Các hoạt động phong phú
Thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) cho hay, công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh được nhà trường triển khai dưới nhiều hình thức xuyên suốt cả năm học. Nhà trường quan điểm chú trọng dạy đạo đức, lối sống trước mới đến dạy kiến thức, thể chất và cái đẹp.
Với đặc thù là vùng ven biển, bố mẹ thường đi làm ăn xa, đánh bắt cá ngoài khơi hàng tháng mới về nên nhiều gia đình thường phó mặc cho nhà trường và anh em tự chăm sóc lẫn nhau, hoặc nhờ ông bà chăm sóc. Việc bầu bạn thường là chiếc điện thoại và không gian mạng, thiếu việc quản lý giám sát của bố mẹ nên việc tiếp cận những thông tin văn hoá độc hại đến với học sinh rất nhanh.
Để giúp học sinh nhận thức được vấn đề này thì việc làm đầu tiên của trường là triển khai các hoạt động giáo dục toàn diện, tạo một sân chơi lành mạnh tại nhà trường để các em “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”, thích đến trường hơn ở nhà đồng thời bám sát kế hoạch và tiêu chuẩn của "trường học thân thiện, học sinh tích cực” các hoạt động giao dục đạo đức lối sống cho học sinh được tổ chức dưới nhiều hình thức trong đó phải kể đến công tác sinh hoạt Đội, sinh hoạt dưới cờ.
Những tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt Chi đội luôn được đổi mới gắn với chủ đề năm học, với phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”. Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ ngoài việc xếp loại thi đua giữa các lớp thông qua nhận xét, theo dõi của đội sao đỏ thì Chi đội còn phát động các lớp tham gia một tiết mục văn nghệ (như hát, đánh đàn và các nhạc cụ dân tộc tuỳ theo sự lựa chọn và năng khiếu của học sinh mỗi lớp); hoặc một câu chuyện kể về “tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.
Trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 không được hoạt động dưới cờ và tập trung động người, nhà trường vẫn duy trì hoạt động sinh hoạt lớp và duy trì việc hát Quốc ca trong các lễ chào cờ sáng thứ Hai hàng tuần ngay tại lớp học thông qua hệ thống phát thanh của nhà trường tại phòng Đội. Từ đó hàng tuần các em vẫn được nhận xét đánh giá, rút kinh nghiệm để các tiết mục văn nghệ và các câu chuyện kể được cuốn hút hơn. Việc làm này được các em học sinh tham gia rất sôi nổi và tích cực.
Ngoài các phong trào, hoạt động bề nổi, trường còn chú trọng giáo dục học sinh từ những việc làm thường xuyên như: Tổ chức cho các em trực tiếp lao động, vệ sinh trường lớp thêm sạch đẹp, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh trong khuôn viên trường, kết hợp với Chi đoàn Đồn biên phòng Văn Lý tổ chức cho các em nhặt rác ngoài đê biển “làm sạch môi trường biển” do Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định phát động. Qua đây giúp giáo dục cho các em thấy mình có thêm trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường quê hương, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Trong những ngày lễ lớn của dân tộc như kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, nhà trường thường tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng, thi các môn thể thao như đá bóng, bóng chuyền hơi tạo một sân chơi có tính đồng đội và tập thể thao được các Chi đội hưởng ứng.
Duy trì phong trào bằng nhiều hình thức
Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, giáo dục tình yêu quê hương, biết ơn nhưng người có công, hàng năm liên đội nhà trường kết hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của xã tổ chức lao động vệ sinh nghĩa trang liệt sỹ, thắp nến tri ân các anh liệt sỹ, tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn của xã. Từ đó, tạo môi trường, phương pháp giáo dục học sinh đa dạng, phong phú, giúp các em có trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức, hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh được nhà trường thực hiện và duy trì thường xuyên hiệu quả. Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, qua các bài giảng lên lớp của môn giáo dục công dân giáo viên đã lồng ghép kiến thức với thực tiễn tuyên truyền sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, biết đoàn kết, quý trọng sức lao động.
Để việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đạt hiệu quả, nhà trường đã triển khai các phong trào nhân ái như: “Lá lành đùm lá rách”, “Kế hoạch nhỏ”, như thu gom giấy vụn qua công trình măng non để hàng tháng bán giấy vụn mua vở, đồ dung dạy học đầu năm học giúp đỡ những học sinh nghèo vượt khó.
Tại Trường THCS Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội), cô Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Dung cho hay, năm vừa qua, nhà trường cũng dự kiến mời các cựu học sinh đã học ở trường, là những người thành công ở một số lĩnh vực về nói chuyện với học sinh vào thứ 2 đầu tuần để họ chia sẻ về sự nỗ lực vượt khó của mình; hoặc những định hướng về công việc, cuộc sống cho các em. Tuy nhiên do điều kiện dịch bệnh nên chưa thực hiện được.
Dù vậy, nhà trường vẫn linh hoạt trong việc cho học sinh làm các video tuyên truyền, mỗi lớp chọn một vấn đề và thực hiện để tuyên truyền đầu tuần. Các video tập trung vào các nội dung như: An toàn sử dụng điện khi học online, Nói không với nhựa dùng 1 lần, Covid-19 và những hậu quả, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, giờ Trái đất...
"Nhà trường hay tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh thông qua các giờ chào cờ đầu tuần bằng việc xây dựng các tiểu phẩm nhỏ cho học sinh. Nội dung các tiểu phẩm liên quan đến vấn đề mà trường tuyên truyền: Bảo vệ môi trường thông qua việc không xả rác bừa bãi, không lạm dụng túi nilong, hoặc bạo lực học đường, luật an toàn giao thông. Chúng tôi cũng mời chuyên gia về nói chuyện cho học sinh về vấn đề lạm dụng tình dục và sức khỏe sinh sản vị thành niên; liên hệ với công an xã sang trường nói chuyện chuyên đề. Thời gian thường gói gọn trong 1 giờ chào cờ" - cô Nguyễn Ngọc Dung cho biết.