách nhiệm của chính những người được bồi dưỡng.
Về phía sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022 - 2023 được lồng ghép trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên, là một phần trong tổng thời lượng 120 tiết theo quy định. Điều này nên được tiếp tục thực hiện.
Với thầy cô, chắc chắn không chỉ mong chờ vào chương trình bồi dưỡng của các nhà xuất bản. Hiện tài liệu hướng dẫn sử dụng SGK, các bài dạy mẫu, các học liệu bổ trợ liên quan khi sử dụng SGK đã được số hóa. Đội ngũ chuyên gia, cốt cán sẵn sàng hỗ trợ. Trên cơ sở đó, tự học, tự bồi dưỡng là phương thức tốt nhất để giáo viên tiến bộ, trưởng thành, đáp ứng được yêu cầu mới.