Mô hình “Sân chơi dân gian”
Vào giờ ra chơi, sân trường Trường THCS Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, rộn ràng tiếng nói cười của học sinh. Dưới bóng cây râm mát, các em tụ tập thành nhóm nhỏ chơi các trò chơi dân gian do thầy cô nhà trường chuẩn bị.
Có nhóm chơi ô ăn quan với các ô cờ được vẽ bằng nhiều màu sắc sặc sỡ. Nhóm khác chơi nhảy dây, nhảy lò cò hay chơi bắn bi… Khung cảnh sân trường như thể đang tổ chức ngày hội trò chơi truyền thống.
Các hoạt động vui chơi nằm trong mô hình “Sân chơi dân gian” do Liên đội Trường THCS Hưng Đạo xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2022, khi học sinh trên địa bàn tỉnh đi học lại sau thời gian dài học trực tuyến.
Thầy giáo Phạm Ngọc An, Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh Trường THCS Hưng Đạo, cho biết: Trong thời gian học online, học sinh giao tiếp, kết nối với bạn bè, thầy cô qua màn hình điện thoại. Đến khi đi học lại, tôi nhận thấy nhiều em vẫn phụ thuộc vào thiết bị này. Giờ ra chơi, một số em chỉ ngồi một chỗ, ít giao lưu với bạn bè hay tham gia hoạt động tập thể. Vì vậy, tôi cùng các thầy cô muốn tạo dựng sân chơi lành mạnh, ý nghĩa giúp các em rời xa màn hình điện thoại, tăng tính chủ động và đoàn kết.
“Nhìn học trò, tôi nhớ lại thế hệ 8x chúng tôi trước kia vẫn thường chơi những trò chơi dân gian như ô ăn quan, nhảy lò cò. Cách tổ chức trò chơi đơn giản mà vẫn đem lại tiếng cười, niềm vui. Vì thế, chúng tôi chọn tái hiện các trò chơi dân gian dễ thực hiện với chi phí thấp”, thầy An cho biết.
Được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Ban giám hiệu nhà trường, thầy An cùng một số đồng nghiệp mua sơn màu, chọn những điểm có bóng cây trên sân trường để kẻ vẽ trò chơi dân gian. Những ô bàn cờ được vẽ lớn hơn bình thường, tô màu sắc sặc sỡ giúp nhiều học sinh có thể chơi cùng lúc. Sau khi hoàn tất, các thầy cô huy động thêm một số học sinh tham gia, từ đó, thu hút sự quan tâm, chú ý của học sinh toàn trường.
Đến nay, sân trường đã kẻ vẽ được 10 trò chơi như ô ăn quan, bàn cờ vua, nhảy đa hướng, nhảy lò cò… Cứ đến giờ ra chơi, học sinh các lớp lại ùa ra sân trường, chia thành nhóm để “thử sức” bên trò chơi truyền thống.
Em Lương Tú Anh, học sinh lớp 7A, cho biết: Em rất thích tham gia những trò chơi dân gian, đặc biệt là các trò yêu cầu vận động. Ban đầu, em chỉ chơi thử nhưng dần dần thấy say mê. Chúng em không chỉ chơi theo lớp mà rủ các bạn trong khối, trong trường cùng tụ tập thành nhóm nên có cơ hội giao lưu và trò chuyện với nhau nhiều hơn.
Cô giáo Vũ Thị Hồng Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Đạo, cho biết: Mô hình “Sân chơi dân gian” giúp học sinh giảm sự lệ thuộc vào điện thoại, máy tính hay các trò chơi điện tử. Hơn nữa, hoạt động này giúp học sinh trong nhà trường mở rộng giao lưu, tìm hiểu và trải nghiệm những giá trị văn hoá truyền thống.
Giáo dục truyền thống và lòng yêu nước
Trong những năm qua, Liên đội Trường THCS Hưng Đạo thường xuyên tổ chức các hoạt động, chương trình ngoại khóa giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu về truyền thống lịch sử, cách mạng, bồi đắp tinh thần tự hào dân tộc và lòng yêu nước.
Nhằm giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương, Liên đội nhà trường đã tổ chức cho học sinh đến tham quan các địa chỉ đỏ là di tích lịch sử trong và ngoài xã như Đình làng kháng chiến, Bia Chiến thắng… Học sinh được chào cờ, thắp hương, tham gia quét dọn vệ sinh môi trường và lắng nghe người trông coi di tích kể lại những câu chuyện lịch sử.
Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức cho học sinh đến thăm hỏi các cựu thanh niên xung phong. Ở đó, các em được lắng nghe những câu chuyện về “một thời đạn bom” của dân tộc, được sống lại trong những năm tháng lịch sử “không thể nào quên”.
Các hoạt động trên đã góp phần khơi gợi lòng yêu nước cho các thế hệ học sinh; đồng thời, nuôi dưỡng lòng biết ơn, tinh thần lá lành đùm lá rách. Qua đó, khích lệ học sinh rèn đức luyện tài, chăm ngoan học giỏi.
Ngoài ra, trong chương trình dạy, các thầy cô giáo cũng tích cực lồng ghép bài học về lòng yêu nước, yêu quê hương dân tộc và tạo điều kiện cho học sinh khám phá những giá trị văn hóa truyền thống.
Vừa là Tổng phụ trách Đội, vừa là giáo viên Âm nhạc, thầy An cho biết: Tỉnh Hưng Yên nức tiếng gần xa với chèo, hát trống quân. Do đó, trong tiết học, tôi thường giới thiệu cho học sinh các bài hát, điệu nhạc địa phương, các bài đồng dao, bài chèo, hát trống quân... đặc trưng của địa phương. Những giai điệu này vừa mới lạ vừa thân quen tạo cảm giác gần gũi và khuyến khích học sinh tìm hiểu thêm về các giá trị địa phương, dân tộc.