Chăm lo đời sống nhà giáo:

Mong muốn của nhà giáo trước yêu cầu đổi mới

GD&TĐ - Thầy cô cần tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để có thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học, phát triển nghề nghiệp.

Cô Tô Thị Hương Giang và học trò trong giờ học.
Cô Tô Thị Hương Giang và học trò trong giờ học.

Đổi mới giáo dục, triển khai chương trình mới khi cơ sở vật chất và nhân lực còn thiếu, bên cạnh nỗ lực của bản thân, thầy cô cần tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để có thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học, phát triển nghề nghiệp.

Điều kiện “cần”

“Thái độ của người học, sự trân trọng mà xã hội dành tặng cũng quyết định lớn đến việc gắn bó với sự nghiệp giáo dục của các nhà giáo” - thầy Nguyễn Văn Định chia sẻ.

Trong bối cảnh đổi mới GDPT, giáo viên là lực lượng nòng cốt đóng vai trò quan trọng làm nên thành công của công cuộc đổi mới. Trong 2 năm học vừa qua, là những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ giáo dục, dạy học sách giáo khoa mới, giáo viên phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Chia sẻ điều này, cô Trần Thị Cẩm Vân, giáo viên Trường THCS Yersin (Nha Trang, Khánh Hòa), cho rằng: Chương trình GDPT 2018 là một chương trình “mở”. Tính “mở” của chương trình chỉ có ý nghĩa khi nhà trường, giáo viên chủ động sáng tạo thực hiện dưới sự chỉ đạo thống nhất hướng tới mục tiêu đã được quy định. Chính vì thế, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới, ngoài việc thay đổi nhận thức, tư tưởng, có cách nhìn tích cực về đổi mới giáo dục, thầy cô cần phát huy vai trò tự chủ trong chuyên môn.

“Theo tôi, đây là điều quan trọng. Bởi khi người thầy hiểu được vai trò của mình sẽ mạnh dạn, tự tin, vận dụng linh hoạt, sáng tạo hiệu quả nhiệm vụ, giảm thiểu áp lực, lo lắng hay những ảnh hưởng khác về tinh thần. Trên nguyên tắc bảo đảm yêu cầu, nội dung cốt lõi trong giáo dục, người giáo viên có quyền quyết định nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động, xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) sao cho phù hợp với môi trường dạy học, nhu cầu và khả năng tiếp thu của học sinh” - cô Trần Thị Cẩm Vân làm rõ.

Bên cạnh đó, thầy cô cũng cần mạnh dạn thay đổi hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Tự liên hệ để khắc phục các thói quen dạy học bị động (nếu có). Trong tổ chức dạy học, cần chú trọng rèn luyện cho học sinh các kỹ năng: Tự ghi bài; tự học; học hợp tác với nhóm, giáo viên; kỹ năng trao đổi, chia sẻ với bạn, với lớp; biết đặt câu hỏi tại sao; biết tự tìm tòi, vận dụng kiến thức, mạnh dạn tham gia vào quá trình học; biết cách tự đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm phát triển năng lực tự học...

Với vai trò của người gợi mở, chỉ đạo, hướng dẫn, trọng tài…, giáo viên cần có sự dẫn dắt, khuyến khích, động viên học sinh tham gia vào quá trình học nhằm xây dựng lớp học dân chủ, cộng tác cùng tiến bộ, một môi trường học tập thân thiện - cộng đồng học tập.

Đối với kiểm tra đánh giá, theo cô Trần Thị Cẩm Vân, cần thay đổi quan điểm, quán triệt đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh. Mỗi kết quả sau khi kiểm tra đều phải giúp cho học sinh cảm nhận rằng mình học được nhưng vẫn còn nuối tiếc, cần phải cố gắng hơn. Do đó, giáo viên chủ động thiết kế đề kiểm tra định kỳ của mỗi lớp học sao cho phù hợp nhất với nội dung dạy học, đặc điểm học tập của học sinh.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, cô Trần Thị Cẩm Vân cũng nhấn mạnh việc giáo viên nên chủ động phối hợp, tham gia vào các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học của trường, tổ, cụm trường. Nghiên cứu kỹ cấu trúc của sách giáo khoa mới để có những thiết kế dạy học phù hợp với mục tiêu của chương trình, đặc trưng môn học, yêu cầu cần đạt của mỗi bài học, tránh áp lực dạy học nặng về kiến thức theo cách học trước đây. Cuối cùng, là một nhà giáo dục đồng thời là người xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường, người thầy cần mạnh dạn, thẳng thắn tham mưu, đề xuất với nhà trường những ý kiến liên quan đến đổi mới giáo dục.

Là người trong cuộc, cô Tô Thị Hương Giang, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình) thấm thía những áp lực, cũng như yêu cầu với nhà giáo, đặc biệt trong bối cảnh mới. Từ kinh nghiệm bản thân cô cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới chương trình GDPT, giáo viên cần tích cực tự học, tự bồi dưỡng và tham gia bồi dưỡng theo yêu cầu một cách hiệu quả.

Từ đó, đổi mới phương pháp dạy học, cách thức dạy học và áp dụng kỹ thuật công nghệ vào giảng dạy nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh, hướng tới kết quả đầu ra để phát triển năng lực, phẩm chất người học, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Giáo viên cũng rất cần cập nhật, nắm chắc các văn bản chỉ đạo để triển khai cho đúng hướng.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thùy Trang, giáo viên Trường THPT Mỹ Quý (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), chia sẻ: Giáo viên phải tự nghiên cứu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn theo quy định của sở, ngành, đơn vị mình công tác. Việc luôn biết cách tự làm mới mình, thay đổi phương pháp dạy học phù hợp với từng người học là yêu cầu với mỗi nhà giáo.

TS Lê Thị Kim Anh, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình ETEP, phát biểu tại một hội thảo liên quan đến bồi dưỡng giáo viên.

TS Lê Thị Kim Anh, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình ETEP, phát biểu tại một hội thảo liên quan đến bồi dưỡng giáo viên.

Tâm tư người trong cuộc

Cùng với yêu cầu đặt ra với bản thân để tự nỗ lực, mong muốn của cô Tô Thị Hương Giang là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Cô cho rằng, làm được điều này cũng là nâng cao chất lượng chuyên môn, giảng dạy và chất lượng học tập của học sinh. Theo đó, cán bộ quản lý giáo dục cần xây dựng kế hoạch theo lộ trình, có tầm nhìn chiến lược, năng động, sáng tạo và trình độ chuyên môn vững vàng. Tăng cường kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để đáp ứng yêu cầu giáo dục nhà trường theo hướng phát triển công nghệ 4.0.

Để giáo viên có thể dạy học đáp ứng yêu cầu mới, cô Tô Thị Hương Giang cũng bày tỏ yêu cầu trang bị cơ sở vật chất, tài liệu dạy học phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng yêu cầu theo chương trình mới. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên về phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng chuẩn mới của người học. Tăng cường kết hợp 3 bên: Nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục học sinh. Nhà trường, giáo viên cần lập kênh thông tin hai chiều, đối thoại cụ thể về chương trình dạy học mới với cha mẹ học sinh để cùng kết hợp giáo dục trẻ phát triển toàn diện, tránh sự phó thác tất cả cho thầy cô, nhà trường.

Còn cô Trần Thị Cẩm Vân thì mong các cấp quản lý tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để giáo viên có thể triển khai đổi mới một cách thoải mái, nhẹ nhàng và hiệu quả nhất. Trong đó có việc tinh giản các loại hồ sơ sổ sách; giảm thiểu cuộc họp không cần thiết, công việc đột xuất… giúp giáo viên có thời gian nghiên cứu chuyên môn, xây dựng kế hoạch bài dạy. Cần có chương trình tập huấn về phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá; đặc biệt, có hướng dẫn cụ thể về Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đồng bộ trong cả nước.

Thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá giáo viên trong thời gian này - kiểm tra để giúp đỡ, hướng dẫn, giúp giáo viên thực hiện giảng dạy, giáo dục một cách tốt nhất. Mục tiêu chính của hoạt động kiểm tra, giám sát để phát hiện vấn đề, thảo luận, góp ý, chứ không phải là nhằm kiểm soát và ra lệnh. Càng không nên xác định mục tiêu chính của kiểm tra, giám sát là phát hiện, xử lý kỷ luật người có sai phạm, thiếu sót.

Một vấn đề cũng được cô Cẩm Vân nhấn mạnh là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, trách nhiệm giám sát và giải trình; xây dựng văn hóa thân thiện, cởi mở, mọi người sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng tiếp thu các góp ý để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết. Thay đổi phong cách quản lý, người quản lý gương mẫu đi đầu trong đổi mới, truyền cảm hứng và tạo động lực cho giáo viên thực hành đổi mới, phát huy tự chủ trong công việc nhưng không tuỳ tiện.

Việc phân công trách nhiệm cần dựa trên chức trách của mỗi người, mỗi tập thể; đồng thời quan tâm đến khả năng, nguyện vọng chính đáng của từng cá nhân. Hoạt động kiểm tra nội bộ phải kịp thời phát hiện, động viên, nâng đỡ các nhân tố tích cực. Làm sao những cố gắng đổi mới ban đầu dù “vạn sự khởi đầu nan”, “ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng ngay” không bị phê phán mà được góp ý để không bị thui chột và sẽ “đơm hoa, kết trái” thành công.

Giáo viên hỗ trợ nhau tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn.

Giáo viên hỗ trợ nhau tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn.

Bảo đảm chính sách, nhu cầu phát triển nghề nghiệp

Nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, thầy Nguyễn Văn Định, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: Để giáo dục phát triển thì việc quan tâm tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo luôn là yêu cầu quan trọng bậc nhất.

Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đang đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó có việc xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, tác động của nền kinh tế thị trường, sự biến đổi nhanh chóng của thế giới và những yếu tố khách quan khác… cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác phát triển đội ngũ nhà giáo. Một trong những câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để nhà giáo toàn tâm, toàn ý, hết lòng, hết sức với sự nghiệp của mình?

Trả lời câu hỏi này, theo thầy Nguyễn Văn Định, trước hết cần quan tâm khâu tuyển chọn những người có tâm huyết, tấm lòng với giáo dục, năng lực để bồi dưỡng thành nhà giáo. Khi có tấm lòng, người giáo viên sẽ luôn tìm các giải pháp để phát triển nghề nghiệp và gắn bó lâu dài với nghề. Xây dựng chiến lược từng bước tuyển chọn những người giỏi nhất vào ngành sư phạm. Khi có thầy giỏi, sẽ có trò giỏi, giáo dục sẽ đạt hiệu quả cao.

Nghề giáo được xác định là nghề cao quý nhất, là lao động có tính chất đặc thù so với các ngành nghề khác. Do đó, cần có chế độ tiền lương, đãi ngộ tương ứng với tính chất nghề nghiệp. Cần bảo đảm nhà giáo có thu nhập đủ sống để an tâm công tác trước khi gắn bó lâu bền với nghề. Thêm vào đó, sự động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để nhà giáo nâng cao năng lực chuyên môn, thể hiện tài năng của mình cũng là yếu tố quan trọng để nhà giáo yêu mến và hết lòng vì nghề nghiệp.

Có thời gian 5 năm làm việc với chương trình phát triển giáo viên, TS Lê Thị Kim Anh - chuyên gia của Bộ GD&ĐT - đã trực tiếp trao đổi, lắng nghe những mong muốn của thầy cô trên nhiều tỉnh, thành. Từ quá trình này, TS Lê Thị Kim Anh nhận thấy đội ngũ cơ bản tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh. Những thầy cô đã hoàn thành 6 mô-đun bồi dưỡng về triển khai Chương trình GDPT 2018 cơ bản tự tin thực hiện chương trình…

Để có thể đáp ứng yêu cầu mới, TS Lê Thị Kim Anh cho biết, một số lượng lớn giáo viên bày tỏ nguyện vọng được trang bị kỹ năng để hiểu học sinh nhiều hơn. Cụ thể là hiểu về sự phát triển, đặc điểm tâm sinh lý, tư duy, khác biệt về năng lực, sự thay đổi hàng ngày của học sinh… để phục vụ dạy học cá nhân hóa, tiếp cận từng cá nhân và đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện mỗi người học.

Cùng với đó, thầy cô cũng mong muốn được trang bị thêm kỹ năng “đọc” và sử dụng kết quả đánh giá học sinh để hỗ trợ các em phát triển tốt hơn, toàn diện hơn cả trong học tập, ham muốn học hỏi, khỏe mạnh hạnh phúc.

“Đây là điều đáng mừng, thể hiện vai trò của giáo viên rộng hơn, không chỉ dạy học, hỗ trợ phát triển thành tích học tập tốt hơn, mà còn chăm sóc toàn diện hơn cho người học, thể hiện tinh thần đổi mới lấy “người học làm trung tâm”” - TS Lê Thị Kim Anh nhận định.

Chia sẻ liên quan đến những điều kiện cần giúp thầy cô phát triển nghề nghiệp, làm tốt công việc của mình, TS Lê Thị Kim Anh nhắc đến đầu tiên là lương, thu nhập giáo viên phải được cải thiện. Khi thầy cô đủ trang trải cuộc sống, không phải quá lo lắng chuyện cơm ăn, áo mặc hàng ngày, mới có thể dành tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh.

Ngoài ra, do nhu cầu dạy học cá nhân hóa nên sĩ số lớp không thể quá đông, vì có như thế giáo viên mới quan tâm được đến từng học sinh. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng cần được cải thiện, đáp ứng yêu cầu dạy học cá nhân hóa và phát triển toàn diện cho học sinh cả kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tinh thần và thể chất…

“Tôi cũng mong không nên quy hết trách nhiệm giáo dục cho giáo viên. Công tác giáo dục cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Tránh gây áp lực quá nặng nề cho thầy cô, khiến họ trở nên cô đơn và không thực hiện được quyền giáo dục của mình. Phụ huynh cần chú ý đến sự phát triển năng lực của con em trong từng thời điểm, hơn là đánh giá con em mình thông qua điểm số của các bài kiểm tra”, cô Trần Thị Cẩm Vân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.