Tuyển sinh và chất lượng đào tạo: Nhiệm vụ sống còn của trường nghề

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Kế hoạch và chỉ tiêu tuyển sinh đã được đưa vào chương trình Công tác năm 2022 của Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục GDNN phổ biến triển khai rộng rãi. Điều này chứng tỏ tuyển sinh đang là nhiệm vụ sống còn của nhiều trường nghề.

Tuyển sinh là nhiệm vụ sống còn của nhiều trường nghề. Ảnh minh họa
Tuyển sinh là nhiệm vụ sống còn của nhiều trường nghề. Ảnh minh họa

Tuyển sinh linh hoạt

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, mạng lưới các trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên hiện có khoảng 1.909 cơ sở. Người học có thể lựa chọn các chương trình đào tạo trong nước hoặc liên kết, chuyển giao các gói đào tạo của các nước phát triển như của Úc, Đức…

Ông Vũ Văn Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục GDNN), cho biết, để giúp các cơ sở GDNN thuận lợi trong việc tuyển sinh, Tổng cục đã đưa ra các giải pháp khác nhau để các trường tăng quy mô tuyển sinh. Cụ thể, trước đây, các trường chỉ được tuyển sinh ngành A ở mức này, nếu vượt quá 10% chỉ tiêu sẽ bị “tuýt còi”. Còn hiện nay, không khống chế như trước đây mà cho phép các trường linh hoạt tuyển sinh.

Tổng cục đã ban hành Công văn 1046 hướng dẫn các trường làm sao để thực hiện linh hoạt tuyển sinh giữa các ngành nghề trong cùng nhóm. Đồng thời, linh hoạt quy mô giữa các trình độ đào tạo trong cùng ngành, nhóm ngành.

“Để tăng cường và hỗ trợ cho các cơ sở hoạt động đào tạo, các trường được phép liên kết đào tạo với các cơ sở, doanh nghiệp trong tuyển sinh. Đồng thời được phép thỉnh giảng 40% khối lượng chương trình đào tạo”, ông Hà cho hay.

Nhiều trường nghề đang đứng trước áp lực cạnh tranh không chỉ đến từ các trường ĐH trong và ngoài nước, mà đến từ chính các trường nghề trong hệ thống GDNN. Bởi, người học ngày nay có những điều kiện thuận lợi hơn trước để lựa chọn nơi học. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và số hóa nên chính các trường nghề phải liên tục cải tiến chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đây cũng là thách thức lớn đối với nhiều cơ sở.

Ông Trương Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, thông tin, số vị trí việc làm doanh nghiệp cần tuyển dụng cao hơn rất nhiều so với số sinh viên tốt nghiệp hằng năm của nhà trường. Kinh nghiệm là lý thuyết đi đôi với thực hành, sinh viên năm cuối được tham quan, thực tập tại doanh nghiệp và hầu hết đã tuyển dụng các em khi tốt nghiệp.

“Hàng năm, ngày nhận bằng tốt nghiệp cũng là ngày các tân cử nhân, tân kỹ sư thực hành của trường được tuyển dụng và sang bước ngoặt mới, đóng góp kiến thức, kỹ năng được học cho xã hội. Bên cạnh nỗ lực dạy và học của thầy và trò, các hoạt động tư vấn hỗ trợ, chế độ chính sách, học bổng, sân chơi học thuật và hoạt động tình nguyện cộng đồng đã giúp các em thêm tự tin và hình thành những kỹ năng cần thiết”, ông Trung chia sẻ.

Lưu ý những ngành học được quan tâm

Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Tổng cục đã phê duyệt kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị thông tin đại chúng để thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh năm 2022. Mục đích để tổ chức và tham gia tuyên truyền tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, việc làm.

Theo đó, đã tổ chức được 2 Hội nghị tuyển sinh, đào tạo nhân lực theo lĩnh vực chuyên sâu, đặc thù về du lịch và logistics. Sẽ còn một số hội nghị chuyên sâu, đặc thù khác về y tế và lĩnh vực khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu.

Bên cạnh đó là hội nghị tuyển sinh đào tạo, việc làm chung trong toàn hệ thống. Tổng cục GDNN đã và đang phối hợp tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương như Hải Dương, Hà Nội, Cần Thơ...

Tổng cục cũng đang tiếp tục hoàn thiện Đề án đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS theo góp ý của Bộ GD&ĐT. Đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ phê duyệt báo cáo Quốc hội để có thể tổ chức đào tạo thí điểm.

Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, với GDNN, tất cả các ngành, nghề được các cơ sở GDNN đăng ký bổ sung khi nhu cầu nhân lực tại vùng, địa phương, ngành, lĩnh vực có nhu cầu đều là ngành “hot”. Tuy nhiên, cũng phải kể đến sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội qua đại dịch. Đó là các lĩnh vực như du lịch, y tế, logistics, kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin, sáng tạo phần mềm, nông nghiệp chất lượng cao... đang được người học quan tâm nhiều hơn.

Dịch bệnh Covid-19 với nhiều chiều hướng nảy sinh đã tác động đến toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trên tất cả các lĩnh vực. Những biến động về mặt xã hội đã tạo ra sự bất ổn về lực lượng lao động. Nhất là khi dịch bệnh đã dần được khống chế, hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở cửa trở lại.

Điều đó đã đặt ra bài toán cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho doanh nghiệp và thị trường lao động. Mục đích để đảm bảo phục hồi kinh tế theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

GDNN đã hướng tới tự chủ theo tinh thần của Nghị định tự chủ số 16 và đã được thay thế bằng Nghị định tự chủ số 60/2021 của Chính phủ. Theo đó, 3 trường được thí điểm tự chủ toàn diện của GDNN đã và đang phát triển.

Đối với các cơ sở GDNN, khi được tự chủ thì việc đảm bảo quyền lợi, duy trì nâng cao trách nhiệm với cán bộ quản lý, nhà giáo, viên chức là yếu tố sống còn. Đó là động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.

Theo số liệu báo cáo tổng hợp, tính đến đầu tháng 6/2022, cả nước đã tuyển sinh được hơn 920 nghìn người, đạt khoảng 48% so với kế hoạch năm và tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp được hơn 70 nghìn người, đạt khoảng 14% kế hoạch. Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác khoảng 850 nghìn người, đạt khoảng 55% kế hoạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.