Thu nhập từ đồng lương của giáo viên:

Làm thế nào để trang trải cuộc sống?

GD&TĐ - Với nhiều giáo viên ở thành phố, nếu không dạy thêm thì lương cũng đồng thời là thu nhập. 

Thầy Lê Mạnh Tấn (bìa phải) hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật.
Thầy Lê Mạnh Tấn (bìa phải) hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật.

Dù là giáo viên trẻ mới nhận nhiệm sở hay người đã có thâm niên, phải thật khéo thu vén, xoay xở mới đủ trang trải cuộc sống từ đồng lương dạy học.

Trọng nghề mới được làm nghề

21 năm dạy học, tiền lương hàng tháng của thầy Đặng Hữu - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh (Hòa Vang, Đà Nẵng) là 9 triệu đồng/tháng. Hai năm trở lại đây, đó cũng là thu nhập chính của gia đình thầy. Vợ làm công nhân may, do ảnh hưởng dịch, đơn hàng ít, con cái lại đau ốm thường xuyên nên đành xin nghỉ việc. Mọi khoản chi dùng trong nhà, từ con đau ốm, thuốc thang, giỗ chạp, hiếu hỉ… gần như trông chờ vào đồng lương hàng tháng của thầy Hữu.

Thầy Hữu phụ trách đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 của Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh. Năm nào, đội tuyển cũng đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi toàn thành phố. Như năm học 2021 – 2022, dù việc học trực tiếp bị gián đoạn, nhưng toàn bộ thành viên của đội tuyển học sinh giỏi Văn của trường đều có giải, trong đó có 3 giải Nhất.

Không chỉ có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, nhờ những nỗ lực của thầy Hữu mà điểm thi môn Ngữ văn của học sinh nhà trường luôn đứng tốp đầu trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của huyện. Thế nhưng, thầy Hữu chưa hề nhận lời dạy phụ đạo riêng cho bất kỳ học sinh nào, cho dù rất nhiều phụ huynh đặt vấn đề.

Từng làm nhiều nghề phụ rồi mới trở lại giảng đường đại học để theo nghề giáo, với thầy Đặng Hữu, nghề cũng đồng thời là nghiệp. Hơn 20 năm theo đuổi nghề dạy học, thầy chưa bao giờ thấy mình thiếu thốn. Dù đời sống thường nhật hàng ngày vẫn lắm lo toan, níu kéo.

Thầy có một người con bị bệnh nặng cần được chăm sóc tỉ mỉ, thuốc thang, phẫu thuật với những khoản chi phí lớn. Nhưng bệnh nặng khiến con không qua khỏi. Những lời động viên, thăm hỏi từ học sinh cũ, sự tiếp sức, hỗ trợ từ đồng nghiệp… cũng là nguồn sức mạnh giúp thầy vượt qua những khó khăn thường nhật, để tiết dạy nào cũng đầy cảm xúc, lôi cuốn…

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

“Khéo co thì ấm”

Vào nghề từ năm 2017, năm đầu tiên làm giáo viên tập sự, cô L.H.H., giáo viên trường THPT ở địa bàn quận Thanh Khê chỉ hưởng 85% lương. Phải đủ 6 năm đứng lớp, không kể thời gian tập sự, giáo viên mới được hưởng phụ cấp thâm niên. Thế nên, tiền lương hàng tháng của cô H. sau 5 năm dạy học mới được 4,7 triệu đồng, với hệ số lương 2,67.

Cô H. nhẩm toán: “Hàng tháng, tiền đóng học và tiền ăn ở trường của hai con hết 3,4 triệu đồng. Học phí học Anh văn của con hết 1,5 triệu đồng. Tiền thuê nhà của cả gia đình hết 4 triệu đồng/tháng”. Vì vậy, tiền lương nhận được là đã không đủ để trang trải cho từng ấy khoản chi tiêu cố định hàng tháng, chưa kể ăn uống, điện nước, sinh hoạt hàng ngày.

Dạy môn Địa lý, cô giáo H. nhận làm gia sư cho một học sinh lớp 12, mỗi tuần 2 buổi với mức học phí 1 triệu đồng. “Năm học trước, tôi có dạy hợp đồng cho một Trung tâm giáo dục thường xuyên với mức thù lao 40.000 đồng/tiết dạy. Nhưng năm nay trung tâm đủ giáo viên nên hợp đồng cũng chấm dứt” – cô H. kể. Những giáo viên dạy các môn Lịch sử, Giáo dục công dân… ở trường cô H. thì gần như không có suất dạy thêm nào. Với những giáo viên hợp đồng, mức lương chỉ hơn 2 triệu/tháng mà số tiết dạy cũng tương đương với giáo viên khác.

Để có thêm tiền trang trải cho gia đình nhỏ của mình, cô L.H.H. bán thêm hàng gia dụng online. “Mình chỉ nhận hàng từ kho rồi bán lại lấy tiền lời, nên ngày nào nhiều đơn thì chỉ thêm được từ 100 - 200 nghìn đồng. Nhưng cũng có ngày không có đơn hàng nào. Được cái chị em đồng nghiệp đều ủng hộ. Nhiều lúc các chị mua để ủng hộ là nhiều chứ không phải vì có nhu cầu”, nữ nhà giáo bộc bạch.

Chồng của cô L.H.H. làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Hai năm nay, Đà Nẵng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên công ty chấm dứt hợp đồng lao động. “Sau khoản hỗ trợ thất nghiệp của 3 tháng đầu sau khi nghỉ việc, dịch vẫn còn ảnh hưởng nên du lịch không thể phục hồi được, để xoay xở đủ những chi dùng tối thiểu cho gia đình, chúng tôi bàn với nhau rút tạm tiền đóng bảo hiểm sau 9 năm của anh ấy.

Rồi Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ cho đội ngũ hướng dẫn viên vay thêm 20 triệu đồng. Vợ chồng vẫn luôn phải động viên để cùng nhau đi qua giai đoạn khó khăn này, dù bây giờ đang ở giai đoạn “âm””, cô H. lạc quan khi nói về chặng đường phía trước.

Thầy giáo trẻ Lê Mạnh Tấn cũng đồng thời là Bí thư Đoàn trường, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) chia sẻ rằng, với những sinh viên đã chọn theo nghề sư phạm thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải yêu nghề. Học sinh phổ thông, nếu không yêu nghề sư phạm sẽ không lựa chọn con đường này. Một khi đã yêu nghề, có lý tưởng về nghề nghiệp sẽ có cách để neo lại với nghề mà vẫn giữ được lửa nghề.

Được trở lại mái trường nơi từng học để dạy học, thầy Lê Mạnh Tấn luôn nỗ lực gấp nhiều lần, bởi niềm tự hào luôn gắn liền với trách nhiệm. Theo nhận xét của thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám thì thầy giáo trẻ Lê Mạnh Tấn luôn nỗ lực trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; chủ động trong sử dụng và tổ chức hiệu quả dạy học bằng các phương pháp, kỹ thuật tích cực giúp học sinh hứng thú với bộ môn.

Điểm nổi bật nhất trong công tác chuyên môn của thầy giáo trẻ là ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng, thí nghiệm minh họa và kiểm tra đánh giá. Thầy Tấn còn hướng dẫn đồng nghiệp chấm bài trắc nghiệm bằng phần mềm trên điện thoại thông minh giúp tiết kiệm thời gian, đem lại hiệu quả tích cực.

Trước khi thi đỗ viên chức và nhận quyết định về dạy học tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, thầy Lê Mạnh Tấn dạy hợp đồng ở một trường THPT ngoài công lập với mức lương 1,4 triệu đồng/tháng. Thời điểm đó, ngoài những tiết dạy theo hợp đồng, thầy Tấn nhận dạy kèm, dạy thêm ở các trung tâm. Nghề tay trái như thiết kế các poster, website cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ… cũng là nguồn thu đáng kể để “nghề phụ nuôi lấy nghề chính”.

Hoạt động trong phong trào Đoàn, đôi lúc thầy Tấn còn rút tiền túi ra trang trải một số chi phí phát sinh. Những lúc như thế, thầy thường cân đối lại các khoản chi tiêu của mình để không phải thiếu trước hụt sau.

Hoàn thành những tiết dạy, thầy Đặng Hữu lại gắn bó với ruộng vườn. Cùng với đồng lương khiêm tốn từ nghề dạy học, rau màu vườn tược cũng là nguồn thu nhập của gia đình thầy. “Vợ cũng tập tành buôn bán lặt vặt một số thứ nên phụ thêm vào được một ít tiền chợ hàng tháng. Nhà có một ít ruộng đủ để không phải mua gạo ăn. Mình nghĩ đủ thì thấy đủ thôi”, thầy Hữu tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.