Lan tỏa bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục mầm non mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, cần sự chủ động của mỗi giáo viên trong công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.

Cô Trần Thị Hiền Hòa và các "học trò nhí" của mình trong một hoạt động giáo dục ngoài trời.
Cô Trần Thị Hiền Hòa và các "học trò nhí" của mình trong một hoạt động giáo dục ngoài trời.

Chủ động nâng cao năng lực, nhận thức

Năm học 2022-2023, huyện Lý Nhân (Hà Nam) có 761 giáo viên mầm non; trong đó 93,16% giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên. Việc triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới được dự báo có nhiều thuận lợi, khi toàn huyện có 22/22 trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó 77,2% trường đạt chuẩn mức 2. Điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng các yêu cầu thực hiện đổi mới giáo dục.

Gần 20 năm trong nghề, cô Trần Thị Hiền Hòa – giáo viên Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam) – cho biết, cô chủ động tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên mầm non; đồng thời tự bồi dưỡng nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực sư phạm. Cô Hòa hoàn toàn tự tin và sẵn sàng đón nhận những đổi mới của giáo dục mầm non.

Qua tìm hiểu cô Hòa nhìn nhận, Chương trình giáo dục mầm non mới cần kế thừa và phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành để cơ sở dễ thực hiện và tiếp tục phát triển. Do đó việc tập huấn bồi dưỡng, tự bồi dưỡng đối với mỗi giáo viên là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với thực tiễn khách quan.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung (đứng thứ hai từ trái qua phải) trong một khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non tham gia Khóa tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung (đứng thứ hai từ trái qua phải) trong một khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non tham gia Khóa tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Cũng từ nhận thức trên, cô Nguyễn Thị Mỹ Dung chuyên viên phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) nhấn mạnh, cần giúp cán bộ quản lý các nhà trường, giáo viên mầm non trong và ngoài công lập nâng cao nhận thức, năng lực về quản lý, tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Từ đó, kịp thời tiếp cận và vận dụng linh hoạt phương pháp giáo dục vào thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện cụ thể của trường, lớp, địa phương.

Theo đó, cô Dung đã hướng dẫn các trường trên địa bàn về các hoạt động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; kế hoạch hoạt động nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hoạt động giáo dục trẻ em trong nhóm, lớp.

Đảm bảo tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua hoạt động vui chơi và bằng nhiều cách khác nhau, phù hợp với nhu cầu của trẻ. Tạo hứng thú và khả năng của trẻ. Môi trường giáo dục trong nhà trường và các nhóm, lớp trong và ngoài công lập mang tính “mở”, kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ. Từ đó, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động chơi và trải nghiệm đa dạng.

Tiếp cận với đổi mới trong giáo dục mầm non

“Tôi cũng chủ động tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng. Sau khóa tập huấn, tôi đã học thêm kĩ thuật tổ chức dạy học tích cực vào tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn một cách phù hợp. Biết nhiều phần mềm để hỗ trợ đồng nghiệp phát triển chuyên môn, linh hoạt qua các hình thức gián tiếp cũng như phát triển năng lực ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên” – cô Dung trao đổi.

Từ kinh nghiệm của mình, cô Dung chia sẻ, cô đã khảo sát các trường xem giáo viên cần hỗ trợ bộ môn nào, lĩnh vực nào? Sau đó lên kế hoạch và lựa chọn nội dung cốt lõi để bồi dưỡng cho giáo viên cả lí thuyết lẫn thực hành nhằm đạt kết quả cao nhất.

Theo TS Chu Thị Hồng Nhung - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chúng ta đã có Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025. Đề án này tạo nhiều cơ hội cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, các giảng viên ở trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên mầm non được học hỏi, tiếp cận với các vấn đề đổi mới trong giáo dục mầm non.

Từ đó giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, các giảng viên ở các trường cao đẳng, đại học có đào tạo giáo viên mầm non nâng cao nhận thức; đồng thời có thể áp dụng những điểm mới và những đổi mới trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

TS Chu Thị Hồng Nhung làm báo cáo viên tại Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán khu vực phía Bắc.

TS Chu Thị Hồng Nhung làm báo cáo viên tại Khóa Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán khu vực phía Bắc.

TS Chu Thị Hồng Nhung nhìn nhận, thời gian qua, các hoạt động bồi dưỡng đã lan tỏa sâu rộng đến đội ngũ giáo viên cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên, lãnh đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non. Tất cả các đối tượng trên đều được tham gia vào các hoạt động bồi dưỡng.

“Theo tôi, đây vừa là cơ hội để học hỏi, vừa để đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên, lãnh đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non được giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm” - TS Chu Thị Hồng Nhung nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025” kèm theo Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 với Mục tiêu chung “Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non”.

Tại Quyết định số 437/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới sau năm 2020, Bộ đã có Kế hoạch tổ chức tập huấn hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo dục mầm non triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới. Những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non đều nhằm mục đích đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.