May đồng phục cho HS: Đừng nhuốm màu thương mại

May đồng phục cho HS: Đừng nhuốm màu thương mại

(GD&TĐ) - Hiện nay, dư luận xã hội chưa thật đồng tình bởi tại một số nhà trường việc may đồng phục cho HS đã nhuốm màu thương mại hóa, nhiều trường chưa thật chú trọng đến chất lượng cũng như hiệu quả sử dụng.

Trang phục - nét đẹp học đường

Nhiều năm qua, một số trường học ở các địa phương, đặc biệt là thành phố lớn rất chú trọng đến việc may đồng phục HS. Nhìn những bộ đồng phục HS cũng dễ nhận biết “thương hiệu” các trường học. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là các em HS chững chạc hơn trong bộ trang phục đẹp, đồng bộ cả lớp, cả trường.

Song do điều kiện và qui định của từng trường, việc HS mặc đồng phục cũng khác nhau theo mẫu mã, thời gian mặc trong tuần. Trường thì qui định một tuần hai buổi, trường thì qui định HS mặc đồng phục cả tuần. Ngoài đồng phục HS gồm quần âu hoặc quần soóc mùa hè với áo sơ mi dài tay, cộc tay, áo khoác mùa đông, ở nhiều trường còn qui định HS phải mặc cả đồng phục thể thao trong giờ học của môn học này. 

Thực ra, nhằm tránh tính trạng lạm thu đầu năm, một số trường cho phụ huynh địa chỉ, hướng dẫn tự đưa con đến nhà may may đồng phục. Nhưng nhiều trường vẫn đứng ra tổ chức thu tiền, gọi thợ đến đo cho HS và đầu năm học sẽ phát đồng phục theo danh sách các lớp. 

Nhằm định hướng cho các nhà trường khi tổ chức may đồng phục cho HS, năm 2009 Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư qui định về đồng phục học sinh

. Trong Thông tư nhấn mạnh việc HS mặc đồng phục là việc làm có ý nghĩa giáo dục, góp phần xây dựng môi trường học tập - nếp sống văn hoá.

Song vấn đề HS mặc đồng phục đến trường hoàn toàn không phải là bắt buộc mà do hiệu trưởng quyết định, căn cứ vào điều kiện khí hậu thời tiết các vùng miền, phải được phụ huynh đồng thuận, đặc biệt là phải đảm bảo tính tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương.

May đồng phục học sinh phải tính đến sự tiện lợi, mỹ quan và giá cả hợp lý với các bậc phụ huynh
May đồng phục học sinh phải tính đến sự tiện lợi, mỹ quan và giá cả hợp lý với các bậc phụ huynh
 

Phải coi trọng chất lượng và hiệu quả sử dụng

Tinh thần của Thông tư là như vậy nhưng thực tế cho thấy thời gian qua ở một số trường, tại một số địa phương việc may đồng phục HS có sự thái quá, khiến dư luận xã hội lên tiếng phê phán.

Nguyên do, phụ huynh tại các trường này không đồng tình việc nhà trường tổ chức may đồng phục HS bởi những bộ đồng phục vừa kém chất lượng, thậm chí lại không thể sử dụng được bởi kích cỡ không vừa. 

Về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thiêm - khu Nhạc Viện Hà Nội chia sẻ: Con trai chị năm nay lên lớp 11, đầu năm cũng thấy trường tổ chức may đo cho từng HS nhưng khi được phát mang về, bộ đồng phục quần âu, áo sơ mi của trường may cho chỉ sử dụng được áo. Còn quần vừa dài, bụng rộng thừa tới cả gang tay, ống quần chẽn vào cổ chân, cố đút chân vào lúc mặc thì lúc cởi ra quá khó. Vì vậy, một đôi quần đồng phục mua cho con chị Thiêm đành vứt bỏ.

Chị Ngọc Mai ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) phàn nàn: Năm ngoái con vừa vào trường phải mua hàng loạt đồng phục nhưng năm nay nhà trường lại thay đổi mẫu mã mới đồng phục thể thao và áo khoác, lại phải mua thêm, gây lãng phí. Nếu không mua, con mình lại mặc khác bạn trong lớp cũng không được.

Tại Hà Nội, việc HS đầu cấp nhập học phải may đồng phục nhà trường là lẽ đương nhiên, như sự bắt buộc. Bởi không ít trường, phụ huynh đến làm thủ tục nhập học cho con đã phải chi tiền triệu để được nhà trường phát cho một bộ đồng phục quần âu, áo sơ mi dài tay, cộc tay, bộ đồng phục thể dục và áo khoác mùa đông.

Nếu so với giá cả các nhà may lớn, đồng phục HS đắt hơn, đặc biệt, chất liệu vải của nhà trường quá nóng vào mùa hè, không đủ ấm vào mùa đông. Chủ yếu chất liệu ít conton nên HS mặc cả ngày bí, không thoát mồ hôi. Đấy là chưa kể nhiều nơi cô giáo chủ nhiệm tổ chức may đồng phục cho HS lớp mình chủ nhiệm.

Việc Trường Tiểu học Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) tổ chức may đồng phục cho HS với số tiền mà theo các phụ huynh tính toán bằng cả tạ thóc đã được Sở GD&ĐT Hà Nội chấn chỉnh. Đừng để việc may, mặc đồng phục HS bị biến tướng, thương mại hóa, đó là mong muốn của phụ huynh HS. Bởi cơ chế thị trường hiện nay, phụ huynh rất dễ định giá giá trị thực bộ quần áo đồng phục của con. 

Một doanh nghiệp chuyên may đồng phục HS bật mí: Tiếp thị sản phẩm gì vào trường học cũng lãi lớn bởi số lượng HS đông, tiêu thụ lớn, tạo ra nguồn lợi nhuận khủng. Tiền chênh giữa giá bán nhà cung cấp, qua nhà trường, đến người tiêu dùng là HS thường tăng khoảng 35-40%. Sự chênh lệch về giá như vậy thì ai là người được hưởng lợi, ai là người thiệt thòi? Việc tổ chức cho HS mặc đồng phục đến trường là việc nên làm vì giúp các con đến trường sạch, đẹp hơn, tự tin hơn trong bộ trang phục thể hiện thương hiệu GD trường mình. Tuy nhiên, không nên thương mại hóa hoạt động này.

Quy định của Sở GD&ĐTHà Nội: Đồng phục HS phải được thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi và văn hóa địa phương; được hội đồng nhà trường, cha mẹ HS đồng thuận; dễ tìm mua hoặc may ở nhà, chất liệu bền, giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế. Sở GD&ĐT không khuyến khích các trường thay đổi, thêm bớt các chi tiết trên đồng phục hằng năm. Trong trường hợp thật sự cần thiết thay đổi thì phải bàn bạc cụ thể và được sự đồng thuận của cha mẹ HS.

Vũ Kiệt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...