“Mê hoặc” trẻ với đồ chơi tự làm

GD&TĐ - Cô giáo Nguyễn Lan Anh (Trường mẫu giáo số 10, Hà Nội) cho rằng, việc trẻ tự tay làm ra những sản phẩm cho giờ học sẽ giúp trẻ biết trân trọng, giữ gìn, yêu quí đồ dùng, đồ chơi và càng hứng thú khi tham gia vào các tiết học hơn.

Với bàn tay khéo léo, cô Lan Anh đã "biến hóa" thành những chú búp bê ngộ nghĩnh
Với bàn tay khéo léo, cô Lan Anh đã "biến hóa" thành những chú búp bê ngộ nghĩnh

Việc tận dụng các nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền để làm các đồ dùng giúp giáo viên vừa tiết kiệm chi phí làm đồ dùng đồ chơi vừa có thể phối hợp cùng phụ huynh trong việc chăm sóc giáo dục trẻ qua việc đề nghị đóng góp, ủng hộ giáo viên các nguyên liệu cũ.

Tuy nhiên khi lựa chọn vật liệu làm đồ dùng đồ chơi, cô giáo Nguyễn Lan Anh lưu ý lựa chọn các vật liệu sạch, đảm bảo an toàn; tận dụng các vật liệu phổ biến, rẻ tiền; nguyên vật liệu dễ huy động được từ phụ huynh học sinh. Đồng thời vật liệu có màu sắ đẹp, kích thước vừa phải với tầm tay trẻ.

Ví dụ: Dùng lịch cũ để cho trẻ làm quen với các khái niệm về thời gian và các số tự nhiên; dùng bìa, cốc nhựa, giấy màu, bút màu, vải vụn để làm búp bê các loại cho trẻ học về số lượng, chiều cao, kích thước…

Để làm những con rối ngộ nghĩnh, chỉ cần nguyên liệu là những con búp bê đã qua sử dụng; làm mặt con vật cho phù hợp với câu truyện trong bài dạy; làm lõi giấy đằng sau lưng để dùng tay điều khiển; cuối cùng, ghép mặt với thân thành một con rối hoàn chỉnh.

Với con rối này, cô Lan Anh cho biết đã rất thành công trong những tiết học cho trẻ làm quen với văn học, trẻ rất thích thú và hưởng ứng theo từng tác phẩm.

Giáo viên cũng có thể làm những cây hoa to với nguyên liệu là giấy một mặt, bút sáp, hồ dán, keo, lõi giấy, bong và các con số từ 1-10

Cách làm: Lấy một khổ giấy A3, cho trẻ vẽ hoa trên mặt giấy, sau đó tô màu và trang trí bông hoa thật đẹp. Dùng lõi giấy làm thân hoa, nhồi cánh hoa cho phồng, thân hoa dán chặt vào lõi giấy, cắm vào cốc cho chặt. Dán số vào hai mặt hoa.

Với loại hoa này, có thể sử dụng để làm các con đường hoa xếp theo các yêu cầu của cô với các con số theo dãy tự nhiên, xếp vườn hoa theo thứ tự như cô yêu cầu

Hay với nguyên liệu là nhựa cứng, dây bông gai, keo nến, giáo viên có thể tạo thành các bảng gài bằng cách cắt tấm nhựa có chiều dài 40x20 cm; dùng băng keo dán các mép lại cho an toàn; một mặt dán dây gai cho trẻ chơi trò chơi

Với bảng gài này, có thể sử dụng được cả hai mặt khi cho trẻ chơi và học. Ví dụ xếp hoa vào mặt trước đế trẻ tách gộp, mặt sau chia bưu thiếp ra làm hai phần, chạy về bảng có cặp số tương ứng.

Với những vỏ chai sữa tươi Fristi; bút dạ màu đen; quả bóng bàn (màu vàng); nắp chai nhựa (hoặc nắp chai bia); mút xốp; một túm len (màu vàng hoặc da cam...) và hồ dán, băng dính hai mặt, giáo viên có thể làm thành những con búp bê ngộ nghĩnh mà trẻ rất thích.

Dùng vỏ chai sữa tươi Fristi làm thân búp bê (có thể bóc nhãn mác của chai rồi trang trí lại hoặc giữ nguyên tuỳ thích).

Dùng hồ dán để gắn quả bóng bàn lên trên miệng của vỏ chai sữa để làm đầu.

Buộc túm len lại ở một đầu rồi lộn ngược ra (để dấu nốt buộc) và dùng hồ (hoặc băng dính hai mặt) dán “tóc” lên đầu cho búp bê.

Cắt từ miếng mút xốp hình vành mũ rồi dán vành mũ vòng qua nút chai để tạo thành chiếc mũ rồi đội lên đầu cho búp bê.

Dùng búp dạ vẽ các bộ phận trên mặt búp bê. Mái tóc của búp bê có thể để xoã tự nhiên hoặc tết, buộc các kiểu theo ý thích của trẻ.

Với loại búp bê này có thể cho trẻ học tiết phân biệt phía phải, phía trái của bản thân và của đối tượng khác.

Cô Lan Anh cũng cho biết, trẻ cũng rất thích những đồ chơi như thú nhồi từ gang tay cũ. Ví dụ, để làm chú chó, dùng 1 gang tay làm thân; lộn ngược chiếc găng lại, sau đó dùng kéo cắt đi phần ngón cái và hai ngón giữa. Dùng kim khâu những phần bị cắt lại.

Lộn phải ra, dùng bông nhồi vào găng tay vừa khâu lại và ba ngón vừa cắt đi, hãy nhồi thật khéo để các bộ phận của chú chó tròn đều. Ngón cái ngắn nhất sẽ dùng làm đuôi chú chó, hai ngón còn lại bằng nhau dùng làm hai tay, hãy gập các mép và khâu chúng lại

Sau đó đính hai tay, đuôi vào phần thân vừa nhồi bông. Tiếp theo là khâu tạo đầu của chú chó với chiếc găng tay còn lại.

Chiếc găng tay số 2 để làm đầu chú chó, giáo viên cũng lộn ngược lại và dùng kéo cắt đi phần ngón cái và hai ngón giữa giống như vừa làm với găng tay trước, sau đó khâu các mép cắt lại.

Lộn phải chiếc găng tay ra, hai ngón tay của găng tay này sẽ làm tai của chú chó, khâu một đường ngang chỗ tiếp giáp giữa tai và đầu để sau đó ta sẽ không nhồi bông vào đoạn tai chú chó nữa.

Sau đó, nhồi bông vào để tạo đầu chú chó; phần tai, gấp ngược ra đằng sau đính vào phần đầu để giữ cố định tai của chú chó lại.

Lắp ráp đầu và thân. Dùng kim khâu tạo mắt và đính mũi. Sau đó, đính phần đầu vào phần thân cho chú chó nhé.

Với những con thú nhồi bông từ găng tay này, có thể cho trẻ tìm hiểu trong bộ môn làm quen văn học, trong giờ cho trẻ kể chuyện sáng tạo, trẻ rất hứng thú và say mê tìm hiểu các nhân vật với những đồ chơi bằng thú tự làm…

Với bàn tay khéo léo, sự đam mê và óc sáng tạo, hàng chục đồ chơi tự làm, vừa rẻ tiền, vừa hấp dẫn đã được cô Lan Anh sử dụng hiệu quả trong giờ học, cuốn hút trẻ vào một thế giới đầy màu sắc, sống động.

Tất cả các giáo viên đều có thể làm được những đồ chơi này. Nhưng cô Lan Anh lưu ý, khi thực hiện, muốn đạt được hiệu quả tối đa, giáo viên phải nắm vững phương pháp bộ môn để đưa đồ dùng vào giờ dạy vào các hoạt động một cách hợp lý.

Tích cực tham khảo tài liệu trong và ngoài chương trình, học hỏi đồng nghiệp để nâng cao trình độ, hình thức và phương pháp giảng dạy phù hợp.

Bản thân giáo viên phải chịu khó, kiên trì, có khả năng tạo hình tốt để tạo ra sản phẩm đẹp, phù hợp với độ tuổi trẻ.

Đồng thời, cần tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ được tham gia vào các hoạt động, được tham gia giúp cô những công việc vừa sức, đồ chơi được làm trên cơ sở hứng thú, theo nhu cầu của trẻ mới đạt hiệu quả cao nhất trong công tác giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.