Giáo dục đạo đức học sinh từ những điều thiết thực

GD&TĐ - Nhằm triển khai hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh, các nhà trường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, gắn với những nội dung thiết thực.

Học sinh trường tiểu học Gia Sàng (TP Thái Nguyên) luôn được thầy cô quan tâm giáo dục về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử
Học sinh trường tiểu học Gia Sàng (TP Thái Nguyên) luôn được thầy cô quan tâm giáo dục về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử

Những bài học sinh động  

Với sự hướng dẫn của ngành giáo dục thành phố Thái Nguyên, nhiều nhà trường trên địa bàn đã triển khai tích cực việc lồng ghép việc giáo dục thái độ, kĩ năng - hành vi đạo đức vào nội dung môn học.

Tại trường THCS Nha Trang, giáo viên môn Sinh học đã dạy học bằng phương pháp STEM, hướng dẫn học sinh chế tạo bẫy chuột để giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường, không dùng các loại thuốc độc hại. “Vừa tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, các em còn được rèn luyện những kỹ năng rất thiết thực, đồng thời cũng hình thành cho mình ý thức thái độ tích cực về bảo vệ môi trường tự nhiên” - cô giáo Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng chia sẻ.

Một hoạt động ngoại khóa lồng ghép giáo dục cho học sinh tại trường THCS Nha Trang (TP Thái Nguyên)
Một hoạt động ngoại khóa lồng ghép giáo dục cho học sinh tại trường THCS Nha Trang (TP Thái Nguyên)

Để tăng cường hơn giáo dục kĩ năng - hành vi đạo đức, trường THCS Độc Lập có cách giáo dục kỷ luật tích cực cho học sinh khá hiệu quả. Học trò nào vi phạm nội quy sẽ được cô giáo chủ nhiệm đưa đến thư viện nhà trường để đọc sách “Hạt giống tâm hồn”. Các em vừa có thời gian ngẫm nghĩ để hiểu ra lỗi sai, vừa tạo được thói quen đọc sách, tìm cái hay trong sách.

Trong quá trình triển khai hoạt động giáo dục, đội ngũ cán bộ giáo viên nhiều nhà trường đặc biệt chú trọng việc nêu gương, làm mẫu để học sinh noi theo. Tại trường tiểu học Túc Duyên, để học sinh yêu thiên nhiên, chăm lao động, nhà trường có mô hình “Vườn rau em chăm”. Thầy cô luôn là những người tiên phong, đồng hành cùng học trò từ việc việc chuẩn bị cho đến việc trồng và chăm tưới, thu hái và bán để dùng tiền dành mua quà cho các bạn học sinh nghèo.

Đa dạng các hình thức kết nối

Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh được hiệu quả và mang tính lan tỏa sâu rộng, ngành giáo dục thành phố Thái Nguyên đã tích cực kết nối, phối hợp giữa phía nhà trường với phía gia đình, xã hội.

Tại trường tiểu học Phúc Xuân, phụ huynh đã cùng nhau xây dựng vườn trường để vừa tạo cảnh quan giáo dục vừa biến nơi đây thành “lớp học ngoài trời” khi tìm hiểu về các loại thảo mộc. Qua đó, mối gắn kết và sự phối hợp giữa trường với gia đình cũng chặt chẽ hơn.

Cô và trò trường THCS Trưng Vương (TP Thái Nguyên) cùng nhau trang trí khuôn viên trường lớp sạch đẹp
Cô và trò trường THCS Trưng Vương (TP Thái Nguyên) cùng nhau trang trí khuôn viên trường lớp sạch đẹp

Với trường tiểu học Túc Duyên, khi các em học sinh đạt được những kết quả cao trong học tập, rèn luyện thì phần thưởng cho các em là những sản phẩm có ý nghĩa do bố mẹ các em trực tiếp đến trường để cùng các thầy cô giáo làm ra. Mỗi sản phẩm đều ghi một thông điệp thể hiện sự yêu thương, niềm hi vọng mà cha mẹ và thầy cô dành cho các em, còn các em sẽ viết lá thư gửi gắm cha mẹ những lời yêu thương, xin lỗi, mong muốn cha mẹ hiểu mình hơn.  

Ở hầu hết các nhà trường, cha mẹ học sinh luôn luôn xếp xe gọn gàng trật tự ngoài cổng trường khi đón con, vì các thầy cô đã luôn luôn trao đổi và có những thông điệp quanh khu vực cổng trường để nhắn nhủ các phụ huynh. Có học sinh nhất định đi bộ chứ không lên xe máy bố mẹ đèo vì không có mũ bảo hiểm hoặc vì bố mẹ khi đợi đã không xếp xe gọn gàng đúng chỗ.

Bên cạnh đó, nhiều nhà trường cũng chủ động kết nối, phối hợp với các tổ chức, đơn vị để triển khai những hoạt động giáo dục vừa ý nghĩa vừa sinh động. Các trường THCS như Chu Văn An, Trưng Vương đã kết hợp với Thư viện tỉnh để giới thiệu tác phẩm, thi viết, vẽ tranh, qua đó tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh về phòng chống bạo lực học đường.

Một số trường đã vận dụng khá linh hoạt bằng cách tổ chức hoạt động “Bé làm chiến sĩ” gắn liền với tham quan doanh trại, lữ đoàn bộ đội đóng trên địa bàn. Một số nhà trường còn tổ chức tuyên đương đội viên, kết nạp đoàn viên, hát quốc ca tại địa chỉ đỏ lịch sử như Khu di tích lịch sử Đại đội Thanh niên xung phong 915, di tích An toàn khu Định Hóa.

“Chúng tôi cho rằng cần chú trọng giáo dục hành vi đạo đức để học sinh thấm nhuần trong hành động chứ không phải buộc phải thực hiện hành vi bởi các quy định. Đó chính là cơ sở để chúng ta có thể đạt được mục tiêu trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, với điểm nhấn là xây dựng nét phong cách nổi bật của học sinh tỉnh Thái Nguyên: Lễ phép, thân thiện, trung thực và trách nhiệm”

Bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thái Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ