Áp lực giảm khi đời sống tinh thần nhà giáo được chăm lo

GD&TĐ - Ngoài thu nhập, nhà giáo cũng cần được chăm lo về đời sống tinh thần. 

Giáo viên và trẻ Trường Mầm non Tả Thanh Oai A (Thanh Trì, Hà Nội).
Giáo viên và trẻ Trường Mầm non Tả Thanh Oai A (Thanh Trì, Hà Nội).

Để mỗi thầy cô hạnh phúc khi đến trường, tự tin đổi mới sáng tạo, rất cần sự vào cuộc của lãnh đạo nhà trường, Công đoàn Giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

Thấu hiểu giáo viên

Nhiều năm gắn bó với giáo dục mầm non, cô Trịnh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non 3, phường 3, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long), thấu hiểu những vất vả của đội ngũ. Đó là thời gian dài làm việc trong ngày; tối về soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học; chưa kể các hoạt động phong trào, lễ hội và sự kiện tổ chức cho trẻ…

Áp lực không chỉ công việc chuyên môn, mà còn là chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ; áp lực từ phụ huynh, rồi đời sống vì lương thấp… Tại Trường Mầm non số 3, do cả phường chỉ có 1 trường nên sĩ số trẻ đông, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, giáo viên vì thế vất vả hơn.

Thấu hiểu điều đó, cô Trịnh Thị Thủy cho biết, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên động viên tinh thần; kịp thời tuyên dương thầy cô tâm huyết với nghề, giới thiệu các cấp khen thưởng. Nhà trường phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực và luôn quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các cô. Điều đặc biệt quan trọng là bảo đảm thực hiện kịp thời các chế độ chính sách cho đội ngũ, như nâng lương, chế độ thai sản, ốm đau…

Phối hợp với công đoàn thăm hỏi, động viên giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; tham mưu để cấp Mái ấm Công đoàn cho giáo viên chưa có nhà ở. Tổ chức những chuyến tham quan, nghỉ dưỡng hè, sân chơi vui và bổ ích nhân Ngày 20/10, 20/11, 8/3… cho đội ngũ.

Chia sẻ về hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho đội ngũ giáo viên, cô Ngô Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên), đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Công đoàn trường. Theo đó, Công đoàn phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của đội ngũ; tham mưu chính quyền tạo điều kiện cho giáo viên có năng lực dự thi cao học; vận động thầy cô tích cực đẩy mạnh phương pháp dạy học mới, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy. Hiện, 100% giáo viên của trường đã soạn giảng bằng máy tính, các tiết thao giảng dạy bằng giáo án điện tử và báo cáo chuyên đề đều sử dụng chương trình PowerPoint.

Quan tâm thực hiện các chế độ chính sách cho giáo viên là vô cùng quan trọng. Nhấn mạnh điều này, cô Ngô Thị Quyên cũng cho biết, Trường THPT Gang Thép luôn bảo đảm chế độ cho đội ngũ theo quy định về nâng lương, tiền thừa giờ, công tác phí, chế độ bảo hiểm, nghỉ dưỡng sức, chế độ lương, các khoản phụ cấp khác theo lương, chế độ theo Nghị định 16 và 09, chế độ theo Nghị định 132 của Thủ tướng Chính phủ…

Đồng thời, nhà trường cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, như mua sắm trang thiết bị, sách tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập… Công đoàn trường cũng làm tốt công tác thăm hỏi, phát huy tinh thần “tương thân tương ái” trong đoàn viên lao động; xét trợ cấp khó khăn cho công đoàn viên; có chế độ hỗ trợ các công đoàn viên bị nhiễm Covid-19…

“Có thể nói, thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, giáo viên, người lao động đã góp phần tích cực ổn định tư tưởng, giúp đội ngũ yên tâm công tác, ngày càng gắn bó với nhà trường, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đổi mới sự nghiệp giáo dục” - cô Ngô Thị Quyên khẳng định.

Các thầy cô Trường THPT Gang Thép, Thái Nguyên.

Các thầy cô Trường THPT Gang Thép, Thái Nguyên.

Tiết kiệm chi thường xuyên, quan tâm đời sống đội ngũ

Tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, Trưởng phòng GD&ĐT Phạm Văn Ngát cho biết đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng nội quy, quy chế chi tiêu nội bộ cho năm học mới. Các đơn vị xây dựng tiết kiệm chi thường xuyên, quy chế khen thưởng và thưởng hàng tháng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhằm tạo động lực phấn đấu thi đua trong đội ngũ. Các nhà trường thưởng cho cán bộ, giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ 50.000 - 100.000 đồng/tháng.

Cùng với đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời, minh bạch các chế độ chính sách của Nhà nước đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục như nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn, phụ cấp thâm niên… Công đoàn nhiều trường có hoạt động thiết thực, như tổ chức sinh nhật cho đoàn viên theo tháng, quý; hàng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên với kinh phí từ 300.000 đến 700.000 đồng. Nhà giáo khó khăn, công đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ kinh phí từ 500.000 - 1.000.000 đồng…

Ông Vũ Trọng Đại, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Thái Bình, khẳng định: Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và được Công đoàn Giáo dục quán triệt đến các cấp Công đoàn trong toàn ngành.

Tại Thái Bình, nhiều đơn vị thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, xây dựng quy chế khen thưởng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Công đoàn nhiều trường tổ chức hoạt động thiết thực như tổ chức sinh nhật cho đoàn viên; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ…

Các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được coi trọng. Trong năm học 2021 - 2022, Công đoàn Giáo dục tỉnh Thái Bình đã trao quà cho 486 công đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 3 cán bộ, nhà giáo, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; thăm hỏi, tặng quà 78 cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn dịp Tháng Công nhân; hỗ trợ xây nhà Mái ấm Công đoàn cho 2 nhà giáo...

Bên cạnh nhiều thành quả đã đạt được, ông Vũ Trọng Đại cũng cho biết còn nhiều vấn đề đặt ra: Thu nhập của nhiều nhà giáo, nhất là người mới ra trường, giảng dạy một số môn đặc thù, công tác tại vùng xa trung tâm còn thấp, chênh lệch với đồng nghiệp. Năng lực chuyên môn, ứng xử sư phạm của đội ngũ chưa đồng đều. Áp lực công việc, do tác động từ xã hội và mạng xã hội; vấn đề cân bằng tâm lý khi đối diện với áp lực công việc của mỗi cá nhân; hoạt động của các đơn vị chưa thật đều tay…

“Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, Công đoàn ngành Giáo dục Thái Bình sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đội ngũ” - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Thái Bình khẳng định.

Ông Vũ Trọng Đại cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học và cho biết, tại Thái Bình, vấn đề này tiếp tục được mở rộng, đi vào thực chất. Nhờ đó, các công đoàn cơ sở đã làm tốt công tác tham gia quản lý, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, không có đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, góp phần quan trọng xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong đơn vị và nền nếp kỷ cương trong công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.