Việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống giúp học sinh phát triển toàn diện về “Đức – Trí - Thể - Mỹ”, xây dựng thế hệ trẻ Đất tổ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước.
Từ những việc làm cụ thể
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô giáo Hoàng Thúy Liễu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Phú, TP. Việt Trì (Phú Thọ) cho biết: Ban giám hiệu xác định công tác giáo dục đạo đức, lối sống học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được nhà trường duy trì thường xuyên và mang lại hiệu quả. Đặc biệt là sự phối hợp hài hòa giữa Gia đình – Nhà trường – Xã hội trong công tác quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống và rèn luyện học sinh.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh còn thông qua các hoạt động của các đoàn thể (Đoàn, Hội, Đội) góp phần hình thành, phát huy phẩm chất tốt đẹp của học sinh. Tiêu biểu như việc triển khai mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo”. Ngay từ đầu năm học Liên Đội trường Tiểu học Vân Phú đã triển khai hoạt động giữa giờ, tổ chức các bài múa hát tập thể, bài thể dục bắt buộc; đặc biệt đã triển khai hát Xoan – Di sản văn hóa phi vật thể vào hoạt động giữa giờ nhằm bảo tồn và phát triển di sản, từ đó đã thu hút được 100% học sinh tham gia, giúp các em vui tưởi phấn khởi cảm thấy yêu trường yêu lớp nhiều hơn, tránh xa các tai tệ nạn và các trò chơi nguy hiểm độc hại.
Bên cạnh đó, Liên Đội thường xuyên đẩy mạnh phong trào “Thiếu nhi Đất Tổ thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”. Phát động tới thiếu nhi phong trào “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” thông qua các hình thức sinh động hấp dẫn như tuyên truyền dưới cờ, tìm hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Duy trì hoạt động của các đội chuyên: “Đội sao đỏ”, “An ninh măng non”; “Đội tuyên truyền măng non”. Tuyên truyền giáo dục về pháp luật, Luật ATGT cho thiếu niên nhi đồng trong việc giữ gìn trật tự ATGT. Duy trì và làm tốt mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.
Cô giáo Hoàng Thúy Liễu cho rằng vai trò giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường góp phần quan trọng hình thành nhân cách cho các em. Nhà trường không chỉ dạy chữ, mà còn là nơi dạy người. Cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường luôn nhiệt tình, trách nhiệm, đổi mới sáng tạo công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh từ những việc bình dị đơn giản như: Thường xuyên lồng ghép vào nội dung mỗi bài học, hắc nhở, uốn nắn học sinh trong cách cầm sách vở đưa cho giáo viên, cách nói năng lễ phép, cách ứng xử giao tiếp…
Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép ngay cả khi học sinh học online do dịch bệnh Covid-19, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các môn văn hóa bằng nhiều hình thức, phong phú và đa dạng gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trang bị kỹ năng thực hành xã hội hỗ trợ học sinh đạt được các phẩm chất và năng lực theo yêu cầu; chú trọng rèn luyện cho các em tính trung thực, đoàn kết, biết sẻ chia.
Thực hiện phong trào “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”; kết hợp với thực hiện phong trào “Nói lời hay – làm việc tốt” nhằm giáo dục đạo đức, khả năng giao tiếp, ứng xử và nâng cao ý thức kỷ luật cho thiếu nhi, biết vâng lời người lớn, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô; không nói tục chửi bậy, không nói trống không, gọi bạn xưng tôi, nhặt được của rơi trả lại người mất; tạo môi trường văn hoá...
Linh hoạt đổi mới
Để làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, phường Nông Trang, TP Việt Trì, (Phú Thọ) đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục thiết thực như: Hoạt động “Giờ chào cờ bổ ích” với hình thức sân khấu hóa tuyên truyền về các chủ đề phòng, chống bạo lực học đường, nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử; tuyên truyền về an toàn giao thông; tuyên truyền ngày pháp luật; cách sử dụng mạng xã hội an toàn...được duy trì thường xuyên.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô giáo Trần Thị Ánh Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, hình thành những cơ sở ban đầu về chuẩn mực đạo đức, giúp các em ứng xử đúng đắn qua các mối quan hệ đạo đức hàng ngày. Do đó mỗi thầy cô giáo, phụ huynh học sinh phải là tấm gương mẫu mực về hành vi, lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử cho học sinh noi theo.
Cùng với đó, các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về việc hình thành, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh được tổ chức thường xuyên tại mỗi lớp học. Ngoài các hoạt động ở trường các em còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa thăm quan và tìm hiểu về văn hóa tại địa phương nơi các em sinh sống và học tập: Giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động Lao động, vệ sinh Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nông Trang; tham gia vệ sinh ở chùa Hưng Tích, phường Nông Trang (TP Việt Trì)... Từ đó, tạo môi trường, phương pháp giáo dục học sinh đa dạng, phong phú, giúp các em có trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức, hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp.
Cô giáo Trần Thị Ánh Nguyệt giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng nhận định: Song song với dạy chữ truyền thụ kiến thức cho học sinh,nhà trường còn tích cực đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh như: Đổi mới phương pháp giảng dạy môn Đạo đức theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, trên cơ sở lựa chọn các nội dung giáo dục có giá trị phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm, nhận thức và sự phát triển của học sinh, của xã hội; giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức công dân.
Cô giáo Trần Thị Ánh Nguyệt giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng cho biết: Việc giáo dục kỹ năng sống không chỉ thực hiện trong nhà trường, qua các môn học chính khóa, mà còn phải được thực hiện kết hợp với nhiều cách khác như: sự kết hợp giữa Nhà trường - Gia đình - Xã hội; nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa, qua các hoạt động Đoàn, Đội…
Nhà trường xây dựng cơ chế phối hợp giữa Nhà trường - Gia đình - Xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh. Theo đó, gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục cho con em mình; gia đình tạo điều kiện cho con em được học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động của trường và xã hội; không để con em bỏ học; không phó mặc con em mình cho nhà trường. Cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con noi theo; loại bỏ bạo lực gia đình.