* Doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề ‘cười nhạt bắt tay lỏng’
Ngân sách Trung ương đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2001-2010 là 8.177 tỷ đồng. Giai đoạn 2011-2020 là 21.575 tỷ đồng, bằng 2,638 lần so với giai đoạn 2001-2010. Như vậy, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển hệ thống dạy nghề giai đoạn 2011-2020 tăng lên, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong công tác phát triển dạy nghề.
Vậy nhưng, kết quả của sự đầu tư này là xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm bét ASEAN. Giáo dục và Thời đại có tuyến bài phân tích về nguyên nhân của thực trạng này.
Kỹ năng thấp hơn yêu cầu thị trường
Tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể là trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Về cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới. Đây tiếp tục là điểm nghẽn cho phát triển việc làm chất lượng và năng suất.
Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN. Nhìn chung, trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm.
Việt Nam hiện thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia và quản lý doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm. Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ còn thiếu và yếu.
Những hạn chế này đã cản trở sự đóng góp của nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, trình độ lao động thấp thì sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề, công đoạn có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động và bắt kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, nhìn tổng thể, ở thời điểm hiện tại thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều. Chúng ta thấy đã và đang tồn tại tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ.
Phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, thiếu tính kết nối. Năng lực cán bộ là khâu yếu nhất của quản trị thị trường lao động, thiếu các chuyên gia và đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để dự báo, phân tích xu thế và đề xuất giải pháp quản lý thị trường lao động có hiệu quả.
Bên cạnh đó, hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa bền vững, lưới an sinh xã hội chưa đủ sức đảm đương phòng ngừa, khắc phục và chống chịu rủi ro bền vững cho người lao động.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là tổ chức thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (trừ sư phạm) trong phạm vi cả nước; quản lý, thực hiện các dịch vụ công về giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Dấu hỏi về chất lượng đào tạo nghề
Tại hội nghị Triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho hay, nếu so sánh nhân lực của Việt Nam với các nước ở trong khu vực và trên thế giới thì năng lực cạnh tranh của chúng ta tương đối thấp.
Cụ thể, dẫn một thống kê xếp hạng 141 quốc gia về năng lực cạnh tranh năm 2019, Việt Nam đứng ở thứ 67, chỉ xếp trên Lào và Campuchia trong khu vực Đông Nam Á. Còn về năng suất lao động tính theo giờ làm việc, nếu như Singapore là 54,9 thì Việt Nam là 4,4.
“Tức năng suất lao động của chúng ta chưa bằng 1/10 của Singapore; bằng khoảng một nửa so với Philippines; bằng khoảng 1/3 so với Indonesia và Thái Lan. Như vậy, nếu so sánh năng suất lao động tính theo giờ làm việc, chúng ta đang đứng ở top rất thấp trong khu vực”.
Về chỉ số chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta xếp thứ 70/100 quốc gia xếp hạng, tức là so với các nước ở trong khu vực mà tham gia xếp hạng thì chúng ta chỉ đứng trên Campuchia; trong khi Singapore xếp thứ 2.
“Như vậy chỉ số chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta cũng đang ở mức rất thấp. Về lao động chuyên môn cao, chúng ta đứng thứ 81/100 quốc gia. So với trong khu vực, chúng ta chỉ xếp trên Indonesia và Campuchia. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ ở mức 26,1%”, ông Đào Trọng Độ thông tin.
Với những con số đó, có chuyên gia bày tỏ nghi ngờ về chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay.