Ít làng nghề đào tạo bài bản
Theo ông Đạt, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo thí điểm 3 mô hình dạy nghề truyền thống. Đó là cấy nghề, dạy nghề gắn với vùng nguyên liệu và dạy các nghề truyền thống gồm 113 lớp bao gồm 26 nghề ngắn hạn với 2.600 học viên. Sau hơn 1 năm thí điểm đã được đúc rút kinh nghiệm và áp dụng đại trà trong cả nước.
Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, sản xuất tại các làng nghề buộc phải cạnh tranh gay gắt về mẫu mã, chất lượng sản phẩm, giá thành, thị trường… Vì vậy, việc phát triển nghề nghiệp cho thanh niên tại các làng nghề đòi hỏi phải có những bước chuyển biến mới.
Hiện nay, cả nước có trên 5.100 làng nghề và làng có nghề. Các làng nghề đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho khoảng trên 10 triệu lao động. Đồng thời nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân chủ yếu ở khu vực nông thôn.
Các hộ sản xuất gia đình trong các làng nghề có truyền thống cha truyền con nối, nghề nghiệp được truyền từ đời trước cho đời sau. Tinh hoa nghề nghiệp luôn được lưu truyền, bảo tồn và phát triển.
Ở các làng nghề có những nghệ nhân tài hoa đang độ tuổi thanh niên. Trong các gia đình nghệ nhân cao tuổi có nghệ nhân ở thế hệ con cháu.
Một số gia đình cho con em đi học đại học, cao đẳng tốt nghiệp đúng nghề chuyên môn của cha ông, trở về làng nghề làm việc trở thành những nghệ nhân, thợ giỏi. Họ có rất nhiều sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất những sản phẩm chất lượng cao.
Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ nghệ nhân tài hoa trong các làng nghề phần lớn là cao tuổi, số nghệ nhân, thợ giỏi ở tuổi trung niên ít dần, số nghệ nhân, thợ giỏi ở tuổi thanh niên ngày càng ít.
Nguyên nhân là ngoài một số thanh niên say mê nghề nghiệp của cha ông, còn nhiều thanh niên tại các làng nghề có xu hướng muốn thoát ly khỏi làng. Người học hết phổ thông chỉ chọn một hướng vào đại học. Người có lực học yếu kém cũng không muốn ở làng, cố tìm một công việc khác kể cả công việc tạm bợ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, thành viên Ban Nghiên cứu và Phát triển làng nghề (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam), việc dạy nghề tại các làng nghề phần lớn theo lối cầm tay chỉ việc hoặc tổ chức những lớp học ngắn ngày. Rất ít làng nghề tổ chức đào tạo bài bản dẫn đến hiệu quả chưa cao.
“Cơ sở vật chất, phương tiện dạy nghề ở các gia đình và các cơ sở nhỏ lẻ, còn đơn sơ, thiếu thốn. Việc dạy nghề truyền thống ở một số trường đào tạo nghề cũng chưa gắn với nhu cầu. Do đó, nhiều người học xong vẫn không tìm được việc làm hoặc nơi tiếp nhận phải tốn kém thêm thời gian, kinh phí để đào tạo lại”, bà Hường cho biết.
Khuyến khích đào tạo tại chỗ
Để định hướng nghề nghiệp cho thanh niên các làng nghề cần đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình cùng các đoàn thể, xã hội. Trong bối cảnh hội nhập với sự cạnh tranh mạnh mẽ, nhu cầu phải có đội ngũ nhân lực với tay nghề tinh xảo càng cao.
Điều này nhằm tạo ra các sản phẩm phong phú về mẫu mã, bảo đảm chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường được đặt ra ngày càng cấp thiết. Chỉ có nguồn nhân lực chất lượng tốt thì mới giữ và phát triển các làng nghề truyền thống ngày càng phát triển.
NGƯT Trịnh Quốc Đạt cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo của các trung tâm dạy nghề truyền thống.
Trong những năm qua nhiều trung tâm dạy nghề truyền thống rải rác ở các địa phương được Nhà nước đầu tư tương đối đầy đủ cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nhiều cơ sở hoạt động chưa thật hiệu quả, chưa hết công suất. Vì vậy, cần tổ chức chặt chẽ hơn để phục vụ đào tạo phát triển nghề nghiệp cho thanh niên các làng nghề, khuyến khích về các làng nghề đào tạo tại chỗ.
Một số trường cao đẳng dạy nghề truyền thống và các trường đại học mỹ thuật công nghiệp cần tăng cường công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp thanh niên các làng nghề. Mục đích để tạo nguồn lao động kỹ thuật cao cho các làng nghề.
Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tổ chức đào tạo nhưng chưa có cơ chế khuyến khích thỏa đáng. Nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống là nghề tinh xảo đòi hỏi kỹ thuật cao, học viên chỉ học một khóa ngắn ngày mới chỉ làm được công đoạn đơn giản. Vì vậy, cần có các chương trình đào tạo lại từng cấp trình độ mới đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp và thu hút được thanh niên học tập.
Ông Đạt lý giải, thanh niên trong các làng nghề được đào tạo nghề nghiệp. Sau khóa đào tạo lại được tạo điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp về thủ tục kinh doanh, mặt bằng sản xuất, vay vốn tín dụng… Nếu cuộc sống bảo đảm, chắc chắn sẽ thu hút lớp trẻ lập nghiệp trên quê hương làng nghề của mình.
Ngoài ra, cần có sự tham gia của các tổ chức xã hội, đoàn thể, các hội nghề nghiệp trong công tác phát triển nghề nghiệp cho thanh niên các làng nghề.
Theo ông Đạt, trong những năm qua công tác phát triển nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn hay thanh niên các làng nghề chỉ có các tổ chức xã hội đầu mối ngân sách mới được giao nhiệm vụ. Còn tổ chức xã hội, nghề nghiệp không phải là đầu mối ngân sách thì không được giao. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực làng nghề, tăng cường hiệu quả trong hoạt động đào tạo còn hạn chế.