Mất cân đối nguồn nhân lực do đào tạo nghề chạy theo số lượng

GD&TĐ - Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) bộc lộ rõ sự mất cân đối trong đào tạo nhóm ngành nghề bởi chạy theo số lượng.

Sinh viên Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn trong một giờ thực hành.
Sinh viên Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn trong một giờ thực hành.

Nguyên nhân của thực trạng mất cân đối nguồn nhân lực do đào tạo nghề là việc tuyển sinh đào tạo bất chấp các quy hoạch và dự báo nhân lực của các trường. Nó dẫn đến nhiều nhóm ngành nghề dư thừa lao động, trong khi nhóm còn lại thì tìm không ra người làm.

Thiếu chính sách gắn kết với doanh nghiệp

Không khó để nhận thấy mục tiêu tuyển sinh và đào tạo của nhiều trường nghề trong những năm qua phần lớn vẫn dựa vào những nhóm ngành hot trend, hút người học. Sau thời gian ồ ạt chạy đua theo việc tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe y dược, điều dưỡng, y học cổ truyền, y đa khoa thì hiện nay nhiều trường đã và đang sống bằng những nhóm ngành hot mới nổi như: Công nghệ ô tô, CNTT, Luật, Logistics và Thương mại điện tử.

Việc chỉ chú trọng tuyển sinh và đào tạo những ngành hot và hút thí sinh và bỏ rơi những ngành không được thí sinh chuộng và đòi hỏi sự đầu tư nhiều lâu dần đã dẫn đến sự mất cân đối trong đào tạo nhân lực của các trường nghề.

Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia tuyển sinh hướng nghiệp, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực nhìn nhận: Xu hướng tuyển sinh chạy theo nhóm ngành hot và đào tạo vẫn còn khá “đậm đặc” ở nhiều trường. Theo ông, đây cũng là điều dễ hiểu khi nhiều trường vì áp lực tuyển sinh, tài chính buộc phải lấy ngắn nuôi dài, lấy chỉ tiêu những ngành đông người học để bù đắp và gồng gánh cho những ngành ít thí sinh.

“Vấn đề nghịch lý của thị trường lao động Việt Nam nhiều năm qua là thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển, nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở các ngành cần thiết của nền kinh tế và phát triển công nghiệp 4.0. Thực tế minh chứng nhiều trường dù có tới 15-20 mã ngành đào tạo nhưng chỉ chú trọng tuyển sinh 5-7 mã ngành hút người học. Điều này làm mất cân đối của thị trường lao động về lâu dài.

Vì vậy, để gắn kết đào tạo với thị trường lao động và việc làm một cách bền vững, các trường cần phải hình thành và tăng cường chất lượng hoạt động của các trung tâm, câu lạc bộ quan hệ doanh nghiệp trong các cơ sở đào tạo, để làm tốt vai trò cầu nối giữa đào tạo và sử dụng lao động. Qua đó, các hoạt động về thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, tạo dư luận xã hội… sẽ được các trường, kết hợp với doanh nghiệp thực hiện tốt, giúp cho sinh viên, học sinh hiểu rõ thị trường lao động và có sự chọn lựa phù hợp hơn cho nghề nghiệp, giảm sự mất cân đối của thị trường nhân lực” – ông Tuấn nói.

Sinh viên khối ngành sức khỏe một Trường Cao đẳng đi thực tập tại bệnh viện.
Sinh viên khối ngành sức khỏe một Trường Cao đẳng đi thực tập tại bệnh viện.

Ông Lê Phước Triều, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa- Vũng Tàu thì cho rằng: Khó khăn trong tuyển sinh và tâm lý chưa mặn mà với học nghề của nhiều phụ huynh, học sinh gián tiếp tác động đến việc mất cân đối trong đào tạo nhóm ngành nghề. Ngoài ra, một tỉ lệ lớn học sinh tốt nghiệp THCS tham gia vào thị trường lao động mà không qua đào tạo đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và cơ cấu đào tạo của lực lượng lao động.

Nhìn nhận thẳng vào thực trạng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay, bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết: Việt Nam đang có lợi thế với lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Tuy nhiên, nhân lực còn yếu về chất lượng: thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, lao động thiếu năng động và sáng tạo, tác phong chuyên nghiệp.

Theo bà Quỳnh, trong giai đoạn tới, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược của Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, các đơn vị đào tạo, quản lý cần định hướng giáo dục theo nhu cầu nhằm tạo ra sự cân bằng trong đào tạo và sử dụng nhân lực ở các ngành nghề, vùng, miền và các thành phần kinh tế, tránh lãng phí không cần thiết khi đào tạo lao động có bằng cấp mà không được sử dụng hay sử dụng sai so với nội dung đào tạo. Hệ thống giáo dục quốc dân cần được hoàn thiện theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

“Đặc biệt, để rút ngắn khoảng cách về trình độ học vấn cũng như trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, các chương trình mục tiêu quốc gia cần được xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân vùng nông thôn, các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa… Đầu tư cho giáo dục đào tạo cần được tăng cường bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước cần tăng lên, đồng thời huy động nhiều hơn, tốt hơn sức dân thông qua đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập”- bà Quỳnh nhấn mạnh.

Quản lý lỏng lẻo, nguyên nhân dẫn đến các hệ lụy

Theo Bộ LĐTB&XH ngoài tỉ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chất lượng lao động cũng có sự chênh lệch rất lớn giữa các vùng, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng (36,96%), tiếp đến là vùng vùng Đông Nam Bộ (28,34%), vùng Trung du và miền núi phía Bắc (25,99%), vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (25,75%); thấp nhất là 2 vùng Tây Nguyên (16,51%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (14,61). Con số chung của cả nước hiện mới chỉ đạt trên 26%.

Nguyên nhân của tình trạng trên chính là do quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đô thị chưa đồng bộ, chưa tính đến phát triển nguồn nhân lực của từng vùng, miền, địa phương. Ngoài yếu tố trên, thực tế, việc mất cân đối trong đào tạo nhân lực giữa các nhóm ngành nghề của hệ thống GDNN có nguyên nhân không nhỏ từ công tác quản lý, hậu kiểm công tác tuyển sinh với các trường. Không ít trường Cao đẳng ở ngoài khu vực TP.HCM, Hà Nội khi lập cơ sở tại TP ngoài việc tạm bợ và chắp vá về điều kiện cở sở vật chất giảng dạy nhưng họ ra sức tuyển hết mức có thể trong khi chỉ tiêu thực cấp rất nhỏ.

Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ TP.HCM tìm kiếm việc làm tại Ngày hội việc làm do trường tổ chức.

Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ TP.HCM tìm kiếm việc làm tại Ngày hội việc làm do trường tổ chức.

Bất cập tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo của hàng loạt trường Cao đẳng tỉnh tại các TP lớn như TPHCM, Hà Nội theo ông Nguyễn Thành Hiệp - nguyên trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTB&XH TPHCM là điều ai cũng có thể nhìn thấy, nó gây bức xúc rất lớn cho các trường Cao đẳng tại địa phương khi “băm nát” các dự báo về nhu cầu nhân lực, khiến gia tăng tình trạng mất cân đối lớn giữa các nhóm ngành nghề.

“Việc chỉ tiêu tuyển sinh và phôi bằng cấp phát không có sự đồng nhất với nhau (chỉ tiêu cơ sở địa phương giao, bằng trường tự in cấp) đã tạo ra “lỗ hỗng” lớn cho các trường mặc sức khai thác và qua mặt cơ quan quản lý là Tổng cục GDNN. Thực tế, những sai phạm trong tuyển vượt, tuyển lố, thậm chí tuyển sinh và đào tạo các ngành nghề chưa được cấp phép tại các trường Cao đẳng dạng trên nhiều nhan nhản. Vấn đề là công tác kiểm tra, hậu kiểm của các đơn vị quản lý làm chưa chặt sau khi kiểm tra, thẩm định và cấp chỉ tiêu. Nếu làm kỹ, làm nghiêm thì làm gì có chuyện chỉ tiêu TP.HCM cho có 80 mà tuyển tới 800 em”- ông Hiệp nói.

Đối sánh và rà soát ở nhiều đơn vị quản lý, các trường chúng tôi có thể nhận thấy tính minh bạch về chính sách, chỉ tiêu, năng lực đào tạo của nhiều trường CĐ-TCCN gần như không được công bố. Điều này gián tiếp cắt đứt sự giám sát hoạt động (chỉ tiêu được cấp, cơ sở đào tạo có phép hay không) của người học và phụ huynh, hệ lụy dẫn đến là nhiều trường dù chưa được cấp phép, đào tạo một ngành nào đó nhưng đã tuyển sinh bất chấp để rồi sinh viên là người ôm đủ khi học một nơi, nhận bằng một nẻo.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực; Sự mất cân đối trong đào tạo nhân lực (giữa các nhóm ngành nghề) thể hiện rõ ở tình trạng người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường.

“Một thống kê mới nhất cho thấy, có tới 84,61% lao động có trình độ cao đẳng, 65,99% số lao động có trình độ trung cấp, 22,81% số lao động có trình độ đại học trở lên làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo. Mặt khác, có khoảng 44,48% lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng cao hơn so với bằng cấp. Điều này cho thấy rõ sự mất cân đối của nguồn nhân lực có tay nghề hiện nay” - ông Tuấn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ