Tích hợp vào các môn học
Thầy Tô Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Việt Yên, Bắc Giang) cho biết, để đạt được mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh cả về kiến thức, năng lực, phẩm chất, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức và lối sống.
Theo thầy Lan, Trước tiên, nhà trường chú trọng việc tích hợp trong một số môn học như Lịch sử, Giáo dục, Ngữ văn, Thể dục...
Một số giờ thể dục, giáo viên dạy học sinh kĩ năng phòng chống tai nạn đuối nước, sơ cứu vết thương... Môn Ngữ văn giáo dục học sinh lối sống tích cực, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội; loại bỏ thái độ thờ ơ, vô cảm với những người xung quanh; biết trân trọng cuộc sống của chính mình.
Môn Lịch sử giáo dục học sinh ý chí vươn lên, dù gian khó vẫn cố gắng để vượt qua, không nản chí hay dễ dàng từ bỏ mục tiêu sống khi gặp khó khăn...
Còn thầy Thân Văn Quý - Hiệu trưởng Trường THCS Tăng Tiến (huyện Việt Yên, Bắc Giang) đồng quan điểm và cho biết, ở trường nhiều giáo viên đã có ý tưởng sáng tạo trong việc giảng dạy, tạo môi trường giáo dục thân thiện, an toàn.
Các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh có nhiều đổi mới với nhiều hình thức phong phú qua giảng dạy chính khóa các môn Đạo đức, Giáo dục công dân; lồng ghép, tích hợp vào các môn học khác có liên quan.
Thực tế cho thấy, việc tích hợp những kiến thức trong đời sống hằng ngày vào các môn học chính khoá giúp học sinh vừa hứng thú với môn học, vừa có thêm những kiến thức ngoài sách vở mà vẫn đảm bảo kiến thức học ở trên lớp.
Nhiều học sinh chia sẻ rằng, việc tích hợp kiến thức trong sách giáo khoa và kỹ năng sống đã giúp các em tiếp thu bài giảng dễ hiểu hơn, nhanh hơn, ghi nhớ lâu hơn. Đây cũng như một phần “liên hệ thực tiễn” mà học sinh trước kia chưa chắc đã được truyền dạy.
Cấp THCS là lứa tuổi đang hình thành nhân cách, tính cách, thích thể hiện cá tính, cái tôi, mà xưa ông bà vẫn gọi là “ẩm ương”, chính vì vậy việc định hướng về nhận thức lối sống, giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho lứa tuổi này rất cần thiết.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc hiểu biết và thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhiều nhà trường đã tổ chức các cuộc thi, hoạt động, phong trào nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của học sinh trong nhà trường, giúp các em có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Ở Trường THCS Tăng Tiến, học kỳ vừa qua, nhà trước đã tổ chức cho 100% học sinh viết cam kết thực hiện tốt nội quy nhà trường, an toàn giao thông, không mắc các tệ nạn xã hội; phối hợp với các đoàn thể địa phương, nhất là công an xã để tăng cường giáo dục đạo đức học sinh.
Đa dạng các hoạt động ngoại khoá
Bên cạnh đó, nhằm chuyển tải nội dung học tập và giúp các em nhận thức rõ nét về truyền thống lịch sử, lý tưởng cách mạng, tự hào về dân tộc và đất nước, trường THCS Tăng Tiến tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp, thi đua dạy tốt học tốt Chào mừng 20/11, Tết Trung thu, chào mừng 22/12, phổ biến kinh nghiệm học tập bộ môn, nêu gương "người tốt - việc tốt", kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, trường THCS Tăng Tiến đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19, phòng chống thương tích, phòng chống đuối nước, giáo dục truyền thống nhà trường, lịch sử địa phương, hoạt động ngoại khóa giáo dục truyền thống cách mạng yêu quê hương đất nước cho học sinh, hoạt động ngoại khóa giáo dục đạo đức, lòng biết ơn cha mẹ, thày cô nhân dịp 20/11, giáo dục kỹ năng sống phù hợp với điều kiện của nhà trường.
Một điểm nổi bật trong hoạt động giáo dục đạo đức lối sống là Trường THCS Tăng Tiến đặc biệt quan tâm kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm lý, phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ của học sinh… tổ chức tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng xã hội nhằm giáo dục lòng nhân ái qua thực tiễn cuộc sống.
Hiệu trưởng trường THCS Tăng Tiến cũng cho biết, thời gian tới, Nhà trường sẽ triển khai đa dạng hoá nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh. Đổi mới công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho các em.
Đồng thời, phối hợp với các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương tổ chức hiệu quả các phong trào hành động của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà trường, nhân rộng các mô hình tiên tiến, những việc làm tốt để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng... xây dựng thế hệ trẻ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới.
Ghi nhận những hoạt động giáo dục đạo đức lối sống thời gian qua ở Trường THCS Minh Đức diễn ra khá đều đặn. Trong tất cả các buổi chào cờ đầu tuần, học sinh và giáo viên toàn trường đều hát Quốc ca theo nhạc của đội Nghi thức chuẩn, tay đặt lên ngực trái (gần trái tim), mắt hướng về quốc kì.
Hằng năm vào các dịp kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Liên đội có nhiều hoạt động thi đua cho học sinh như văn nghệ, hoa điểm tốt, viết báo tường... để tỏ lòng biết ơn các thầy cô; tổ chức gặp mặt, nói chuyện với các nhân chứng lịch sử vào dịp 22/12 để học sinh thấy được sự hi sinh to lớn của cha ông, biết ơn những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của dân tộc.
Dịp tháng 7, Liên đội cũng cho học sinh dâng hương, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã Minh Đức; thăm hỏi một số gia đình thương binh... Vào dịp Tết, nhà trường phát động phong trào ủng hộ “Tết vì bạn nghèo”. Hầu hết học sinh đều tham gia, đồng cảm, chia sẻ khó khăn với gia đình bạn. Học sinh cũng chung tay ủng hộ phòng chống Covid-19, nhất là khi trường được đặt làm khu cách li...
Các học sinh của Trường THCS Minh Đức cũng được rèn luyện biết yêu lao động, có ý thức bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp thông qua hoạt động lần lượt các lớp vệ sinh sân trường vào đầu các buổi học. Mỗi lớp chăm sóc một bồn hoa.
Cùng với đó, trong mỗi tiết sinh hoạt lớp, học sinh đều được tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá, Luật Giao thông đường bộ, bạo lực học đường…
Đáng chú ý, để nâng cao kỹ năng sống cho học sinh, nhà trường đã mời diễn giả về chia sẻ với học sinh toàn trường các biện pháp nâng cao hiệu quả học tập; giúp học sinh thấy được cần có mục tiêu học tập rõ ràng, có kế hoạch cụ thể cho từng môn học, từng học kì, từng năm học.
Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với Ban dân số xã giáo dục giới tính và sức khỏe vị thành niên cho học sinh. Qua đó nâng cao kĩ năng tự bảo vệ và chăm sóc bản thân cho các em khi đang trong độ tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lí...
Chia sẻ với báo GD&TĐ, bà Đỗ Thị Hương – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Việt Yên cho biết, ngành giáo dục Việt Yên có nhiều biện pháp hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giáo dục học sinh nhằm đảm bảo ANTT trường học.
Theo bà Hương, Phòng chỉ đạo 100% các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả Quyết định số 420/2015 về việc phối hợp nhà trường-gia đình-xã hội trong giáo dục học sinh tỉnh Bắc Giang.
“Công tác giáo dục an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, tác hại của các trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh được quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt…”, bà Hương nhấn mạnh.
"Thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục Việt Yên triển khai đa dạng hoá nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh.
Đổi mới công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, văn hoá ứng xử cho học sinh. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường phối hợp với các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương tổ chức hiệu quả các phong trào hành động của Đoàn, Hội, Đội trong và ngoài nhà trường, nhân rộng các mô hình tiên tiến, những việc làm tốt để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng... xây dựng thế hệ trẻ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới...", bà Hương nhấn mạnh.