Trẻ em cần gì?
Dù là ở đâu, dù thời đại nào, những thứ trẻ em cần vừa phức tạp vừa rất đơn giản. Phức tạp là vì mỗi cá thể trẻ em đều riêng biệt và khó đoán, trình độ không đồng nhất như người lớn nên việc tổ chức giảng dạy, vui chơi ở mỗi trường, mỗi lớp đều phải tính toán đến sở thích, trình độ của trẻ và cả hoàn cảnh thực tế ở thời điểm đó.
Để làm được việc này, người giáo viên phải rất linh hoạt và tinh tế. Tuy vậy, những điều trẻ em cần ở một trường mầm non thì luôn không thay đổi. Trẻ cần được chăm sóc khỏe mạnh, cần được yêu thương, cần được khám phá thế giới, cần môi trường giao tiếp xã hội để phát triển các kỹ năng xã hội.
Với những nhu cầu cơ bản như vậy, ta sẽ tìm hiểu các trường phải làm gì để đáp ứng. Sau đây là các tiêu chí cho một trường mầm non tốt:
a. Cơ sở vật chất
*Sân chơi ngoài trời:Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để trẻ em phát triển lành mạnh nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất ở một trường mầm non ở Việt Nam (khó trách được các trường bởi tình trạng tấc đất tấc vàng hiện nay).
Trung bình, trẻ cần tối thiểu 60 phút hoạt động thể chất một ngày để khỏe mạnh, tăng trưởng tốt, tương tác với các trẻ khác và trở nên thông minh năng động.
Ở nước ngoài, ta thường thấy trẻ em rất chủ động ăn uống, trong khi ở Việt Nam người ta dùng mọi cách để ép con ăn mà vẫn không được, và con vẫn còi. Tình trạng trên xảy ra có một phần lớn nguyên nhân là do trẻ ở nước ta không có không gian để chạy nhảy, chơi đùa.
Khi không tiêu hao năng lượng thì hiển nhiên là trẻ không có nhu cầu bổ sung năng lượng. Vậy thay vì ép con ăn thật nhiều phô mai, váng sữa để con béo lên, phụ huynh hãy tạo điều kiện cho con vận động.
Những điều phụ huynh cần lưu ý quan sát:
o Đảm bảo các đồ chơi ngoài trời phải an toàn với bé: không có cạnh sắc, không có dằm gỗ, không có các góc kẹt khiến trẻ có thể mắc chân vào gây ngã.
o Mặt sân mềm, không lồi lõm. Ở nước ngoài, các sân chơi đều được phủ vật liệu đặc biệt giống như một lớp cao su dày, không trơn, hoặc ít nhất cũng là sân phủ gỗ hoặc cao su nghiền vụn.
Khi trẻ ngã trên các vật liệu này hầu như không đau và rất ít trầy xước. Với điều kiện Việt Nam, mặt sân tốt nhất có lẽ là sân đất trồng cỏ vì các vật liệu kể trên còn hiếm và đắt. Các mặt sân bê tông đều rất cứng làm đau bé khi ngã và gây các vết trầy xước nghiêm trọng trên da bé.
Sân chơi trong nhà: Được sử dụng khi bé không thể ra ngoài chơi vì điều kiện thời tiết
o Không gian thông thoáng để trẻ chạy nhảy mà không bị va đậpo Mặt sàn không trơn láng, dễ ngã
o Đồ chơi phong phú, tốt nhất là tránh các đồ chơi làm từ nhựa kém phẩm chất độc hại với trẻ em.
*Phòng học: Để đảm bảo sức khỏe, phòng học cần thoáng mát, rộng rãi, nhiều ánh sáng mặt trời. Để trẻ phát triển trí tuệ, đồ chơi trong phòng cần đa dạng phong phú bởi trẻ học thông qua các trò chơi.
Các đồ chơi tốt bao gồm: đồ chơi xếp hình, đồ chơi lắp ghép, đồ chơi đồ hàng, đồ chơi phát triển trí tuệ, khám phá khoa học, sách truyện tranh, giấy - màu vẽ, nhạc cụ.
Một vài hoạt động rất tốt tuy ít được phổ biến ở Việt Nam nhưng rất nên có là các bàn chứa cát và nước, và cả dụng cụ nhà bếp trong lớp học. Cát - nước và nấu ăn là các hoạt động rất tốt cho sự phát triển vận động tinh ở trẻ, là cơ hội cho trẻ khám phá khoa học và giúp trẻ sáng tạo.
o Điều hòa một chiều hay hai chiều, có hoạt động tốt không?o Không gian xung quanh yên tĩnh hay thường xuyên ồn ào, có cống rãnh bẩn, ao hồ dễ ngã hoặc các hàng quán không lành mạnh hay không
o Đồ chơi trong phòng học có đa dạng phong phú không, có được sử dụng thường xuyên không, trẻ có dễ lấy không (người viết bài đã từng chứng kiến các nhà trẻ có nhiều đồ chơi nhưng cất nguyên bộ trong túi nilon và khóa trong tủ kính trên cao cho mới)
o Chỗ rửa tay và vệ sinh (Nhiều lớp học không hề có chỗ rửa tay cho trẻ. Quý vị phụ huynh có thể tưởng tượng là sau khi nghịch lê la trên sàn nhà, trẻ ngồi xuống ăn cơm với bàn tay như thế nào)
o Khăn mặt được giặt thế nào? Nhiều nhà trẻ có phân biệt các khăn dùng riêng cho mỗi trẻ, nhưng lại giặt chung và phơi khô trong phòng vào buổi tối. Cách vệ sinh này không thể diệt hết nấm mốc, vi khuẩn trong khăn cho trẻ. Tốt nhất là giặt khăn rồi hấp tiệt trùng hàng ngày.
o Điều kiện ngủ trưa cho trẻ? Trẻ nằm đất trải chiếu sẽ mất vệ sinh và dễ bị mất nhiệt hơn là mỗi trẻ có một giường riêng. Trẻ dùng chăn chung sẽ mất vệ sinh hơn là mỗi trẻ có một bộ chăn gối do gia đình mang tới.
o Nên quan sát dụng cụ vệ sinh lớp học của giáo viên (giẻ lau nhà). Một số trường dùng nước thường với giẻ lau cáu bẩn, một số trường dùng dung dịch vệ sinh bán sẵn (nước lau nhà, lau kính) đều là hóa chất không tốt cho trẻ.
Để diệt khuẩn tốt và không gây độc hại cho da bé, các trường nên dùng nước lã có pha chanh hoặc vỏ cam, vỏ bưởi để vệ sinh nền nhà. Nếu sàn nhà trải thảm thì phụ huynh cần được đảm bảo rằng thảm phải được hút bụi thường xuyên.
o Tủ thuốc và đồ cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp. Bạn cũng cần được biết nhà trường sẽ đưa trẻ đến bệnh viện/trung tâm y tế nào khi cần cấp cứu.
o Đồ dùng trong phòng không có các cạnh sắc có thể tạo thành vết thương cho trẻ khi va phải. Nếu có góc nhọn, cạnh sắc, hãy yêu cầu nhà trường mua thiết bị dán bảo vệ.
*Bếp ăn:Những điều phụ huynh cần lưu ý quan sát:
o Độ thông thoáng của nhà bếp
o Các bề mặt bàn bếp, sàn nhà có dễ cọ rửa và trắng sạch hay không
o Nhà bếp có đủ nước sạch dùng không
o Chạn kê bát đũa có thoáng, sạch, có cánh cửa tủ không
o Một số trường học tráng bát sau khi rửa bằng nước sôi. Hãy hỏi trường bạn đang tìm hiểu xem họ làm thế nào nhé
o Nhớ kiểm tra nguồn gốc thực phẩm con bạn ăn hàng ngày
b. Giáo viên
Giáo viên là những người lớn tiếp xúc với bé nhiều nhất trong ngày sau gia đình bé. Giáo viên sẽ là hình mẫu cho trẻ học theo cách nói chuyện, cách ứng xử hay nói chung là văn hóa.
Họ cũng là người thay bạn rèn các nề nếp sinh hoạt cho trẻ. Ở Việt Nam khi các gia đình còn hay làm hết mọi thứ cho trẻ, người giáo viên sẽ là người tạo môi trường để trẻ học các kỹ năng tự chăm sóc bản thân như ăn uống, vệ sinh cá nhân, tự phục vụ (dọn bàn, đi giày dép, gấp chăn chiếu v.v).
Một người giáo viên tốt sẽ khiến trẻ tin tưởng vào con người nói chung, tự tin vào bản thân, biết cách tự giải quyết vấn đề và nhiều lợi ích khác nữa.
Những điều phụ huynh cần lưu ý:
Ngoại hình và giọng nói của giáo viên
Tình yêu và sự quan tâm tới trẻ: bạn có thể kiểm tra điều này thông qua việc tìm hiểu xem giáo viên có hiểu rõ đặc điểm của từng trẻ trong lớp hay không.
Thu nhập: Điều này là rất tế nhị nhưng nếu có điều kiện thì phụ huynh nên tìm hiểu. Một giáo viên không phải lo lắng về kinh tế sẽ hết lòng chăm lo tới trẻ. Đừng mặc định là lương giáo viên tỉ lệ thuận với số tiền bạn trả cho trường.
Trình độ, đào tạo nâng cao: Mặc kệ các trường có hào nhoáng đến đâu, giáo viên vẫn là linh hồn của một ngôi trường.
Do đó để chắc chắn một ngôi trường thực sự làm việc nghiêm túc hay không, hãy nhìn vào chương trình đào tạo nội bộ của trường: giáo viên có được đào tạo hay không, chương trình đào tạo gồm những gì, bộ phận nào đảm trách đào tạo, lịch đào tạo có được lên thường xuyên không.
Nhìn chung, giáo viên công lập thường có trình độ cao hơn giáo viên các trường tư thục ngay từ khi tuyển vào, được đào tạo theo ngành dọc nhiều hơn và được đào tạo theo kiểu một kèm một (người trước hướng dẫn người sau) tốt hơn.
Nếu giáo viên dạy con bạn đang hoặc đã từng dạy ở các trường công lập lớn ở các thành phố lớn, đây có thể là một điểm khiến bạn yên tâm.
· Tương tác giữa giáo viên và học sinh: phụ huynh cần quan sát kỹ khi đưa con tới thăm lớp hoặc tham khảo các phụ huynh đã từng gửi con trước mình
o Giáo viên có mỉm cười thân thiện với trẻ không
o Giáo viên có nói chuyện ngang tầm mắt với trẻ không
o Giáo viên có chủ động hỏi han, nói chuyện và lắng nghe trẻ không
o Giáo viên có kiểm soát được tình hình của lớp không (nhiều giáo viên tỏ ra "bất lực" khi trẻ la hét, khóc mếu, không tập trung, hoặc tỏ ra mất bình tĩnh và cũng la hét hoặc thậm chí, đánh trẻ)
o Giáo viên có công bằng khi đối xử với các trẻ không
o Giáo viên có kiên nhẫn khi hướng dẫn trẻ thực hiện các kỹ năng mới không
o Hãy đảm bảo là giáo viên không đánh đập, xúc phạm trẻ trong bất kỳ trường hợp nào. Để chắc chắn, bạn có thể yêu cầu trường ký cam kết với bạn về điểm này trước khi bắt đầu cho con vào học.
c. Chương trình tiếng Anh/ngoại ngữ
Đây là một trong những điểm chủ chốt trong chiến dịch PR/Marketing của các trường mầm non hiện nay.
Những điều phụ huynh cần lưu ý:
o Trình độ/phát âm của giáo viên người Việt
o Nguồn gốc, bằng cấp của giáo viên nước ngoài
o Trang thiết bị để học ngoại ngữ: giáo trình, băng đĩa, loa đài, giáo cụ trực quan
o Phương pháp giảng dạy của giáo viên. Giáo viên giỏi là giáo viên
khiến trẻ em thích thú khi học; học mà cảm tưởng như là đang chơi.
o Số giờ học ngoại ngữ mỗi tuần.
d. Chương trình kỹ năng sống:
Đây cũng là một trong những "điểm sáng" mà các trường hay đưa ra khi thuyết phục bạn cho con vào trường họ. Tuy nhiên, bạn nên hiểu bản chất việc giáo dục ở bậc học mầm non là giáo dục kỹ năng cho trẻ.
Vì vậy, các chương trình này có cũng tốt (trên thực tế, các giáo viên dạy kỹ năng thường có kỹ năng và phương pháp tốt hơn hẳn giáo viên thông thường), nhưng hãy chỉ coi nó là một điểm cộng cho trường bởi số giờ học thường không nhiều. Bản thân chương trình kỹ năng cũng thường đánh vào thị hiếu của phụ huynh hơn là nhu cầu thực của trẻ.
e. Hoạt động ngoại khóa:
Là điều nên có và hay được quảng bá rộng rãi bởi các trường có tiềm lực kinh tế. Các hoạt động ngoại khóa đa dạng là cần thiết, tuy nhiên bạn đừng để những điều đó làm mờ đi các quan tâm khác tới chất lượng thực của trường.
f. Chương trình học:
Dù các trường rất hay đề cập đến chuyện họ dùng chương trình học nào, thực tế là điều này không quan trọng lắm. Chương trình chính thức của Việt Nam là đủ mở, đủ hợp lý và đã được tham khảo các tài liệu nước ngoài.
Thêm nữa, khoảng thời gian trẻ ở trường tuy dài (~ 8 tiếng) nhưng phần lớn được dành cho các nhu cầu ăn, ngủ, vệ sinh, vận động thể chất và nhiều hoạt động khác.
Thời gian còn lại thực sự không đáng là bao. Trẻ được học chương trình nào cũng tốt, vì nội dung chương trình không quan trọng bằng cách thức giáo viên thực hiện nó.
g. Thực đơn:
Hãy chắc chắn rằng bạn có thể biết chính xác con bạn ăn những gì trong ngày. Thỉnh thoảng hãy hỏi con bạn về lượng thực phẩm bé được cung cấp ở từng bữa.
h. Đánh giá và báo cáo kết quả:
Con bạn cần nhiều hơn là một năm 3 lần họp phụ huynh. Những trường tốt cần cam kết việc thông báo tình hình trẻ bằng văn bản tới phụ huynh định kỳ.
Bạn cần đảm bảo rằng, các thông tin về con bạn được giữ bí mật và không được tùy tiện sử dụng mà không có sự cho phép từ gia đình bạn.
Nếu con bạn cần chăm sóc đặc biệt, hãy yêu cầu giáo viên và bạn liên lạc thông qua một sổ liên lạc để hàng ngày bạn và giáo viên trao đổi thông qua đó.
i. Lãnh đạo trường:
Nếu có điều kiện, phụ huynh nên tìm hiểu lãnh đạo/người quản lý các trường. Một người lãnh đạo/quản lý tốt không những phải đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu mà còn phải coi trọng và bảo vệ lợi ích cho giáo viên của chính họ nữa.
Bản thân người viết bài này đã từng làm việc ở những trường lớn và thu phí cao, nhưng giáo viên tốt thì cứ phải lần lượt ra đi. Phụ huynh khôn ngoan hãy nghĩ về điều đó.
Bậc học mầm non yêu cầu tính trách nhiệm ở những người liên quan rất cao. Một sơ suất nhỏ của giáo viên, của người quản lý có thể dẫn tới hậu quả khôn lường cho con bạn.
Top 10 dấu hiệu của một lớp học tốt
1. Trẻ em đang chơi với các trò chơi/vật liệu hoặc với các trẻ khác. Trẻ không đi thơ thẩn hoặc bị ép phải ngồi trật tự trong một khoảng thời gian dài.
2 Trẻ tham gia vào nhiều hoạt động đa dạng trong một ngày, ví dụ như xây dựng, đóng kịch, xem sách, vẽ hoặc các trò chơi như lego, xếp hình. Các trẻ không luôn luôn làm các việc giống nhau trong cùng thời gian.
3 Các giáo viên làm việc với từng trẻ, nhóm nhỏ và với cả lớp trong những khoảng thời gian khác nhau trong một ngày. Họ không chỉ dành thời gian để làm việc với cả lớp.
4 Lớp học được trang trí bằng chính tranh vẽ, chữ viết của trẻ
5 Trẻ học số và chữ cái thông qua các hoạt động hàng ngày. Khám phá thế giới thiên nhiên như cây cối, động vật, nấu nướng, trực nhật và phục vụ bữa ăn là những hoạt động ý nghĩa hàng ngày cho trẻ
6 Trẻ làm những công việc (project) riêng và có khoảng thời gian đủ dài (ít nhất là 1 giờ đồng hồ) để tự chơi và khám phá
7 Trẻ có cơ hội để chơi ngoài trời mọi ngày mà thời tiết cho phép. Không bao giờ được phép bỏ qua hoạt động này để có thêm thời gian cho dạy học
8 Giáo viên có thể đọc sách cho trẻ bất cứ thời gian nào trong ngày chứ không chỉ là trong thời gian đọc sách cho cả nhóm
9 Chương trình giảng dạy được sửa cho phù hợp với cả những trẻ học nhanh hoặc chậm. Bởi vì mỗi trẻ em có những kinh nghiệm và kiến thức khác nhau nên các em không thể học cùng một thứ, cùng một lúc và theo cùng một cách
10 Trẻ và phụ huynh mong muốn được đến trường. Phụ huynh cảm thấy yên tâm khi gửi trẻ, học sinh vui vẻ, không khóc lóc hoặc ốm thường xuyên.